Gửi binh sĩ, máy bay tới Venezuela: Dấu hiệu Nga đã hạ quyết tâm, quyết "liều tới cùng" với Mỹ?

Tất Đạt |

Theo Vox, rõ ràng Venezuela đã là ưu tiên hàng đầu của Nga trong nhiều thập kỉ.

Binh sĩ Nga bất ngờ tới Venezuela

Gần đây, Nga đã gửi 2 máy bay quân sự chở theo binh sĩ và trang thiết bị tới Venezuela. Động thái này đã khiến Mỹ phản ứng gay gắt và có nguy cơ đẩy quốc gia Nam Mỹ vào căng thẳng sâu sắc hơn.

Ngày 24/3, khoảng 100 binh sĩ Nga đã xuất hiện ở Caracas với những trang bị chưa được xác định. Hiện tại, chưa rõ nguyên do các binh sĩ này tới Venezuela, nhưng nhiều người cho rằng Nga đã cử nhóm này tới để bảo vệ tổng thống Nicolas Maduro khỏi nguy cơ bị Mỹ và đồng minh lật đổ.

Theo CBS News, mặc dù trước đây Nga có gửi một số cố vấn tới Venezuela, thì con số 100 binh sĩ vẫn là một điều bất thường.

Vox dẫn lời các chuyên gia và quan chức chính phủ Mỹ nhận định Nga chỉ muốn bảo vệ các nhân viên ngoại giao Nga tại Venezuela hoặc thực hiện bảo dưỡng các thiết bị quân sự của Nga ở Venezuela. Hay nói cách khác, binh sĩ Nga không phải tới đây để hỗ trợ ông Maduro.

Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn tỏ ra quan ngại, chủ yếu bởi vẫn có khả năng Moskva sẽ can thiệp quân sự tại Venezuela giống như đã làm tại Syria.

Trong khi đó, Reuters dẫn các nguồn tin cho hay các binh sĩ Nga tới để tăng cường an ninh cho ông Maduro.

Một số trong số những người tới Venezuela được cho là "sĩ quan an ninh mạng", có nhiệm vụ giúp Caracas chống lại các cuộc tấn công mạng từ Mỹ cũng như tăng cường thu thập thông tin tình báo cho chính phủ ông Maduro.

Hiện tại, chính phủ Venezuela xác nhận máy bay Nga đã hạ cánh với sự cho phép của ông Maduro, nhưng không đưa ra thêm thông tin khác.

Từ tháng 1, chính quyền của ông Trump - cùng chính phủ khác ở khu vực Mỹ La-tinh và châu Âu - đã kêu gọi ông Maduro từ chức sau khi kinh tế Venezuela ngày càng kiệt quệ và khủng hoảng nhân đạo chưa có dấu hiệu được giải quyết.

Mỹ và một số nước khác hiện đã công nhận ông Guaido - lãnh đạo phe đối lập Venezuela - là tổng thống hợp pháp của nước này.

Ngày 24/1, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phản ứng với động thái nói trên, và tuyên bố đây là "sự phá hoại từ nước ngoài, vi phạm những luật cơ bản của luật pháp quốc tế".

Mặc dù Điện Kremlin khẳng định có quyền hợp pháp khi gửi quân đội tới Venezuela, phía Mỹ không đồng tình.

Ngày 25/3, ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói với ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng Mỹ "sẽ không đứng im nhìn Nga bành trướng tại Venezuela".

"Việc Nga tiếp tục đem quân đội tới hỗ trợ ông Maduro sẽ chỉ kéo dài thời gian chịu đựng của người dân Venezuela," ông Pompeo nói.

Ngày 27/3, khi ngồi cùng vợ của ông Guaido tại Phòng Bầu dục, tổng thống Trump tuyên bố: "Nga phải rút khỏi Venezuela".

Lí do của Nga và Mỹ

Chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ buộc ông Maduro từ chức vì khiến đất nước Venezuela lạm phát quá cao. Tuy vậy, một số chuyên gia tin rằng lí do lớn nhất là ông Trump muốn "ghi điểm" và có những luận điểm mới để tranh luận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Việc Mỹ hướng mục tiêu tới Venezuela đã khiến quốc gia này trở thành một chiến trường cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm quy mô nhỏ với Nga.

Ban đầu, dường như mọi chuyện rất "kì lạ" khi Moskva - vốn luôn dành các nguồn lực để giành ảnh hưởng tại châu Âu và Trung Đông - lại bất ngờ quan tâm tới một quốc gia ở Nam Mỹ. Nhưng theo Vox, rõ ràng Venezuela đã là ưu tiên hàng đầu của Nga trong nhiều thập kỉ.

Lí do đầu tiên là, việc thiết lập đồng minh thân thiết với Venezuela cho phép Nga có một bàn đạp vững chắc ở sân nhà của Mỹ. Nga, đặc biệt dưới thời ông Putin, đã trở thành một trong những cường quốc lớn của thế giới. Giành tầm ảnh hưởng ở Nam Mỹ là một cách khả thi để kìm hãm sức mạnh của Washington.

Do đó, nỗ lực của Mỹ trong việc lật đổ ông Maduro rõ ràng sẽ gây rắc rối cho Moskva: nếu ông Maduro từ chức và ông Guaido lên làm tổng thống, thì Venezuela sẽ "thân thiết" với Mỹ hơn là Nga.

"Khi Venezuela rời bỏ quỹ đạo của Nga, thì đây sẽ là tổn thương lớn với Kremlin. Moskva đang cố gắng hết sức để chuyện này không xảy ra," Vladimir Rouvinski, một chuyên gia về quan hệ Nga-Venezuela tại Đại học Cali ở Colombia, viết trong bài nghiên cứu tại Trung tâm Wilson ở Washington.

Lí do thứ hai là về kinh tế. Venezuela đã mua số trang thiết bị quân sự Nga với tổng trị giá lên tới hàng tỉ USD, tới mức mà gần như kho vũ khí của Venezuela đều có xuất xứ Nga. Moskva rõ ràng không muốn mất đi một khách hàng quan trọng như vậy.

Ngoài ra, dầu mỏ cũng là một vấn đề lớn.

Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft đã đầu tử khoảng 9 tỉ USD vào các dự án khai thác dầu mỏ ở Venezuela từ năm 2010. Tới nay công ty vẫn chưa thu hồi được vốn, và Venezuela vẫn nợ Rosneft khoảng 3 tỉ USD.

Đây là lí do tại sao ông Igor Sechin, chủ tịch của Rosneft và người được cho là nhân vật quyền lực thứ 2 của nước Nga, lại quan tâm tới Venezuela như vậy. Ví dụ, hồi tháng 11 năm ngoái, ông Sechin đã tới Caracas để gặp ông Maduro để phàn nàn về những khoản nợ của Venezuela.

Với những lợi ích về chính trị và kinh tế của Nga ở Venezuela, rõ ràng việc Moskva gửi quân sĩ tới đất nước này để ủng hộ ông Maduro là điều có thể hiểu được.

"Nga hiện tại đã can thiệp vào Venezuela sâu tới mức mà lựa chọn thiết thực duy nhất hiện tại là 'liều tới cùng'," Alexander Gabuev, một chuyên gia tại Trung tâm Carnegie Moscow, viết trên tờ Financial Times.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại