Các cô gái yêu cầu người yêu, người chồng phải có trách nhiệm, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái thì ngược lại, các bạn cũng nên chia sẻ áp lực tài chính, kinh tế cùng đối phương. Như vậy mới là bình đẳng, công bằng chứ!
Thời gian vừa qua có nhiều cô gái xuất hiện trên các chương trình hẹn hò để tìm người yêu và đưa ra những yêu cầu rất cao về tài chính.
Tôi nhớ cô gái tên Đoan Minh ở chương trình Ghép đôi thần tốc, đưa ra yêu cầu thế này: "Người đó phải đẹp trai. Em muốn bạn nam chi tiền cho em mua đồ, đầu tư chứng khoán, bất động sản. Trai cho tiền mình đi đầu tư, rồi mình chia tiền lại cho trai. Đi ăn nếu bạn trai quên bóp thì em có thể cà thẻ trả rồi đợt sau bạn cà lại, nhưng quên lần 2 là thôi bye, bye luôn".
Khi biết về hoàn cảnh đối phương rất khó khăn, phải chăm lo cho cha mẹ, cô gái lại không ngại tuyên bố: "Em sẽ kiếm bạn trai khác. Tư tưởng của em là khi có chồng sẽ dọn ra ở riêng. Em thích nấu ăn nhưng sẽ không bao giờ nấu cho bạn nam đâu, vì ảnh phải chiều em chứ".
Hay lâu hơn một chút, trên sóng chương trình Tần số tình yêu, một cô gái đưa ra hàng loạt câu hỏi cho bạn nam: "Nếu vợ anh không đi làm, anh có đủ bản lĩnh nuôi gia đình và chăm lo bố mẹ hai bên, gửi tiền về?
Em rất thích đi du lịch, mỗi năm em đi như vậy 1-2 nơi. Nhưng ở trong nước thì em đi gần hết rồi, Đông Nam Á và châu Á em cũng đi được kha khá. Sau này mà đi, em chắc chắn đi châu Âu, châu Mỹ… Anh có đủ tự tin, bản lĩnh tài trợ cho em đi châu Mỹ, châu Âu không? Đi chơi mà anh bận quá, em vẫn muốn đi, anh có chấp nhận không?".
Là một người phụ nữ, nói thật tôi cảm thấy rất khó chịu, khó hiểu với những cô gái kiểu này. Tôi không biết họ đang tìm kiếm bạn trai, bạn đời hay tìm "sugar daddy", đối tác chu cấp cho mình?
Tôi biết sẽ có nhiều cô gái phản biện rằng đây là tư duy thực tế, như thế mới là người khôn ngoan, cuộc sống mới đỡ khổ. Nhưng có khi nào các bạn thấy mình mâu thuẫn không?
Một mặt các bạn luôn hô hào khẩu hiệu bình đẳng giới, muốn nữ giới cũng được tôn trọng, đối xử công bằng như nam giới nhưng một mặt lại không muốn gánh vác những trọng trách, áp lực tương đương họ. Các cô gái yêu cầu người yêu, người chồng phải có trách nhiệm, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái thì ngược lại, các bạn cũng nên chia sẻ áp lực tài chính, kinh tế cùng đối phương. Như vậy mới là bình đẳng, công bằng chứ!
Đứng ở vị trí một người phụ nữ, tôi cảm thấy bất bình thay cho cánh đàn ông. Tư tưởng "đàn ông là trụ cột gia đình" đã ăn sâu vào bao thế hệ.
Hay tư tưởng nam giới lớn lên đã mặc định gánh trên vai trọng trách mua nhà, mua xe. Đến ngưỡng 27-30 tuổi mà chưa có nhà thì khó mà lấy vợ. Nhưng tôi luôn thắc mắc, tại sao không phải nam – nữ cùng nhau cố gắng vun đắp kinh tế để có tiền mua nhà, mua xe, mà lại dồn hết áp lực này lên vai người đàn ông?
Rồi quan điểm "đàn ông không khóc" khiến họ không dám bộc lộ những phần yếu đuối, nỗi buồn của mình. Tôi thấy đàn ông chẳng sung sướng gì, họ thật vất vả và đáng thương. Người ta hay nói "Phụ nữ là để yêu thương", tôi nghĩ nam giới cũng vậy.
Tôi chia sẻ quan điểm này trên cương vị một người phụ nữ 30 tuổi – độ tuổi đã được ông bà, cha mẹ giục lấy chồng. Tôi thường xuyên được họ hàng khuyên: "Lấy chồng có điều kiện, giàu một chút thì nó lo cho mình, mình đỡ khổ". Nhưng tôi cũng được nuôi dạy, ăn học đàng hoàng, tôi cũng có thể làm kinh tế mà!
Tôi không muốn đặt áp lực lên người yêu, người bạn đời sau này của mình. Cả hai cùng cố gắng làm việc, thăng tiến trong sự nghiệp, cùng vun cuộc sống đắp gia đình, tích luỹ để mua nhà hoặc mua những tài sản khác. Dù có thể sẽ "sướng muộn" hơn những cô gái kể trên, nhưng tôi thấy tự hào và tự chủ, người đàn ông của tôi cũng bớt gánh nặng.
Thay vì kén chọn, cố gắng tìm một đại gia có thể nuôi mình, tại sao các cô gái không dành thời gian đó phát triển bản thân và sự nghiệp. "Gió tầng nào gặp mây tầng đó", những chủ tịch, CEO hay anh chàng giàu, có học thức cũng chẳng dại gì lấy một người chỉ nhắm vào ví tiền của họ.
Tôi nói như vậy không có ý khẳng định những cô gái "thực tế" trên là sai. Nhưng nên nhớ rằng, muốn được "dựa" thì cũng phải chấp nhận để người ta "dẫm". Và lúc đó đừng kêu gào, đòi hỏi bình đẳng giới.