Sau một ngày xét xử phúc thẩm, chiều 10/3, TAND cấp cao tại TP HCM tuyên giữ nguyên án sơ thẩm vụ án "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
Theo đó, về thiệt hại của Vinasun, tòa phúc thẩm đánh giá có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ hành vi vi phạm pháp luật của Grab. Do đó tòa buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun.
Ngay sau khi phán quyết đưa ra, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab tại Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi tòa chấp thuận giữ nguyên bản án sơ thẩm, bỏ qua việc Grab đã trình bày nhiều luận điểm khẳng định hoạt động kinh doanh của ứng dụng này tại Việt Nam không vi phạm pháp luật và Đề án thí điểm.
"Bất chấp phán quyết này, chúng tôi kiên quyết tiếp tục bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình trước những cáo buộc vô lý, sai sự thật và vô căn cứ do phía Vinasun đưa ra tại tòa.
Kiên định với nguyên tắc này, Grab sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi, để đạt được một kết quả công bằng, minh bạch", đại diện Grab khẳng định sau phiên tòa.
Bên cạnh đó, phía Grab cũng cho rằng, phán quyết của tòa phúc thẩm có thể dẫn đến thêm nhiều vụ kiện không công bằng và thiếu cạnh tranh.
"Trong tương lai, nếu bất kỳ doanh nghiệp nào không hài lòng với mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp khác, họ cũng sẽ lợi dụng tòa án để kiện đối thủ của mình, và đạt được phán quyết như mong muốn, bỏ qua kết luận của cơ quan chức năng có thẩm quyền", phía Grab cho cho biết.
Ngoài ra, ứng dụng gọi xe đến từ Singapore đưa ra luận điểm cho rằng các chứng cứ có trong hồ sơ vụ kiện cho thấy doanh thu của Vinasun trong lĩnh vực taxi không hề sụt giảm trong năm 2016 và 2017.
"Lợi nhuận của Vinasun bị giảm sút là do các yếu tố nội tại của Vinasun mà hoàn toàn không liên quan gì đến Grab, không có căn cứ để kết luận rằng chi phí xe nằm bãi của Vinasun liên quan đến Grab. Cuối cùng, việc giảm giá trị vốn hóa thị trường là do có nhiều yếu tố tác động chứ không phải chỉ bởi sự tham gia thị trường của một đơn vị kinh doanh mới", đại diện Grab chia sẻ.
Phía Grab cũng khẳng định, phán quyết của Tòa phúc thẩm không ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại và kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam.
Trước đó, cuối năm 2016, đầu năm 2017, Vinasun đã khởi kiện Grab vì cho rằng Grab đã vi phạm Đề án 24 của Bộ GTVT. Vinasun đã đề nghị TAND TP HCM buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với khoản lợi nhuận bị giảm sút hơn 41,2 tỷ đồng.