Đi cùng với trào lưu Fintech và Startup công nghệ cách đây 5 năm, phân khúc thị trường giao đồ ăn nổi lên như một ngành kinh doanh "béo bở", với nhu cầu cao từ phía khách hàng.
Báo cáo phân tích của Euromonitor từng nhận định, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng trung bình cũng ở mức khoảng 11% mỗi năm. Tuy nhiên, những chuyển động mới từ thị trường này cũng cho thấy, miếng bánh hàng chục triệu USD không phải ai cũng có thể chiếm phần.
Tương tự những mảng kinh doanh hấp dẫn như thương mại điện tử, gọi xe hay thanh toán, giao nhận đồ ăn cũng chứng kiến cuộc đua "đốt tiền" để giành giật thị phần, khi mà yếu tố lôi kéo người dùng đến một ứng dụng là các chương trình khuyến mãi vài chục phần trăm đi kèm.
Báo cáo tài chính của Foody - doanh nghiệp đứng sau ứng dụng gọi món Now - ghi nhận khoản lỗ hơn 430 tỷ đồng trong năm 2018, gần 4 lần so với mức lỗ năm 2017 và hơn 10 lần so với năm 2016.
Lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 của doanh nghiệp này ở mức gần 612 tỷ đồng, trong khi năm 2016 - thời điểm trước khi bán cổ phần cho SEA - doanh nghiệp này mới lỗ lũy kế hơn 67 tỷ đồng.
Những số liệu tài chính của Foody, thực tế, chỉ mở ra một góc trong thị trường gọi món đầy khốc liệt. Sức nóng của phân khúc này, cũng có thể thấy được ngay từ quá trình đến và đi của những "người chơi".
Foodpanda, Vietnammm, Foody - ba cái tên đặt những viên gạch đầu tiên cho dịch vụ gọi món tại Việt Nam - đến nay nếu không đổi chủ, đổi tên thì cũng rút hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam.
Foodpanda "bán mình" cho đối thủ vào cuối năm 2015 và rút hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam sau đó. Đầu tháng 5/2019, Vietnammm cũng thông báo trên fanpage cho biết đã được đổi tên thành "Baemin Vietnam". Baemin thuộc sở hữu của Woowa Brothers, đơn vị đang cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn Baedal Minjok hàng đầu Hàn Quốc.
Cuối năm 2017, Lala, được đầu tư bởi Scommerce Group, trở thành cái tên tiếp theo tham gia trong lĩnh vực gọi món, giao đồ ăn. Từng được xem là "ngôi sao đang lên" nhờ lợi thế về công nghệ và lực lượng giao hàng trong hệ sinh thái của Scommerce Group, nhưng chưa đầy một năm sau đó, ứng dụng này biến mất.
Trong lần trả lời báo chí năm 2018, ông Vũ Hoàng Tâm - đồng sáng lập kiêm Giám đốc dự án Lala cho biết, nền tảng này phải đối diện nhiều thách thức. Đừng đầu là tên tuổi của Delivery Now quá lớn và ăn sâu vào tâm trí người dùng và hai là "siêu tân binh" GrabFood có tiềm lực để đe dọa tất cả những người đi trước trong ngành này ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Lala đã phải rút lui khi nhận thấy tiềm lực không đủ để tiếp tục cuộc chơi trên thị trường giao nhận đồ ăn.
Foody, thành lập tháng 8/2012, khởi đầu là website cung cấp dịch vụ tìm kiếm các địa điểm quán ăn, nhà hàng và những chia sẻ từ cộng đồng người dùng về địa điểm đó.
Năm 2015, Foody bổ sung các lĩnh vực nội dung mới bao gồm du lịch, làm đẹp, sức khỏe, mua sắm, giáo dục và cũng ra mắt thêm hai sản phẩm mới gồm dịch vụ giao nhận Deliverynow và dịch vụ đặt bàn từ xa Tablenow. Tuy nhiên, chỉ có Deliverynow (đổi tên thành Now), sau đó, phát triển thành cái tên chủ lực trên thị trường.
So với hai cái tên đầu tiên là Foodpanda và Vietnammm, Foody, được xem là trường hợp may mắn khi vẫn giữ nguyên thương hiệu, dù đã được bán lại cho Airview Investment - một công ty được cho là liên quan đến SEA vào cuối năm 2017.
Cùng với Grab, SEA - hiện đã niêm yết tại Mỹ - là một trong những startup công nghệ đắt giá nhất tại Đông Nam Á với các sản phẩm chính là game online, trang thương mại điện tử Shopee và ví điện tử Airpay.
Tuy nhiên, cũng nhờ có công ty mẹ với nguồn vốn dồi dào mà doanh nghiệp này mới có đủ lực để "đốt tiền" giành thị phần và cạnh tranh với những cái tên tiềm lực mới xuất hiện, như mảng giao đồ ăn GrabFood.
Chi phí bán hàng của Foody năm 2016 chỉ hơn 14 tỷ đồng, đã tăng lên gần 80 tỷ vào năm 2017 - thời điểm Foody trở thành công ty con của SEA - và đến năm 2018, con số này tăng lên 441 tỷ đồng.
Đi cùng với sự gia tăng chi phí cũng là tốc độ tăng của doanh thu và lợi nhuận gộp. Dù không thể ngay lập tức bù đắp được chi phí để "mua thị phần", song với tốc độ tăng như hiện tại của dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, chỉ cần qua được giai đoạn đốt tiền doanh nghiệp này có thể nhanh chóng đạt được mức lợi nhuận dương.
Tất nhiên, Now của Foody có lý do phải kèo dài cuộc đua trải hoa hồng bằng các chương trình khuyến mãi để hút khách, khi mà những đối thủ như GrabFood đang tấn công dồn dập vào những thị trường lớn.
GrabFood vận hành thử nghiệm ở TP HCM từ giữa tháng 5/2018 và nhanh chóng trở thành một thế lực nhờ các chương trình khuyến mãi "khô máu" ban đầu. Nhờ tận dụng số lượng tài xế quy mô lớn, GrabFood nhanh chóng phủ mạng lưới ra khắp các thành phố lớn.
Tuy nhiên, khác với Now, ứng dụng này cũng có điểm yếu là khá nhiều món ăn trong danh mục của dịch vụ không hợp tác trực tiếp với đơn vị chế biến.
Tài xế chỉ đơn giản là người đến quán ăn để mua hộ theo yêu cầu người dùng. Do đó, không phải tài xế nào cũng hào hứng với việc mua hộ đồ ăn vì họ phải chi tiền trước và hoàn toàn có rủi ro về việc người dùng không nhận món.