Thông tin trên do Reuters dẫn nguồn am hiểu từ Tập đoàn Alphabet - công ty mẹ của Google - ngày 29-8.
Nguồn tin nhấn mạnh Alphabet đang cân nhắc xây dựng một "siêu" trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Vị trí đang được xem xét là gần TP HCM. Tuy nhiên, nguồn tin từ chối tiết lộ vị trí cụ thể.
Nếu kế hoạch nêu trên thành hiện thực, đây sẽ là khoản đầu tư đầu tiên của "ông lớn" công nghệ Mỹ này vào Việt Nam.
Chưa rõ khi nào Google sẽ đưa ra quyết định cuối cùng nhưng theo nguồn tin trên, các cuộc thảo luận nội bộ đang diễn ra và trung tâm dữ liệu có thể đi vào hoạt động năm 2027.
Động thái này được xem là một cú hích đáng kể đối với Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu, do cơ sở hạ tầng còn một số hạn chế. Các công ty công nghệ lớn thường chọn đặt trung tâm của họ ở các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Trung tâm dữ liệu "siêu quy mô" có mức tiêu thụ điện năng thường tương đương một thành phố lớn. Ước tính, một trung tâm dữ liệu siêu quy mô với công suất tiêu thụ điện 50 MW có thể có chi phí từ 300 - 650 triệu USD, theo công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle.
Nguồn tin trên khẳng định quyết định của Google được thúc đẩy bởi số lượng lớn khách hàng dịch vụ đám mây trong và ngoài nước tại Việt Nam, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số. Việt Nam cũng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của YouTube - nền tảng chia sẻ video trực tuyến thuộc Google.
Đến nay, chỉ có 2 nhà khai thác trung tâm dữ liệu hàng đầu tại Việt Nam về không gian điện toán là IDC Becamex và VNPT, cả hai đều là doanh nghiệp nhà nước.
Tính đến thời điểm này, Google vẫn từ chối bình luận về thông tin do Reuters cung cấp.
Nikkei hồi tháng 5-2024 cũng đưa tin Alibaba - công ty thương mại điện tử Trung Quốc - đang xem xét xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, Alibaba cũng từ chối bình luận về thông tin này.
Dù nhu cầu về dịch vụ kỹ thuật số từ 100 triệu dân Việt Nam ngày càng tăng, một số nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này vẫn còn e ngại.
Nguyên nhân chính là do tình trạng thiếu điện đôi khi xảy ra, các ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn và cơ sở hạ tầng internet chưa hoàn thiện, phụ thuộc chủ yếu vào một số tuyến cáp ngầm đã cũ.
Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore, Malaysia và Thái Lan đang dẫn đầu trong lĩnh vực này, thu hút những khoản đầu tư lớn hơn nhiều từ các "ông lớn" công nghệ toàn cầu.
Google đang mở một văn phòng đại diện tại Việt Nam và tích cực tuyển dụng hàng chục kỹ sư, chuyên gia tiếp thị và các chuyên gia khác - theo các quảng cáo trên LinkedIn. "Chúng tôi hiện có một đội ngũ tại chỗ để phục vụ tốt hơn các khách hàng quảng cáo có trụ sở tại Việt Nam và hỗ trợ chuyển đổi kỹ thuật số của nước này" - phát ngôn viên của Google nói với Reuters.