Google Photos là dịch vụ lưu trữ hình ảnh khá là "được lòng" người dùng vì không chỉ là nền tảng đồng bộ mặc định trên smartphone Android mà hơn hết nếu người sử dụng up ảnh lên với định dạng nén High Quality của Google sẽ không giới hạn dung lượng lưu trữ.
Tuy nhiên, mới đây Google Photos đã bất ngờ thông báo đến ngày 1 tháng 6 năm 2021 sẽ bắt đầu tính phí lưu trữ đối với những tài khoản sử dụng vượt giới hạn 15GB mặc định ban đầu, chấm dứt chuỗi ngày "miễn phí" của dịch vụ này.
Ngay kể cả người đang sử dụng smartphone Google Pixel cũng đã được thông báo về việc sẽ mất đi đặc quyền này. Có thể thấy, đã đến lúc người dùng cần phải làm quen với các dịch vụ lữu trữ trả phí để có được khả năng truy cập và sử dụng dữ liệu từ xa.
Các dịch vụ lưu trữ đám mây
Việc Goolge Photos thông báo thu phí bên cạnh lý do duy trì dịch vụ thì cũng có thể được xem là một động thái của Google khuyến khích người dùng đăng ký sử dụng giải pháp lưu trữ đám mây "cây nhà lá vườn" Google One. Ưu điểm của dịch vụ này đó chính là việc cung cấp khả năng lưu trữ dữ liệu miễn phí lên đến 15GB bao gồm cả cho Google Drive, Google Photos và Email.
Đây được xem là con số khá "hào phóng" khi mà hầu hết các dịch vụ miễn phí khác chỉ loanh quanh ở mức 2 đến 5GB dữ liệu. Bên cạnh đó, nó hỗ trợ các app ứng dụng, kể cả bên thứ 3 và tương thích với hầu hết với các thiết bị Android, iOS, Windows. Tuy nhiên nhược điểm của dịch vụ này lại nằm ở việc không thể tự động đồng bộ dữ liệu từ máy tính cũng như giao diện web không thực sự thân thiện với người dùng. Bù lại, Google cho mức biểu phí khá dễ chịu với 690.000 VNĐ/năm cho 200GB, 2.250.000 VNĐ/năm để có 2TB và dung lượng có thể lên tới 30TB lưu trữ.
Nhắc đến Google thì không thể không nói tới iCloud của nhà Táo khi đây cũng là dịch vụ lưu trữ mặc định của những chiếc iPhone. Về cơ bản, ngoại trừ khả năng lưu trữ giống như Google Drive thì dịch vụ này còn kiêm nhiệm sao lưu iPhone cũng như đồng bộ dữ liệu với tất cả các thiết bị trong hệ sinh thái Apple. iCloud cho mỗi tài khoản AppleID được sử dụng 5GB dữ liệu miễn phí và có thể dễ dàng mở rộng bắt đầu từ 50GB với mức phí khoảng 20.000VNĐ/tháng. Với 200GB người sử dụng sẽ phải trả khoảng 60.000 VNĐ/tháng và 200.000 VNĐ/tháng cho 2TB lưu trữ.
Một ông lớn khác của làng công nghệ là Microsoft cũng có dịch vụ lưu trữ đám mây của riêng mình đó là OneDrive. Được cài đặt mặc định trên các máy sử dụng HĐH Window 10, OneDrive cũng cho phép đồng bộ dữ liệu trên nhiều thiết bị khác nhau. Giống như iCloud, mỗi một tài khoản OneDrive sẽ được cấp sử dụng 5GB lưu trữ miễn phí. Còn nếu bạn muốn nâng cấp lên hạng Premium, dịch vụ này sẽ có mức phí khá hợp lý khoảng 42.000 VNĐ/tháng cho 100GB dữ liệu. Ngoài ra nếu bạn mua gói Microsoft 365 Personal sẽ có giá khoảng 1.300.000 VNĐ/năm nhưng bù lại sẽ được 1TB lưu trữ OneDrive cùng với đó là trọn bộ 5 phần mềm Office danh tiếng.
Một nền tảng lưu trữ đám mây của Việt Nam rất đáng để cân nhắc đến đó chính là Fshare . Điểm đặc biệt đó là dịch vụ này cung cấp đến 50GB dữ liệu lưu trữ miễn phí mỗi khi đăng ký và 300GB dung lượng nếu bạn đăng ký dịch vụ Vip với chi phí 60.000 VNĐ/30 ngày. Tuy nhiên, đây chỉ thuần túy là dịch vụ lưu trữ và chia sẻ nên không có khả năng đồng bộ dữ liệu cũng như có ít sự hỗ trợ từ các ứng dụng khác.
Dropbox là một dịch vụ lưu trữ khá nổi tiếng và được sử dụng nhiều trên thế giới. Ưu điểm của giải pháp này là khả năng đồng bộ, chia sẻ và quản lý tập tin rất nhanh và hiệu quả. Bên cạnh đó, khả năng bảo mật và cho phép phục hồi dữ liệu của Dropbox cũng rất tốt nên sẽ phù hợp với môi trường doanh nghiệp. Điểm trừ chính là việc Dropbox chỉ cho dung lượng lưu trữ miễn phí là 2GB. Mặc dù người dùng có thể tăng con số này lên cao nhất là 16GB bằng việc kêu gọi bạn bè sử dụng để đạt danh hiệu tuy nhiên điều này không thực sự quá khả quan và mất thời gian. Chi phí nâng cấp cũng là một rào cản lớn với người dùng dịch vụ này khoảng 10 USD/tháng cho 2TB dung lượng lưu trữ.
Sử dụng ổ cứng di động
Nếu ngại với việc phải đăng ký sử dụng dịch vụ theo thời gian bất tiện và không thực sự an tâm, bạn có thể tìm đến một giải pháp "truyền thống" đó là sử dụng ổ cứng di động HDD. Về dung lượng thì khỏi phải nói khi mà hiện nay chỉ với trên 1 triệu đồng là bạn đã có sẵn sàng khoảng 1TB dữ liệu bên cạnh mình và có thể lớn hơn tới 5TB tùy vào mức độ đầu tư.
Tuy nhiên nhược điểm của hình thức này là bạn luôn phải mang theo kè kè chiếc ổ cứng bên mình khá bất tiện cùng với đó nếu để hỏng hay mất thiết bị thì sẽ là thảm hoạ. Bên cạnh đó, tốc độ cũng là một điểm trừ với những người thích sự nhanh gọn nhất là khi sử dụng tập tin có dung lượng lớn.
Bạn có thể nghĩ tới giải pháp ổ cứng di động SSD cho tốc độ đọc ghi nhanh hơn và cũng nhỏ gọn hơn rất nhiều. Sử dụng box SSD như ASUS Arion và lắp thêm một ổ cứng SSD M2 là một combo khá hữu ích. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho một ổ SSD là khá cao nếu bạn cần một dung lượng lưu trữ lớn.
Thiết lập hệ thống NAS (Network Attached Storage) tại gia
Ở thời điểm hiện tại, khá dễ dàng để bạn có thể tự tạo cho mình một "dịch vụ đám mây" ngay tại nhà với việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng hỗ trợ NAS có khả năng kết nối mạng. Nói một cách đơn giản là bạn sẽ có một chiếc ổ cứng có thể tự động vào Internet cho phép truy cập và sử dụng dữ liệu ở bất cứ đâu miễn là có mạng.
Cái tên Western Digital không chỉ nổi tiếng ở mảng ổ cứng di động hay ổ cứng gắn trong máy tính, hãng này cũng mang giải pháp cloud tại gia với dòng sản phẩm My Cloud Home
Bạn có thể lựa chọn giữa các ổ cứng NAS với dung lượng cố định hoặc một thiết bị NAS cho phép mở rộng dung lượng tùy vào khả năng tài chính. Hầu hết các thiết bị đều hỗ trợ các ứng dụng trên máy tính cũng như điện thoại với giao thức để truy cập và khả năng bảo mật dữ liệu cao. Với mức đầu tư khoảng trên 4 triệu đồng, khá cao so với dung lượng lưu trữ nhưng bù lại bạn đã có được một chiếc ổ cứng "đám mây" ngay tại nhà.
Synology cũng đang là cái tên được khá nhiều người dùng lựa chọn vì có giao diện lưu trữ và truy xuất rất trực quan, không khác gì các giải pháp cloud của Google hay Microsoft.
Sử dụng các dịch vụ lưu trữ, ổ cứng di động truyền thống hay NAS đều có những ưu và nhược riêng. Quan trọng nhất chính là bạn cần hiểu mình muốn gì và các giải pháp này có thực sự đáp ứng được điều đó hay không. Từ đó, bạn mới có thể tìm ra được đâu là lựa chọn thích hợp.