Giáo sư sinh ra để làm gì?
Những ngày qua, dư luận đã đề cập đến "chuyến tàu vét" khi số lượng GS, PGS 2017 tăng đột biến.
Cụ thể: Năm 2017 có 85 ứng viên được công nhận GS, 1.141 ứng viên được công nhận PGS (tăng 1,7 lần so với năm 2016). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhanh với GS toán học Nguyễn Tiến Dũng, GS Đại học Toulouse, Pháp.
Thưa ông, có thể hỏi ông một câu rất đơn giản: Giáo sư sinh ra để làm gì?
Từ "giáo sư", hay professor tiếng Anh, đều có nghĩa là người có trình độ rất cao (sư) và có truyền bá kiến thức (giáo) trong lĩnh vực nào đó.
Hiểu theo nghĩa chung như vậy, thì những nhân vật như Plato hay Khổng Tử có thể được gọi là những GS, tuy có lẽ không có một quyết định chính thức nào phong chức đó cho họ.
Hiểu theo nghĩa hẹp hơn thì GS là một chức vụ được phong, thường là tại một trường đại học hay viện nghiên cứu, gắn liền với lương bổng và trách nhiệm đào tạo và nghiên cứu ở mức cao nhất. Khó có thể hình dung một trường đại học tử tế mà thiếu GS.
Ở châu Âu có những trường đại học được thành lập cách đây nhiều thế kỷ (ví dụ như Đại học Bologna có từ năm 1088), còn ở Việt Nam các đại học mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 dưới thời thực dân Pháp, nên khái niệm GS còn "tương đối" mới.
Như vậy thì mục đích của việc làm GS ở VN khác ở Pháp và một số nước phát triển mà ông biết như thế nào?
Có một điểm khác biệt cơ bản giữa khái niệm GS ở Việt Nam và ở các nước tiên tiến (kể cả phương Tây và những nước láng giềng như Trung Quốc hiện tại), đó là: Ở các nước khác, chức GS là một công việc gắn liền với các quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng, và người ta "tuyển" người vào vị trí GS khi mà có vị trí như vậy đang trống.
Một người muốn thành GS thì phải tìm được một vị trí trống như vậy và phải được hội đồng tuyển việc nhận vào, chứ không phải ngồi sẵn một chỗ rồi cứ thế được nâng cấp lên GS mà không cần có vị trí trống nào.
Vì ở Việt Nam, GS là "phong lên cấp" chứ không phải "tuyển việc" nên việc lên cấp này không gắn liền với tránh nhiệm hay quyền lợi. (Tuy tất nhiên trên thực tế nó sẽ có ảnh hưởng đến trách nhiệm và quyền lợi, nhưng là một sự ảnh hưởng gián tiếp không rõ ràng).
Sự khác biệt thứ hai là, vì GS ở Việt Nam không gắn liền với trách nhiệm ở trường hay viện, nên có rất nhiều vị quan chức cũng được phong thành GS, PGS.
Ở các nước khác, khi đang làm quan chức thì thường không còn là GS nữa vì không thể cùng lúc làm tốt cả hai công việc đòi hỏi toàn bộ thời gian, đấy là không kể đến chức danh "GS danh dự" (chỉ là danh dự) hay "GS thỉnh giảng" (thỉnh thoảng đến giảng theo lời mời thôi, không phải là người của trường hay viện).
Chính vì chức GS ở Việt Nam thiếu sự gắn liền trực tiếp một cách minh bạch với trách nhiệm và quyền lợi (tuy có gián tiếp về chế độ), nên nó một phần bị biến thành danh hão, nhiều người muốn có chỉ để cho "oai".
Có nên để các trường tự phong GS, PGS?
GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã có những lí giải rằng: Theo các quy định về tiêu chuẩn hiện hành, cho đến nay chưa có yêu cầu cụ thể, bắt buộc đối với ứng viên GS, PGS phải có bài báo quốc tế ISI, Scopus. Theo ông, đây có phải là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến lượng GS, PGS tăng đột biến?
Theo tôi hiểu, việc tăng đột biến chủ yếu do Bộ GD&ĐT đang muốn thay đổi quy chế xét GS, PGS từ năm sau. Nhiều người sợ theo quy chế mới thì sẽ khó được phong GS, PGS hơn nên họ đổ dồn việc xin chức danh vào năm nay, dẫn đến hiện tượng tăng đột biến.
Năm 2007, GS Nguyễn Tiến Dũng được được Ủy banQuốc gia về đại học của Pháp phong hàm giáo sư hạng nhất (khi mới 37tuổi) và đến 2015 ông được phong hàm GS hạng đặc biệt. Trước đó ônglà thí sinh VN trẻ tuổi nhất đạt HCV Olympic toán Quốc tế (ở tuổi 15).
Có những người đủ "tiêu chuẩn Việt Nam" để được xét GS, PGS mà chưa nộp đơn ngay (từ các năm trước) nhưng năm nay họ quyết nộp để khỏi phải bị xét theo quy trình mới e chừng khó khăn hơn.
Đối với cá nhân từng người, thì đây là giải pháp tối ưu mà họ chọn lựa, không có cớ gì để bắt họ không được làm như vậy.
Còn chuyện không cần bài báo quốc tế ISI thì từ nhiều năm trước vẫn thế. Càng gần đây, sức ép cần có bài báo quốc tế để hòa nhập thế giới, đạt tầm quốc tế, mới càng mạnh lên.
Có ý kiến cho rằng: Cứ đà này, việc "phổ cập" GS, PGS ở VN cũng sẽ tưng bừng giống việc lạm phát hoa hậu. Nếu hoa hậu chỉ là người đạt giải cao nhất của một cuộc thi, thì GS, PGS cũng nên là người được một trường ĐH cụ thể phong, chứ đâu cần nhà nước. Ông nghĩ sao về điều này?
Một năm đột biến vì lý do đặc biệt thì chưa phải là "đà". Tôi đoán là sang năm số lượng được phong sẽ ít đi như cũ.
Vấn đề "GS có nên do trường tự phong" là vấn đề đã được tranh cãi nhiều ở VN. Các trường lớn trên thế giới đều tự chọn GS cho mình.
Nhưng nếu áp dụng một cách máy móc điều đó vào Việt Nam chưa chắc đã tốt, bởi vì họ làm được như vậy là do họ có các điều kiện mà Việt Nam chưa có.
Ví dụ như ở Singapore cửa hàng buổi tối không cần khóa cửa cũng không sao, ở Việt Nam mà cũng làm thế thì mất sạch.
Trường lớn trên thế giới có hội đồng khoa học đỉnh cao và làm ăn đàng hoàng, chỉ chọn người rất giỏi. Phần lớn các trường ở Việt Nam còn rất lâu mới tự lập được một hội đồng khoa học giỏi và minh bạch, nếu để các trường tự phong mà không có sự kiểm soát chất lượng của các định chế khoa học đáng tin cậy hơn thì đảm bảo là sẽ thực sự bùng nổ ra hàng chục nghìn những "GS chim chuột".
Ngay ở Pháp, tuy các trường tự tuyển GS, nhưng vẫn có ủy ban đại học quốc gia kiểm tra tư cách ứng cử viên của những người nộp đơn xin làm GS hay PGS tại các trường để có đảm bảo tối thiểu về chất lượng, có giấy chứng nhận đủ tư cách mới được ứng tuyển.
Ở Mỹ thì không có ủy ban trung ương này, tuy nhiên các đại học đẳng cấp quốc tế có sẵn hội đồng xét duyệt rất uy tín và có lấy ý kiến từ các chuyên gia lớn ở bên ngoài để đảm bảo chất lượng.
Ở VN, còn rất lâu mới gặp cảnh "mở cửa thấy GS"
"Mở cửa là thấy GS, PGS thì thật nguy hiểm. Trường nào cũng tự phong GS thì sẽ loạn GS, chả khác nào việc loạn bằng cử nhân hiện nay-thượng vàng hạ cám, có trường đào tạo chả đủ điều kiện cũng cấp bằng cử nhân. Loạn ĐH chưa giải quyết xong lại loạn GS nữa thì chết!" - GS Nguyễn Minh Thuyết đã lo ngại như vậy. Theo ông, lượng GS, PGS ở Việt Nam nhiều hay ít? Cần quản lý thế nào để không xảy ra lạm phát GS, PGS hơn nữa?
Nếu tính tỷ lệ GS trên đầu người dân thì Việt Nam có lẽ còn rất thấp so với thế giới, còn rất lâu mới "mở cửa thấy GS".
Vấn đề không nằm ở chỗ "Việt Nam có quá nhiều GS" (thực ra là còn quá ít so với nhu cầu của đất nước) mà nằm ở chỗ "chất lượng GS còn quá thấp".
Như tôi có viết trong trả lời câu trước, đúng là rất đáng lo ngại việc "loạn GS" nếu giao về cho các trường tự lo, khi mà không có gì đảm bảo chất lượng tuyển chọn ở các trường.
Những người "đã làm GS" thì hầu như chẳng còn cách nào tăng chất lượng của họ. Nếu có tăng là tăng với các GS mới.
Nhưng cũng sẽ có sự bất công nếu những người có trình độ ngang bằng trung bình của GS cũ không được phong trong những đợt mới vì thắt chặt các tiêu chí.
Và cũng bất công nếu một GS chất lượng quốc tế cũng chỉ là GS như những GS làng nhàng khác.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề trên, cần làm đồng thời nhiều việc:
Một, càng ngày càng đòi hỏi thêm chất lượng với các GS mới, nhưng là một cách từ từ không nhảy quá nhanh.
Hai, tạo những vị trí GS lương cao trội hẳn dành cho những người thực sự có đẳng cấp quốc tế, và đối với những vị trí đó việc tuyển cũng cần khác đi, thiên về chất lượng hơn là hình thức.
Ba, ngay cả đối với các GS, PGS hiện tại chưa đạt chuẩn quốc tế, thì không phải là họ không có khả năng làm việc. Cần tạo điều kiện làm việc và thu nhập tốt hơn cho họ, đầu tư tốt hơn cho khoa học thì họ mới cho ra kết quả tốt hơn
Bốn, loại bỏ chuyện phong GS cho quan chức. Chuyển GS thành công việc ở trường và viện, ai làm quan thì thôi, hết làm quan đi về nghiên cứu giảng dạy lại thì mới lại thành GS, như vậy số lượng GS, PGS sẽ giảm đột biến ngay.
Theo ông, tính háo danh, thích oai và trọng hình thức của người Việt, tác động thế nào đến việc người người muốn có học vị TS và chức danh GS, PGS?
Chắc chắn là ảnh hưởng rất lớn. Nhiều người nói "dân tộc VN hiếu học" tôi thì thấy nhiều trường hợp trong đó hám danh hơn ham học, ham hiểu biết.
Nhưng nếu tôi nói "nhiều người Việt Nam hám danh" thì có thể sẽ bị nhiều người phản đối ngay lập tức.
Tỉ lệ GS, PGS, TS thấp so với thế giới
Theo một thống kê, Việt Nam có 24.000 tiến sĩ (trên tổng dân số hơn 90 triệu). Trong khi đó Mỹ có 322 triệu dân nhưng đã có 3.609.000 tiến sĩ, chưa kể tới 3.365.000 các tiến sĩ chuyên nghiệp (Các tiến sĩ chuyên nghiệp gồm có bác sĩ - tiến sĩ y khoa, dược sĩ - tiến sĩ dược khoa, nha sĩ - tiến sĩ nha khoa và luật sư - tiến sĩ luật khoa).
Tại Việt Nam, chỉ có xấp xỉ 0,06 GS và gần 0,4 PGS trên 10.000 dân trong khi đó ở Trung Quốc có 4 GS hoặc PGS trên 10.000 dân, gấp 10 lần Việt Nam. Tại Đức, theo thống kê năm 2014, nước này có 3 GS trên 10.000 dân.
Tại Việt Nam, chỉ có 0,2 GS hoặc PGS trên 100 sinh viên, còn ở Trung Quốc, có 0,2 GS hoặc PGS trên 100 sinh viên. Đức: 1,7 GS trên 100 sinh viên; Tại ĐH Pittsburgh (Mỹ), có hơn 13 GS, PGS trên 100 sinh viên.
Nghiên cứu khoa học tụt quá xa
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, kết quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ GS, PGS, TS ở VN tụt xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Trong thời gian 10 năm (1996 - 2005), các nhà khoa học nước ta chỉ công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục ISI, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia, 1/14 so với Singapore.