Trước thực trạng nổ mìn phá đá làm nứt nhà dân, kéo theo đó là người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ ô nhiễm môi trường do việc khai thác đá gây ra, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Hán - Giám đốc Sở Công thương Hà Nam cho biết, nguyên nhân khiến hàng trăm hộ dân bị nứt nhà do việc nổ mìn.
Việc nổ mìn vượt định lượng, thiếu kiểm soát khiến môi trường không khí ngày càng ô nhiễm nặng nề, do đó chuyện thị trấn Kiện Khê có đến 100 người mắc bệnh ung thư là chuyện bình thường.
Theo ông Hán, chuyện thị trấn Kiện Khê có 100 người mắc bệnh ung thư đã chết, và đang được điều trị ung thư tính trong vòng 5 năm trở lại đây không có gì là lạ.
Bởi, theo ông Hán, bụi không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn xâm nhập vào đời sống sinh hoạt của người dân, bụi theo người dân từ miếng ăn giấc ngủ.
Chuyện cơ quan công sở, nhà dân vừa lau xong đóng cửa kín mít, một vài giờ sau mở cửa ra đã thấy bụi phủ trắng bàn, kín nhà… là chuyện thường ngày người dân phải gánh chịu.
Cũng theo ông Hán, nhiều năm trước đây Hà Nam chọn khai thác vật liệu xây dựng làm mũi nhọn, hàng chục mỏ đá được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, doanh nghiệp tận thu khoáng sản lấy lợi nhuận bỏ túi, còn hậu quả nặng nề là ô nhiễm môi trường.
Trước đó, Báo Gia đình & Xã hội, phản ánh việc phát triển, khai thác nóng ngành khai thác vật liệu xây dựng ở Hà Nam khiến cuộc sống của hàng ngàn người dân ở 5 xã vùng Tây sông Đáy bị đảo lộn.
Hàng ngày, người dân phải “ăn với bụi đá, ngủ với bụi đá và hít thở với bụi đá”, trong vòng 5 năm trở lại đây tại thị trấn Kiện Khê, đã có khoảng 100 người đã chết, hoặc đang điều trị vì ung thư.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê, mức độ ô nhiễm môi trường ở Kiện Khê đã ở mức báo động.
Năm 2016, UBND thị trấn Kiện Khê được Trung tâm Y tế tỉnh Hà Nam về kiểm tra sức khỏe. Theo đó, 100% cán bộ ở đây đều bị nhiễm độc chì, asen.
Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam) cho thấy, hàm lượng bụi tổng số ở hầu hết các khu vực nóng về môi trường ở khu vực Tây Đáy đều cao hơn Quy chuẩn Việt Nam từ 1,96- 3,09 lần.
Chất lượng nước sông Đáy đang bị suy giảm do hoạt động khai thác đá gây ra. Một số chỉ tiêu đặc trưng của nước đều vượt QCVN 08-MT:2005/BTNMT như BOD5 vượt từ 1,67 – 3 lần, COD vượt từ 1,13 – 2,13 lần, NH4+ vượt từ 4,2 - 12 lần.