Cộng đồng phượt thủ đang truyền tay nhau một đoạn status ngắn, tấn công trực diện vào những thói quen vô ý thức, phá hoại môi trường của một bộ phận đi khám phá, nhưng chỉ thấy phá chứ chẳng khám được gì.
Địa điểm được nhắc tới trong "lá đơn" tố cáo là Tam Đảo và những hành động như "trộm rau su su người dân trồng ven đường", "vứt rác bừa bãi", "vê ga, nẹt bô gây tiếng ồn lớn giữa đêm" khiến bất kỳ ai yêu phượt đích thực cũng cảm thấy nóng máu.
Là một người yêu phượt, tôi thấy… mừng khi đọc được những lời răn đe đầy bức xúc thế này.
Bức "tâm thư" gửi những bạn trẻ kém ý thức đi phượt tại Tam Đảo.
Đôi khi trong lúc tâm hồn được giải phóng, nhiều người trở nên quá dễ tính khi chứng kiến những hành động nhẹ thì coi là vô ý thức, nhưng nặng thì là phá hoại môi trường của một bộ phận phượt thủ.
Tôi xin góp thêm vào lời kêu oan của người dân Tam Đảo một câu chuyện do chính mình chứng kiến.
Trong dịp viếng thăm Thung Nai mới đây, tôi tình cờ gặp được một nhóm phượt thủ. Họ có khoảng 10 người, tất cả đều là nam giới.
Nhìn vẻ ngoài thì nhóm phượt này không có vẻ gì nghèo khổ cả. Họ xài điện thoại Iphone 6, cầm theo loa bluetooth, đi xe đều thuộc dạng từ khá đến đắt tiền.
Nhưng vì muốn trải nghiệm, họ tìm lên đảo Dừa thách thức bản thân với cuộc sống hoang dã. Họ mang theo thịt đã được thái sẵn để trong hộp, nồi niêu xoong chảo, lửa, lều trại, bát đũa...
Để có củi nhóm lửa, họ đi bẻ trụi cành của một cây do người dân tự trồng. Họ chui vào nhà vệ sinh duy nhất của khu vực, "chiếm đóng" cả tiếng đồng hồ để rửa rau, hứng nước khiến nhiều khách du lịch phải chờ đợi bên ngoài, bao gồm cả trẻ em.
Cuộc nhậu của họ bắt đầu, bia lon được khui, nhạc sàn bật ầm ĩ, các thanh niên uống và hò hét gây náo loạn một góc.
Tan cuộc, họ để lại một núi rác gồm bát đũa nhựa, vỏ lon bia, thức ăn thừa, vỏ thuốc lá…
Tàn dư để lại sau chuyến phượt của nhóm bạn - Ảnh minh họa.
Tôi không hiểu họ đã trải nghiệm được những gì ngoài việc ngồi giữa trời và thức ăn được nấu chín bằng củi thay vì bếp ga hay bếp từ.
Nhưng tôi biết chắc chắn rằng những gì họ trải nghiệm là quá ít so với số rác rưởi mà họ đã bỏ lại và sự bất tiện mà họ đã tạo ra cho người dân địa phương.
Lời kêu cứu của người dân Tam Đảo không rõ là lần thứ bao nhiêu dân bản địa phải khóc thét vì quê hương của họ bị các "phá thủ" giày xéo.
Mới năm ngoái, bức tâm thư của một cô gái Hà Giang nổi giận khi những cánh đồng hoa Tam Giác Mạch bị nhiều kẻ khoác lên mình danh nghĩa của phượt thủ giẫm nát cũng từng gây xôn xao dư luận.
Theo suy nghĩ của tôi: Mục đích cao cả nhất của đi phượt là để khám phá những miền đất mới, để giải phóng tâm hồn khỏi sự tù túng của công việc, học hành, thi cử.
Vì mục đích này, những người đam mê đi phượt thường sẽ gặp nhau ở sự phóng khoáng về tâm hồn. Họ yêu cảm giác tự do, bay nhảy, yêu cái sự thênh thang của đất trời.
Mỗi khi đi đâu đó, cảm giác thú vị nhất của tôi là tự do. Tôi giải phóng bản thân khỏi những thứ khô khan của cuộc sống như mạng xã hội, các con phố tràn ngập ánh đèn quảng cáo, những chiếc ô tô rú ga, xả khói, nhưng buổi tắc đường triền miên.
Khi tâm hồn được giải phóng, tôi không nghĩ đến việc phải chụp một bức ảnh check-in thật đẹp, kiếm chỗ có sóng 3G hoặc wifi để khoe ngay lập tức.
"Travelling - It's not about the destination; it's about the journey" – Du lịch, điều thú vị không nằm ở điểm đến, mà nằm ở hành trình. Hành trình của sự chinh phục, sự tận hưởng, chứ không phải điểm đến là một cánh đồng hoa và lặn lộn ra đó chụp hàng trăm kiểu ảnh.
Nếu không hiểu mục đích cao cả của phượt, nếu tâm hồn của bạn vẫn bị gò bò bởi những thứ chi phối bạn hàng ngày như Facebook, likes, shares, sống ảo… trên hành trình đi phượt, thì xin lỗi bạn: Đó không phải là phượt đâu.
Bạn phượt là bạn yêu thiên nhiên, chứ không tàn phá thiên nhiên.
Bạn trải nghiệm để trưởng thành hơn, chứ không phải để trở thành một kẻ xả rác bừa bãi, phá hoại cây cối.
Trên Facebook có dăm ba tấm ảnh săn mây Tà Xùa, lăn lộn cánh đồng Tam Giác Mạch… chả có giá trị gì nếu bạn không hiểu đi phượt để làm gì.