GS Ngô Đức Thịnh: "Nói ngọng cũng là sản phẩm, bản sắc văn hóa của một vùng dân cư"

Hoàng Đan |

"Ở đây từ nguồn gốc cư dân, quá trình lịch sử, văn hóa rất lâu, do rất nhiều căn nguyên đã hình thành nên việc nói ngọng và đó cũng là sản phẩm, bản sắc văn hóa của dân cư nơi đó".

Thói quen sử dụng ngôn ngữ

Xung quanh câu chuyện nói ngọng xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước, trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết, thực tế, trong thời gian qua, nhiều lần, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đã thảo luận về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của ông thì không nên dùng từ nói ngọng. Bởi có thể coi đây là thói quen sử dụng ngôn ngữ đã được hình thành từ rất lâu và có những nguyên nhân về lịch sử, văn hóa, dân tộc, xã hội.

"Ở đây từ nguồn gốc cư dân, quá trình lịch sử, văn hóa, do rất nhiều căn nguyên đã hình thành nên việc nói ngọng và đó cũng là sản phẩm, bản sắc văn hóa của dân cư nơi đó.

Tuy nhiên, theo tôi không nên dùng từ nói ngọng bởi nói ngọng là nói sai, làm cho người nghe hiểu sai nghĩa nhưng thực tế thì chưa chắc đã như vậy và nếu mình dùng hai từ này thì so với cái gì sẽ là chuẩn, cái gì là không ngọng...?", GS Thinh nêu.

Trước câu hỏi nếu không dùng từ "nói ngọng" thì nên dùng từ gì để diễn tả chuẩn vấn đề này?, Giáo sư Thịnh cho rằng, chúng ta cần phải bàn thảo kỹ càng, bởi đây là việc sử dụng ngôn ngữ địa phương, có quá trình lịch sử, văn hóa hình thành lâu dài.

Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng nhận định, việc trước đây có thời gian thường lấy tiếng Hà Nội làm tiếng chuẩn cũng chưa thực sự chính xác.

"Tất nhiên Hà Nội có một quá trình lâu đời, giao lưu văn hóa, sự phát triển kinh tế - xã hội đã hình thành lên tiếng nói ở đây nhưng Hà Nội cũng chỉ là một địa phương nên không dùng từ đó là chuẩn, ngôn ngữ đó là ngôn ngữ gốc", GS Thịnh nói.

Riêng về việc nhầm lẫn giữa hai từ "n" với "l", theo Giáo sư Thịnh, vấn đề này xảy ra ở không ít nơi, địa phương, dân tộc và đây được coi là đặc tính của thổ ngữ.

Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ, với những người thường xuyên xuất hiện trước công chúng mà để xảy ra nhầm lẫn như vậy là điều không nên.

"Đúng là với những người xuất hiện trước công chúng mà cứ nhầm lẫn "n" với "l" thì không nên và nó cũng gây ra nhiều điều không hay.

Nhưng vấn đề ở đây là vì sao nó lại như vậy và là kết quả của quá trình gì? Tôi muốn nói là từ việc nói như vậy đã mang rất nhiều thông tin về nguồn gốc dân cư, đặc trưng văn hóa... vì thế không nên dùng là "nói ngọng".

Còn những khác biệt không thể xóa bỏ ngay nhưng dần dần sẽ được xóa bỏ và chúng ta phấn đấu vì điều đó bằng quá trình giao tiếp giữa các địa phương, dân tộc, văn hóa", GS Thịnh chỉ rõ.

Khó mà sửa được "nói ngọng"

Giáo sư Thịnh cũng cho biết thêm, việc nghiên cứu về căn nguyên, căn cốt, tại sao thổ âm lại ngọng như vậy thì chủ yếu ở bên ngôn ngữ học nhưng yếu tố chính trong đó lại là vấn đề văn hóa.

Về việc có nên sửa nói ngọng hay không?, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, đúng là nếu nhầm lẫn giữa "n" với "l" thì nên sửa lại cho chính xác, bên cạnh đó, việc dùng các từ địa phương đến lúc nào đó cũng sẽ hòa nhập nhưng không nên vội vàng.

Ông cũng chia sẻ thêm, việc sửa chữa nhầm lẫn "n" với "l" thực tế cũng không hề đơn giản, thậm chí rất khó bởi có nhiều nguyên nhân khác nhau từ cơ thể hay do tiếp xúc, thói quen...

Và chính một nhà nghiên cứu là bạn của ông cũng đã tiến hành sửa rất công phu đối với việc nhầm lẫn "n" với "l" nhưng không thành công.

"Bạn tôi khi người khác nói về việc dùng ngôn từ không chuẩn thì coi đây là chuyện sai trái của bản thân và đã sửa rất công phu tới mức là khi gặp những từ có thể phải dùng đến "n" với "l" thì tìm cách diễn giải khác hay tránh không dùng nhưng cũng không được.

Do đó, ở đây, theo tôi, chúng ta cần có ý thức rèn phát âm chuẩn cho các em ngay từ bậc học phổ thông, cụ thể là các thầy cô giáo nên uốn nắn, sửa ngay khi có sự nhầm lẫn về các ngôn từ, nhất là "n" với "l", GS Thịnh nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại