LTS: Thế giới đang phải chứng kiến hàng loạt diễn biến thất thường của khí hậu. Thiên tai hoành hành khắp nơi và đang có tác động lớn đến đời sống con người. Mùa hè năm 2017 sắp tới, liệu thời tiết cực đoan có xảy ra ngoài quy luật?
Hãy cùng làm sáng tỏ vấn đề qua bài phỏng vấn với GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, một nhà khoa học tâm huyết về môi trường.
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh - Nhà khoa học vinh dự nhận giải Nobel Hòa bình năm 2007.
Hỏi: Có thông tin rằng "kịch bản El Nino" bất chấp quy luật 5 năm có 1 lần sẽ xuất hiện vào cuối năm 2017. Nhận định này có đúng không, thưa ông?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Hiện nay đang không có một "kịch bản El Niño" nào cả. Các tổ chức quan trắc khí tượng trên thế giới chỉ tiến hành đo đạc để đưa ra các nhận định về hiện tượng El Niño và La Niña nhằm đưa ra các dự báo ngắn hạn và trung hạn (khoảng vài tháng).
Theo các số liệu ghi lại trong quá khứ, các đợt xuất hiện của pha nóng của hiện tượng ENSO với cường độ mạnh hoặc trung bình (El Niño mạnh hoặc trung bình thường cách nhau từ 4-7 năm). Nhưng cũng có các giai đoạn mà El Niño mạnh hoặc trung tính đi kèm với El Niño yếu 2 năm liên tiếp.
Vì vậy, dự báo của đài khí tượng những năm gần đây cho thấy hè năm 2015 đã có dấu hiện của El Niño nhẹ, giai đoạn 2016 El Niño mạnh và tới hè thu 2017 có khả năng hiện tượng El Niño nhẹ/yếu quay trở lại, tuy là dị thường nhưng cũng không phải chưa có tiền lệ.
Hỏi: Cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được nguyên nhân gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino (và cả La Nina). Đây có phải vấn đề cản trở tiến trình ứng phó với El Nino (La Nina) của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ven biển không, thưa ông?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Theo quan điểm của tôi, việc tìm được nguyên nhân (có tính tự nhiên) gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino là quan trọng nhưng đó không phải là vấn đề chính gây cản trở tới tiến trình ứng phó thiên tai.
Thực tế, đến nay chúng ta cũng đã lý giải được các nguyên nhân gây tới các dạng thiên tai khác như bão, động đất. Nhưng xét về hoạt động ứng phó với các dạng thiên tai ấy, thật khó có thể nói rằng chúng ta đã làm tốt.
Theo tôi thấy, hiện nay hệ thống dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam, đặc biệt là của các nước trên thế giới là tiên tiến và hiện đại, có thể theo dõi và đưa ra các nhận định có độ chính xác cao về các hiện tượng thời tiết cũng như các tai biến thiên tai liên quan tới thời tiết như El Niño.
Vì vậy, vấn đề quan trọng là các bên liên quan đã làm gì để chuẩn bị ứng phó với các dạng thiên tai có thể xảy ra ở khu vực của mình cũng như để phản ứng trước những thông tin dự báo ấy.
El Niño sẽ diễn ra với tần suất và cường độ bất thường, khó đoán hơn. Ảnh: Washington Post.
Hỏi: Theo tôi được biết, từ cách đây 9 năm, trong một cuộc trả lời báo chí, ông có dự đoán rằng giai đoạn 2010-2020 nhiệt độ Việt Nam sẽ tăng lên từ 0,5-1,5 độ C. Nay đã bước sang năm thứ 7 của giai đoạn đó, vậy ông có thể chứng minh dự đoán của mình là đúng không?
- Trong sự tăng nhiệt độ này (ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung), El Nino có đóng vai trò gì không, thưa ông?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Khi tôi nói nhiệt độ trong giai đoạn 2010-2020 sẽ tăng lên từ 0,5-1,5 độ là phải có so sánh với giai đoạn thời gian những năm 1950. Thực tế theo số liệu quan trắc gần đây (kịch bản biến đổi khí hậu 2016), nhiệt độ bề mặt trung bình tại Việt Nam đã tăng khoảng 0,62 độ C trong giai đoạn 1958-2014.
Hơn thế nữa, tốc độ tăng nhiệt độ trung bình của chúng ta cũng đang dần tăng cao, bởi riêng giai đoạn 1985-2014 nhiệt độ trung bình bề mặt tại Việt Nam đã tăng 0,42 độ C (tức là tăng 0,14 độ C/10 năm).
Tôi nghĩ về cơ bản, El Niño không có tác động tới sự tăng lâu dài của nhiệt độ trung bình của Trái Đất. Nó chỉ có tính cục bộ trong 1 giai đoạn nhất định. Bởi El Niño là hiện tượng thời tiết cực đoan, nó sẽ gây ảnh hưởng tới nhiệt độ trung bình bề mặt trong giai đoạn mà nó đang xuất hiện.
Điều này cũng giống như các hiện tượng khác như bão, xét về thời điểm cục bộ ấy tổng lượng mưa có thể tăng nhưng khi xét về cả quá trình lâu dài thì không thể nói vì năm đó có bão mà lượng mưa trung bình năm của Việt Nam tăng được.
El Niño khác bão ở chỗ, El Niño xuất hiện và có thể kéo dài tới 2 năm, không chỉ xuất hiện theo mùa như bão. Nhưng có thể nói trong 2 năm ấy, nhiệt độ trung bình bề mặt có thể tăng rất cao.
Ví dụ như 6 tháng đầu năm 2016 vừa rồi do tác động của El Niño nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất tăng 1,3 độ C.
Năm 2016 vừa rồi do tác động của El Niño nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất tăng 1,3 độ C. Ảnh: Earth Times
Hỏi: Cũng chính ông từng nói, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng sẽ là những thành phố bị ảnh hưởng nhất tại Việt Nam nếu nước biển dâng. Vậy, El Nino nói chung và El Nino đợt tới nếu xảy ra bất thường có tác động thế nào đến tình hình nước biển Đông không?
Và đến thời điểm này, nguy cơ một số thành phố VN bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng đang ở tình trạng nào: sẽ trầm trọng hơn dự báo, hay sẽ nhẹ nhàng hơn?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Trong thời gian xảy ra El Niño có sự thay đổi rất lớn về nhiệt độ trung bình bề mặt, điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới các hiện tượng thời tiết, hoạt động của con người cũng như các hệ sinh thái thiên nhiên.
Trong những lúc bị El Niño tác động, nước biển tùy từng khu vực cũng ấm hơn và có độ giãn nở nhiệt cao hơn so với bình thường. Hiện tượng El Niño năm 2015-2016 vừa rồi đã khiến mực nước biển ở khu vực bờ đông Thái Bình Dương (ven bờ biển nước Mỹ) cao hơn so với bình thường.
El Niño tác động rõ ràng tới Việt Nam, hiện tượng này làm tăng tính bất định của thời tiết tại Việt Nam. Nhưng nhìn chung là, nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời chúng ta sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn do các hiện tượng thiên tai liên quan tới thời tiết, khí hậu cũng như mực nước biển dâng.
Hỏi: Từ vấn đề El Nino có thể xuất hiện trái quy luật, ông có thể đưa ra một đánh giá tương đối toàn cảnh về những hậu quả đáng sợ nhất từ biến đổi khí hậu mà ông dự đoán được là sẽ tác động lên Việt Nam?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thiên tai liên quan tới thời tiết (bao gồm cả hiện tượng El Niño) sẽ diễn biến với tần suất và cường độ bất thường, khó đoán hơn.
Hàng nghìn người Ấn Độ đã chết vì nắng nóng kỷ lục năm 2016. Ảnh: Reuters.
Hỏi: Tuy nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu đã tăng lên nhiều so với thời điểm cách đây gần 10 năm – thời điểm mà ông từng kể là "nói không ai tin", nhưng có vẻ như đa số người dân vẫn chưa hiểu thật rõ, chưa cảm nhận thật rõ biến đổi khí hậu tác động đến đời sống thường ngày của họ như thế nào.
Vậy, ông có thể giải thích sâu về một, vài hiện tượng rất trực tiếp, gần gũi với đời sống mà đang hứng hậu quả của biến đổi khí hậu được không?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Biến đổi khí hậu được thể hiện quan các biến động của thời tiết. Dễ thấy nhất chính là sự thay đổi bất thường của nhiệt độ, lượng mưa hay bão tại Việt Nam trong các năm gần đây. Tôi nghĩ đây là các thay đổi mà ai cũng nhận thấy rồi.
Hỏi: Các nhà hoạch định chính sách và bảo vệ môi trường Việt Nam cần làm những gì để giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu lên đất nước, theo ông?
Tương tự, ông khuyến cáo những hành động cụ thể gì trong thói quen và nhận thức của cộng đồng để góp phần làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu?
GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh: Chúng ta nên xây dựng các chương trình dựa theo cơ sở, bằng chứng khoa học để đưa ra các biện pháp quản lý tổng hợp, trong đó chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tai biến thiên tai với sự tham gia của các bên liên quan (bao gồm cả người dân và doanh nghiệp).
Nên lắng nghe thông tin dự báo và xây dựng các chương trình phản ứng cũng như nghe theo hướng dẫn của cơ quan chức năng bên cạnh viêc xây dựng cách chủ động phương thức phòng chống của mình.
Xin trân trọng cảm ơn ông!