- Là một học giả, ông nhận xét thế nào về từng ứng cử viên, và đánh giá thế nào về mức độ tin cậy của họ?
- Nếu đánh giá về mức độ tin cậy thì Donald Trump là một người đã nói dối, khai gian thuế và không trả thuế trong nhiều năm nhưng lại khoe khoang như thế là khôn; đã nói là có thể sàm sỡ phụ nữ bất cứ lúc nào vì ông ta nổi tiếng trong khi ông ta tuyên bố người Mexico vào Mỹ là dân hiếp dâm; đã biện minh cho việc bị 10 phụ nữ tố cáo công khai là ông ta đã sò mó họ rằng họ không đẹp đủ để ông ta làm như thế.
Ông ấy đã không chịu trả tiền không cho nhiều nhà đấu thầu các công trình xây cất của ông cũng như nhiều công nhân của ông; đã nhất quyết là Tổng thống Obama được sinh ra ở Kenya chứ không phải ở Mỹ mặc dù giấy khai sinh của ông Obama chứng nhận là ông sinh ở Hawaii; đã nói rằng người Mỹ đạo Hồi đã liên hoan khi hai toà nhà cao tầng của Trung tâm Thương mại Thế giới bị máy bay đâm sập năm 2001...
Trong khi đó, bà Hillary Clinton bị cho là không đáng tin cậy, một phần vì do báo chí và đảng Cộng hoà đánh bà ta vì chuyện dùng email qua máy chủ cá nhân thay vì qua hệ thống của chính phủ Mỹ khi còn làm ngoại trưởng nhưng không khai báo. Ngoài ra bà Hillary còn đổi ý đối với những chính sách mà trước kia bà ủng hộ như Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc dùng email qua hệ thống không chính thức được bà Clinton công nhận là một việc sai lầm. Nhưng qua vài năm FBI đã không tìm ra được lý do gì để buộc tội bà ta và đã khoá sổ.
Dẫu vậy, những người chống bà trong FBI vừa rồi đã tìm cớ để bới móc chuyện này điều tra lại nhằm ảnh hưởng cuộc bầu cử hiện nay.
Nhiều luật sư nổi tiếng cho biết là việc này phạm lệ và phạm luật. Nhưng Trump và nhiều chính trị gia trong đảng Cộng hoà đã qua đó nói dối thêm lên để mong được phiếu.
- Theo ông, lúc này ứng cử viên nào phù hợp với nước Mỹ hơn?
- Lẽ dĩ nhiên là không phải Trump. Trên lĩnh vực đối ngoại thì ông ta thiếu kinh nghiệm và đã nói những việc không ngờ được như là sẽ bắt Mexico xây một bức tường giữa hai nước để ngăn chặn người nước đó vào Mỹ, sẽ không cho người Hồi giáo vào Mỹ, sẽ bắt các nước trong khối NATO trả chi phí cho Mỹ...
Về mặt đối nội, qua những gì đã tuyên bố, thì phần lớn là để khích động những người nghèo và những người bất mãn. Nhưng suy cho cùng thì ông ta không có chính sách gì thiết thực để giúp họ. Chính sách bỏ bớt thuế cũng chỉ để giúp những người giàu trong tầng lớp ông ta mà thôi.
Trong khi đó thì ông ta đả phá phần lớn những truyền thống chính trị dân chủ tốt đẹp và những luật lệ hữu ích của nước Mỹ. Ông ta đã doạ là sẽ bắt giam bà Clinton nếu ông ta được bầu làm tổng thống. Nhiều người trong đảng Cộng hoà đồng ý với Trump và nhiều chính trị gia đã tuyên bố là sẽ khởi tố để phế truất bà Clinton nếu bà được bầu làm tổng thống.
Bà Clinton thì ngược lại. Bà đã có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại và đã được nhiều lãnh đạo trên thế giới khen ngợi. Nói chung, nếu thành tổng thống bà sẽ tiếp tục các chính sách của ông Obama. Nhưng đối với các chính sách kinh tế đối ngoại, như TPP, thì bà sẽ phải cẩn thận vì sẽ gặp đối lập trong và ngoài đảng.
Về đối nội, bà có những chính sách kinh tế và xã hội rất rõ ràng. Những chính sách này sẽ giúp ích cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là đối với các thành phần nghèo và trung lưu cấp dưới, đối với phụ nữ, đối với người trẻ và người già. Bà sẽ thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế, và hạ tầng cơ sở.
- Xin ông cho biết, cộng đồng người Việt quan tâm thế nào đến bầu cử? Những vấn đề nào là quan trọng với cử tri người Việt trong bầu cử?
- Ở Mỹ có các thế hệ người Việt nhập cư vào các thời điểm khác nhau. Hiện nay có khoảng 2 triệu người Việt gồm 4 thế hệ với khoảng 250.000 cử tri so với khoảng 150 triệu cử tri người Mỹ gốc các dân tộc khác.
Cho đến nay, cử tri thế hệ thứ nhất và thứ hai nhập cư sau chiến tranh ở Việt Nam kết thúc thì đa số đã bầu phiếu cho đảng Cộng hoà tuy chính sách của đảng này thật ra không đem lại lợi ích kinh tế và xã hội cho họ bằng những chính sách của đảng Dân chủ.
Được biết hiện nay ở các tiểu bang đông người gốc Việt như California, Texas, và vùng xung quanh Washington D.C thì tỷ lệ cử tri sẽ bầu cho hai đảng không khác biệt mấy. Hiện cử tri người Việt quan tâm nhất là các vấn đề an ninh xã hội, trong đó có bảo hiểm sức khoẻ cho người già và người nghèo.
- Việc vận động của các ứng cử viên nhiều khi nhắm đến các nhóm thiểu số ở Mỹ, nhưng với cộng đồng Mỹ Latinh hay nếu về tôn giáo thì người Hồi giáo rất được chú trọng. Cộng đồng người Việt ở Mỹ không lớn và có phải là một nhóm cử tri quan trọng trong mùa bầu cử?
- Như đã nói trên, cử tri gốc Việt chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, trừ ở bang California và Texas hay vùng xung quanh Washington D.C. Ở các nơi này họ có thể có ảnh hưởng đối với các ứng cử viên địa phương. Nhưng đối với toàn bộ nước Mỹ thì vấn đề thái độ chính trị của họ là chính. Người ta sẽ biết qua việc bầu cử lần này là cử tri gốc Việt bảo thủ hay tiến bộ hơn so với trước đây.
- Nhiều bình luận cho rằng bà Clinton nếu thắng cử sẽ có lợi cho quan hệ Việt - Mỹ hơn. Nhận xét của ông thế nào?
- Tôi cũng đồng ý với bình luận này. Nếu bà Clinton thắng cử không những sẽ có lợi hơn cho quan hệ song phương mà còn giúp cho an ninh và phát triển chung trong khu vực. Trump sẽ đem đến bất ổn về nhiều mặt trong quan hệ đối với Việt Nam và khu vực.
- Xin cảm ơn ông!