GS Phạm Phụ (giữa) trao đổi với các đại biểu tại hội thảo khoa học về tự chủ đại học vào tháng 11-2019 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Tuổi Trẻ ghi ý kiến của một số học trò, cộng sự về vị giáo sư được coi là "kiến trúc sư" của đổi mới giáo dục đại học.
GS NGUYỄN THIỆN NHÂN (nguyên trưởng khoa quản lý công nghiệp, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM):
Nhạy bén, nhiệt tình, tận tụy
Có mặt rất sớm để viếng thầy vào chiều 14-10, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết 15 năm làm việc chung với GS Phạm Phụ ở khoa quản lý công nghiệp và Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã để lại cho ông nhiều ấn tượng và sự trân trọng.
"Tôi nghe tin thầy mất, thực sự rất buồn. Thầy ra đi là sự mất mát lớn của Trường ĐH Bách khoa, đội ngũ nhà giáo của khoa quản lý công nghiệp. Ngày hôm nay, những người đồng nghiệp, sinh viên các khóa của thầy vì những lý do riêng có thể không thể kịp về tiễn đưa thầy nhưng tôi tin rằng trong lòng họ luôn có sự trân trọng và biết ơn. Không ai có thể chống lại tạo hóa.
Thầy đi xa nhưng có hàng trăm, hàng ngàn người vẫn tiếp bước trên nền tảng thầy đã xây dựng. Tôi mong thầy an lòng" - ông Nhân chia sẻ.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, động viên con gái GS.TS, Nhà giáo nhân dân Phạm Phụ, chiều ngày 14-10 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ông Nhân kể thầy là người khởi xướng và là trưởng khoa quản lý công nghiệp đầu tiên của Trường ĐH Bách khoa. Khi còn là bộ môn quản lý công nghiệp, bộ môn đã phối hợp với Thụy Sĩ và AIT đào tạo thạc sĩ, giảng dạy tiếng Anh. Sau này khi thành lập khoa, bắt đầu đào tạo đại học.
Ngành này là nền tảng quan trọng bởi người kỹ sư ngoài kiến thức chuyên môn cũng cần biết thêm về kinh tế, quản lý sản xuất. Từ nền tảng ban đầu ấy, giảng viên nhiều khoa khác chuyển về bộ môn, sau này là khoa, đào tạo nhiều thế hệ giảng viên, nhân lực quản lý công nghiệp phục vụ phát triển đất nước.
"Thầy là người đã tạo điều kiện để tôi được giảng dạy đại học, kinh nghiệm quản lý. Thầy là người có chính kiến nhưng không áp đặt. Thầy luôn khuyến khích và tạo điều kiện để giảng viên bày tỏ quan điểm, tôn trọng chính kiến của người khác, tạo điều kiện để họ thực hiện chứ không can thiệp quá sâu. Đó là lý do thầy thu hút được rất nhiều giảng viên trẻ về khoa" - ông Nhân nói.
Có hai điểm ấn tượng về người thầy quá cố mà ông Nhân luôn nhớ: nhạy bén với cái mới và nhiệt tình, tận tụy. Thầy nhiều năm nghiên cứu về giáo dục các nước, để từ đó kiến nghị đổi mới giáo dục đại học Việt Nam như mô hình hội đồng trường, bên cạnh ban giám hiệu.
"Thời tôi làm bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi và thầy vẫn tiếp tục trao đổi các vấn đề về giáo dục đại học, các mô hình có thể vận dụng cho giáo dục đại học Việt Nam" - ông Nhân nói thêm.
TS HOÀNG NGỌC VINH:
Tâm huyết, giản dị
Với ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ấn tượng về GS Phạm Phụ là nhà giáo tâm huyết và giản dị. Hai người từng trao đổi rất nhiều về tự chủ đại học.
"Nghe tin thầy mất, tự dưng nước mắt tôi chảy. Quá thương thầy vì những gì thầy mang đến cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học nước nhà trên nhiều bình diện: tự chủ và tài chính giáo dục đại học.
Tôi được thầy quý mến và thường xuyên trao đổi thông tin và học hỏi được nhiều điều ở thầy. Không chỉ trao đổi quan điểm, đôi lần thầy khuyên tôi những điều nên làm. Thầy là nhân cách lớn về tinh thần tự học, là nhà giáo chân chính, thật thà.
Trong cuộc sống những con người tử tế như thầy lại gặp khá nhiều điều bất hạnh. Có lẽ những trăn trở về đổi mới giáo dục đại học vẫn theo thầy đến tận cuối đời. Vĩnh biệt và cầu mong thầy an nhiên tự tại nơi suối vàng và giải tỏa hết sạch những trăn trở cho công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà" - ông Vinh nói lời tạm biệt.
PGS.TS MAI THANH PHONG (hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Hết lòng vì công việc
Tên tuổi của thầy Phạm Phụ rất nổi tiếng trong Trường ĐH Bách khoa, gắn liền với rất nhiều thế hệ sinh viên hàng chục năm qua. Gần như không ai ở Bách khoa là không biết đến thầy. Không những thế, các thầy cô ai cũng quý mến thầy Phạm Phụ.
Vì sao sự yêu quý này dành cho thầy lại lớn đến thế? Tôi nghĩ, đó là vì sự tâm huyết cống hiến cho trường, cho sinh viên mà thầy mang đến từ khi còn trẻ cho đến tận những năm tháng về hưu.
Hơn nữa, vượt ra khỏi phạm vi của một trường đại học, thầy dành tấm lòng toàn tâm, trọn vẹn cho giáo dục đại học nước nhà. Thầy luôn luôn trăn trở về những sự đổi mới mang tính tích cực trong quản trị đại học ở Việt Nam.
Xuất thân là dân kỹ thuật, nhưng rồi chuyển sang công tác quản trị, quản lý và hết mình cho những ý tưởng phát triển đại học.
Nếu tìm hiểu về những góp ý của thầy Phạm Phụ thông qua các trang sách hay mặt báo, nhiều người có thể nhận thấy thầy đã nói đến những chuyện về tự chủ đại học và những hướng cải tiến quản trị đại học từ cách đây 20 năm.
Đến cuối đời, thầy vẫn đam mê chia sẻ những góc nhìn của mình về vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau. Đó là cái tâm của một người thầy luôn vì sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam nói chung, không riêng gì với Trường ĐH Bách khoa.
TS CAO HÀO THI:
Bữa trưa làm việc
Năm 1976, giáo sư Phạm Phụ từ miền Bắc vào giảng dạy về thủy lợi, thủy điện tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, ông Cao Hào Thi - hiện là hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn - là lứa sinh viên đầu tiên. Đã 42 năm, hai thầy trò vẫn gắn kết với nhau.
"Mấy chục năm nay, tôi vẫn duy trì "bữa trưa làm việc" cùng thầy. Mỗi tuần, thầy, tôi và các học trò của tôi hẹn nhau đi ăn để trao đổi các vấn đề liên quan đến giáo dục. Khi dịch COVID đến, tôi không tổ chức ăn trưa được, thầy liền gọi nhắc. Đó dường như đã là thói quen của thầy rồi" - ông Thi kể.
Bữa cơm trưa ấy đã được thầy Phụ tổ chức vài chục năm trước, sau đó ông Thi duy trì. Sau khi học xong đại học, ông Thi ở lại trường làm việc cùng thầy Phụ. Khi có ý tưởng gì mới, thầy thường trao đổi với các giảng viên trẻ trong bữa cơm trưa, lắng nghe các ý kiến trao đổi, phản biện trước khi công khai rộng rãi. Đó là lý do cái tên "bữa trưa làm việc" ra đời.
"Sau dịch tôi có tổ chức lại bữa cơm này. Hai tuần trước thầy vào viện. Nay thì những bữa cơm trưa như vậy không còn có thầy tham dự nữa" - ông Thi bùi ngùi.
Với ông Thi, thầy Phụ không chỉ là nhà giáo chân chính, nhà khoa học tận tụy luôn có nhiều ý tưởng mới mà còn là người mà ông hàm ơn.
"Thầy là người hướng dẫn tôi trong nghề nghiệp, mỗi bước trưởng thành của tôi đều có sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của thầy. Tôi rất tự hào và vinh dự là học trò của thầy" - ông Thi nói thêm.
Giáo sư Phạm Phụ tại phòng làm việc ở Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2019 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
GS Phạm Phụ sinh ngày 11-12-1937 tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông bắt đầu làm việc trong ngành giáo dục và đào tạo từ năm 1959.
Từ tháng 3-1986 đến tháng 12-1988, ông được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban quốc tế Mekong.
Từ năm 1991 - 1996, GS Phạm Phụ giữ vị trí trưởng khoa đầu tiên của khoa quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Từ năm 1992 - 1997, ông là đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM (khóa IX).
Từ năm 1995 - 2007, GS Phạm Phụ là thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục.
Trong giai đoạn 1997 - 1999, ông là chủ tịch hội đồng quản trị Ban quản lý dự án Khu công nghệ cao TP.HCM.
Từ 1999 - 2008, GS Phạm Phụ lần lượt làm giám đốc chương trình SAV và giám đốc chương trình Maastricht MBA.
Từ năm 2008 đến nay, ông nghỉ hưu nhưng vẫn đóng góp nhiều ý kiến về giáo dục đại học tại Việt Nam thông qua các sự kiện, diễn đàn tại các trường đại học, thường xuyên phản biện trên báo chí...
GS Phạm Phụ qua đời lúc 23h ngày 13-10, linh cữu quàn tại 200/13 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Lễ nhập quan lúc 13h ngày 14-10. Lễ động quan lúc 6h ngày 16-10. Linh cữu được hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.
TS Dương Như Hùng (trưởng khoa quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Vì thế hệ trẻ
Giáo sư Phạm Phụ cùng cán bộ, giảng viên, nhân viên khoa quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: SIM
Tôi là thế hệ đầu tiên hưởng lợi từ những nỗ lực của thầy Phụ. Thầy đã xây dựng chương trình khoa quản lý công nghiệp, sau đó kết nối với các đối tác Thụy Sĩ để đem về chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho giảng viên - Chương trình Swiss-AIT-VietNam (SAV).
Khi ấy, đối tác của SAV tại Việt Nam bao gồm các trường đại học rất mạnh về quản lý như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong khi khoa quản lý công nghiệp của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn quá nhỏ.
Dù vậy, bằng sự nỗ lực và uy tín của mình, thầy Phụ đã thuyết phục được các đối tác để chương trình SAV được triển khai tại Trường ĐH Bách khoa. Đây là cơ sở để khoa và trường tăng nhanh được số giảng viên chất lượng cho một khoa còn mới mẻ. Tôi cũng là một trong những người được học chương trình này.
Đến khi chương trình SAV gần kết thúc, thầy Phụ lại tiếp tục phát triển chương trình thạc sĩ vô cùng danh giá là Maastricht MBA, hợp tác với Maastricht School of Management (Hà Lan).
Đây cũng là một trong những chương trình MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) đầu tiên tại Việt Nam được kết hợp giảng dạy tại một trường chuyên về kỹ thuật.
Chương trình này hướng đến đào tạo cho nhân sự trong các doanh nghiệp, đặc biệt là những người vốn xuất thân là dân kỹ thuật muốn nắm bắt thêm những kiến thức, kỹ năng về quản trị để phục vụ cho công việc.
Những năm thầy Phụ làm giám đốc SAV tại Việt Nam, tôi có khoảng thời gian làm trợ lý cho thầy, cùng "lăn lộn" với thầy mở rộng chương trình. Hồi đó tôi trẻ, tính còn khá bướng bỉnh nên nhiều lần thầy trò cùng nhau tranh luận, thậm chí có lúc gần như muốn cãi nhau về công việc.
Tuy vậy, thầy Phụ luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến phản biện nhằm giúp cho công việc chung. Sau này khi có nhiều kinh nghiệm, tôi mới nhận ra rất nhiều điều thầy khuyên bảo trước đây là đúng. Tôi cũng thu nhận được vô số bài học từ thầy về cách xây dựng chương trình, quản lý đội ngũ...
Sau này, khi tôi từ Mỹ về và hoàn thành luận án tiến sĩ về tài chính, thầy Phụ thường xuyên tâm sự với tôi về tầm quan trọng của quản lý tài chính trong giáo dục đại học, như một trong những trụ cột của tự chủ đại học.
Dù là người chuyên về kỹ thuật, thầy Phụ vẫn giới thiệu với tôi một số mô hình quản trị tài chính trong trường đại học mà ông khá tâm đắc.
Những năm gần đây, khi tuổi đã ngoài 80, thầy vẫn dành thời gian cho khoa. Hầu như tuần nào thầy cũng vào khoa ít nhất một lần để trò chuyện cùng các giảng viên đàn em, gửi gắm đến họ những trăn trở và tâm huyết của mình.
Sự kiện lớn nào của khoa, thầy cũng có mặt. Chỉ đến khi dịch COVID-19 bùng phát, cũng đúng vào lúc sức khỏe của thầy yếu đi, thầy mới ít vào khoa hơn, nhưng vẫn duy trì liên lạc và luôn cho chúng tôi những lời khuyên, góp ý khi cần thiết.
Vì thế hệ trẻ
Giáo sư Phạm Phụ cùng cán bộ, giảng viên, nhân viên khoa quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: SIM
Tôi là thế hệ đầu tiên hưởng lợi từ những nỗ lực của thầy Phụ. Thầy đã xây dựng chương trình khoa quản lý công nghiệp, sau đó kết nối với các đối tác Thụy Sĩ để đem về chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ cho giảng viên - Chương trình Swiss-AIT-VietNam (SAV).
Khi ấy, đối tác của SAV tại Việt Nam bao gồm các trường đại học rất mạnh về quản lý như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trong khi khoa quản lý công nghiệp của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) còn quá nhỏ.
Dù vậy, bằng sự nỗ lực và uy tín của mình, thầy Phụ đã thuyết phục được các đối tác để chương trình SAV được triển khai tại Trường ĐH Bách khoa. Đây là cơ sở để khoa và trường tăng nhanh được số giảng viên chất lượng cho một khoa còn mới mẻ. Tôi cũng là một trong những người được học chương trình này.
Đến khi chương trình SAV gần kết thúc, thầy Phụ lại tiếp tục phát triển chương trình thạc sĩ vô cùng danh giá là Maastricht MBA, hợp tác với Maastricht School of Management (Hà Lan).
Đây cũng là một trong những chương trình MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) đầu tiên tại Việt Nam được kết hợp giảng dạy tại một trường chuyên về kỹ thuật.
Chương trình này hướng đến đào tạo cho nhân sự trong các doanh nghiệp, đặc biệt là những người vốn xuất thân là dân kỹ thuật muốn nắm bắt thêm những kiến thức, kỹ năng về quản trị để phục vụ cho công việc.
Những năm thầy Phụ làm giám đốc SAV tại Việt Nam, tôi có khoảng thời gian làm trợ lý cho thầy, cùng "lăn lộn" với thầy mở rộng chương trình. Hồi đó tôi trẻ, tính còn khá bướng bỉnh nên nhiều lần thầy trò cùng nhau tranh luận, thậm chí có lúc gần như muốn cãi nhau về công việc.
Tuy vậy, thầy Phụ luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến phản biện nhằm giúp cho công việc chung. Sau này khi có nhiều kinh nghiệm, tôi mới nhận ra rất nhiều điều thầy khuyên bảo trước đây là đúng. Tôi cũng thu nhận được vô số bài học từ thầy về cách xây dựng chương trình, quản lý đội ngũ...
Sau này, khi tôi từ Mỹ về và hoàn thành luận án tiến sĩ về tài chính, thầy Phụ thường xuyên tâm sự với tôi về tầm quan trọng của quản lý tài chính trong giáo dục đại học, như một trong những trụ cột của tự chủ đại học.
Dù là người chuyên về kỹ thuật, thầy Phụ vẫn giới thiệu với tôi một số mô hình quản trị tài chính trong trường đại học mà ông khá tâm đắc.
Những năm gần đây, khi tuổi đã ngoài 80, thầy vẫn dành thời gian cho khoa. Hầu như tuần nào thầy cũng vào khoa ít nhất một lần để trò chuyện cùng các giảng viên đàn em, gửi gắm đến họ những trăn trở và tâm huyết của mình.
Sự kiện lớn nào của khoa, thầy cũng có mặt. Chỉ đến khi dịch COVID-19 bùng phát, cũng đúng vào lúc sức khỏe của thầy yếu đi, thầy mới ít vào khoa hơn, nhưng vẫn duy trì liên lạc và luôn cho chúng tôi những lời khuyên, góp ý khi cần thiết.