Guardian: Từ ứng viên sáng giá, vì sao Clinton thua bàng hoàng trong "cơn địa chấn" Trump?

Linh Nguyễn |

Khi cơn địa chấn trên toàn thế giới tạm qua đi, cũng là lúc bắt đầu mổ xẻ để tìm ra lời giải thích hợp lý cho cú sốc này.

Theo Guardian, câu hỏi tại sao Hillary Clinton có thể thất bại trước một đối thủ gây chia rẽ như Donald Trump sẽ còn ám ảnh đảng Dân chủ trong hàng năm trời.

Lạ mà không lạ

Đảng cầm quyền hiếm khi tiếp tục nắm giữ chiếc ghế Tổng thống sau 8 năm đương nhiệm. Kể từ khi tổng thống George HW Bush tiếp nối 8 năm "trị vì" của đảng Cộng hòa sau khi tổng thống Ronald Reagan rời nhiệm sở, bức tranh chính trị Mỹ đã trở nên phân cực hơn rất nhiều, và con quay quyền lực liên tục xoay chuyển.

Việc Trump phá bỏ mọi dự đoán dường như cũng trở thành một kiểu "quy tắc vàng" trong chính trị Mỹ năm 2016.

Mặc dù liên tiếp vấp phải chỉ trích và bị coi như một trò đùa trong phiên bầu cử sơ bộ, Trump nắm giữ vị trí trung tâm trong kiểu suy nghĩ đã khiến Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU).

Vấn đề muôn thuở: Nền kinh tế

"Là nền kinh tế đấy, ngốc ạ!" - đây là lời của vị cố vấn James Carville nói với Bill Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1992. Câu nói này nhiều khả năng sẽ lại có ích với phe Dân chủ vào năm 2016, khi tổng thống Barack Obama đã chèo lái nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng tài chính, và tỷ lệ người dân có việc làm tăng liên tục trong nhiều quý.

Xui xẻo cho Clinton là nhiều người Mỹ không có chung tư tưởng lạc quan như vậy.

Mức lương chững lại và tình trạng bất bình đẳng lan rộng chính là các triệu chứng của bất ổn trong suy nghĩ nhiều cử tri. Trump đã thành công trong việc thuyết phục họ rằng, các triệu chứng này là hậu quả của loạt thỏa thuận thương mại tồi tệ và nền kinh tế bị lũng đoạn.

Mặc dù bị Bernie Sanders chất vấn về vấn đề này trong phiên sơ bộ của đảng Dân chủ, bà Clinton chưa bao giờ đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Thái độ quay ngoắt 180 độ với thương mại của bà càng khiến công chúng hoài nghi sâu sắc.

Thực ra, theo Guardian, ngay cả những bài giảng đậm chất hung hăng của Trump cũng chẳng tốt đẹp hơn gì Clinton, nhưng điều mấu chốt chính là Clinton đã không thể biện hộ một cách thuyết phục cho chủ nghĩa tư bản hiện đại của Mỹ.

Guardian: Từ ứng viên sáng giá, vì sao Clinton thua bàng hoàng trong cơn địa chấn Trump? - Ảnh 1.

Ảnh: The Atlantic

Niềm tin không tồn tại

Một vấn đề bao trùm lên cả những chính sách hợp tình hợp lý của Hillary Clinton chính là lòng tin bị thiếu hụt.

Những bài phát biểu do Goldman Sachs thanh toán, và mạng lưới kinh doanh mờ ám liên quan đến quỹ từ thiện mang tên gia đình đã khiến nhiều người Mỹ không còn tin tưởng Clinton trong các vấn đề liên quan đến tiền bạc và hơn thế nữa.

Việc FBI tuyên bố tái điều tra ứng viên đảng Dân chủ chỉ vài ngày trước thềm bầu cử nhằm mục đích cáo buộc bà tội danh coi thường quy tắc bảo mật dữ liệu quốc gia là ví dụ tiêu biểu nhất của tình trạng trên.

Trên thực tế, cuộc điều tra muộn màng của FBI đã xoáy vào suy nghĩ của người dân rằng "những người nhà Clinton hành động như thể luật pháp chẳng chạm được đến họ". Đây mới là hậu quả lớn nhất.

Thông điệp ích kỷ

Clinton chỉ tập trung vào việc quảng bá chính mình. Thông điệp mạnh mẽ nhất xuyên suốt cuộc vận động lại là, bà chính là người duy nhất đủ tiêu chuẩn trở thành tổng thống.

Tuy thông điệp này vẫn đúng phần lớn, nhất là khi so sánh với mức kinh nghiệm bằng không của Donald Trump, nhưng những ý tưởng lớn lao khác lại bị "ra rìa".

Có tới hàng ngàn đề xuất chính sách, từ thay đổi hệ thống y tế cho đến những phiên bản rút gọn của loạt đề xuất nợ đại học do Bernie Sanders chắp bút. Số lượng chính sách hay quan điểm đáng nhớ của bà chỉ đếm trên đầu ngón tay, kể cả đối với người ủng hộ Clinton.

Slogan của chiến dịch cũng không có ý nghĩa gì nhiều. Thông điệp "hy vọng và thay đổi" của Obama thành ra nhiều "hy vọng" hơn là thay đổi. Nhưng câu nói "cùng nhau mạnh mẽ hơn" (Stronger Together) của Clinton lại chỉ nhằm vào việc đáp trả quan điểm chia rẽ của Trump. Điều này khiến trận chiến chỉ xoay quanh trung tâm là Donald Trump chứ không phải Clinton.

Guardian: Từ ứng viên sáng giá, vì sao Clinton thua bàng hoàng trong cơn địa chấn Trump? - Ảnh 2.

Ảnh: NBC New York

Trưng cầu dân ý sai hoàn toàn

Giữa muôn vàn lời trách cứ ngang dọc về thất bại cay đắng của Hillary Clinton, hẳn những cơ quan khảo sát phải cảm thấy xấu hổ nhất.

Hầu hết mọi kết quả thăm dò ý kiến trước thềm bầu cử đều khẳng định cựu Ngoại trưởng dẫn trước Trump với khoảng cách khá dễ chịu. Kết quả thực ra sao thì ai cũng đã biết: Trump mới là người chiến thắng, và còn thắng một cách đẹp mắt.

Sự thất bại này phản ánh tình trạng sa sút về nghiệp vụ phân tích số liệu. Việc tiếp cận một lượng cử tri lớn - những người không dùng điện thoại bàn, hoặc thậm chí không gọi điện thoại di động nhiều - bằng kỹ thuật lấy mẫu thống kê từ thế kỷ 20 đã đem lại hàng loạt kết quả sai lệch đáng báo động trên toàn thế giới.

Nhưng các nhà dự đoán người Mỹ cảm thấy đặc biệt khó hiểu với hiện trạng nhân khẩu học khá lộn xộn của đợt bầu cử 2016.

Một số quan điểm kinh tế của Trump không bảo thủ như Clinton, ứng viên này cố thể hiện một tinh thần "vì dân" trước các nhóm cử tri hoàn toàn độc lập và chưa theo phe nào. Vậy mà giới phân tích vẫn tiếp tục giả định rằng nếu một số cử tri Dân chủ đi bỏ phiếu sớm, hoặc trả lời thăm dò rằng họ sẽ bỏ phiếu, tự động có nghĩa là họ bầu cho Clinton.

Guardian kết luận, lịch sử đã chao đảo vào năm 2016 - điểm khởi đầu của cú sốc chính trị bao hàm ý nghĩa rằng, tấm bản đồ bầu cử của Mỹ đã thay đổi vĩnh viễn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại