Gửi tiết kiệm tại tổ chức nào thì có bảo hiểm tiền gửi?

Bằng Lăng |

Ngoài vấn đề lãi suất, an toàn tiền gửi thì chính sách về bảo hiểm tiền gửi cũng được nhiều khách hàng quan tâm.

Bảo hiểm tiền gửi là một dịch vụ bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền. Theo đó, các khoản tiền gửi của khách hàng sẽ được bảo đảm và được bồi thường trong trường hợp ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng bị phá sản, không thể trả tiền gửi.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, đây là một yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Các quy định và chính sách tiền gửi được bảo hiểm thường được định đoạt bởi cơ quan quản lý ngân hàng hoặc cơ quan chính phủ.

Việc có bảo hiểm khi gửi tiền giúp tăng tính an toàn và tin cậy của các khoản tiền gửi, đồng thời giúp khách hàng cảm thấy yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, việc áp dụng bảo hiểm này cũng tùy thuộc vào điều kiện và mức độ bảo hiểm của từng quốc gia và tổ chức tín dụng.

Ở mỗi quốc gia đều có quy định về tiền gửi được bảo hiểm khác nhau. Tại Việt Nam, tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đều được bảo vệ bởi Quỹ bảo hiểm tiền gửi do Nhà nước quản lý. Điều này được quy định trong Điều 18, Luật bảo hiểm tiền gửi 2012.

“Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng”.

Theo đó, tất cả các loại tiền gửi cá nhân phù hợp với quy định nêu trên đều là tiền gửi được bảo hiểm.

Gửi tiết kiệm tại tổ chức nào thì có bảo hiểm tiền gửi? - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Gửi tiết kiệm tại tổ chức nào thì có bảo hiểm tiền gửi?

Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi như sau:

Tổ chức tham gia bảo hiềm tiền gửi

1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân, bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

2. Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô, trừ tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô.

3. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Dựa theo quy định, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm: Ngân hàng thương mại, Ngân hàng hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài,

Các tổ chức này phải được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

Tổ chức tài chính vi mô phải tham gia bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi của cá nhân bao gồm cả tiền gửi tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô.

Những loại tiền gửi không được bảo hiểm

Điều 19, Luật BHTG, Khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định một số loại tiền gửi sau đây không được bảo hiểm:

- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.

- Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng Giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng Giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.

- Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Bên cạnh đó, tiền gửi không phải bằng Đồng Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm bắt buộc theo quy định của tổ chức tài chính vi mô, tiền gửi không phải của cá nhân thì không được bảo hiểm tiền gửi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại