CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố BCTC năm 2019 với doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng, bất chấp những khó khăn ban lãnh đạo nhìn nhận từ đầu năm.
Liên tục mở rộng mạnh mẽ trong hơn 5 năm qua nhằm tận dụng nhu cầu "ăn nhậu" các món lẩu, nướng, bia tươi bùng nổ mạnh mẽ tại các thành phố lớn, Golden Gate đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Trong năm 2019, số lượng nhà hàng của công ty đã tăng từ 307 lên 356.
Nhờ đầu tư sớm cùng độ phủ lớn, doanh thu của Golden Gate trong 10 năm qua đã tăng gần 100 lần, đạt 3.970 tỷ vào năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 10 năm qua đạt 58,5%. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 269 tỷ trong khi năm 2008 đạt 8 tỷ, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân trong 10 năm qua đạt 42,1%/năm.
Mặc dù vậy, nếu so với năm 2017, mặc dù doanh thu tăng 17% song lợi nhuận sau thuế của Golden Gate chỉ tăng 5%. Lúc bấy giờ, bên cạnh khó khăn về mặt bằng, không có thêm ý tưởng mới cũng là yếu tố lớn ảnh hưởng đến hoạt động của Golden Gate.
Công ty lên phương án khắc phục bằng việc tập trung cải thiện tỷ suất lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí nguyên liệu thô và tăng cường các số liệu hoạt động. Song song, Golden Gate cũng liên tục tìm ý tưởng kinh doanh mới, điển hình là thương hiệu Chili’s American Grill & Bar được chính thức ra mắt tại Việt Nam vào cuối năm 2019.
Kết quả, năm 2019, doanh thu Golden Gate vào mức 4.776 tỷ đồng, mặc dù chỉ xấp xỉ kế hoạch tuy nhiên vẫn đạt mức tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2018 - tương đương tỷ lệ tăng trưởng hơn 20%. Trong đó, doanh thu bán thực phẩm và đồ uống tăng hơn 20% lên 4.756 tỷ đồng.
Tính bình quân, mỗi ngày các chuỗi nhà hàng ăn mang về cho doanh nghiệp khoảng 13-14 tỷ đồng.
Khấu trừ giá vốn, Công ty đạt lãi gộp 2.910 tỷ, tăng so với mức 2.439 tỷ năm ngoái. Đặt cược vào thị trường "ăn nhậu" đang mang về cho Golden Gate biên lãi gộp lên đến 61%, khá hấp dẫn với mặt bằng kinh doanh chung!
Mức lãi ròng trong năm theo đó đạt 322 tỷ đồng, tăng 17%. Đây là kết quả khá ấn tượng sau năm 2018 hạ nhiệt đáng kể với mức tăng lợi nhuận chỉ vào khoảng 5%.
Bất chấp nhiều thách thức, Golden Gate vẫn tiếp tục đặt cược lớn vào thị trường này, thể hiện qua việc tăng chi đầu tư mở rộng chi nhánh trong năm 2019 với số tiền 338 tỷ đồng – tăng khoảng 28% mức chi năm ngoái. Một số hạng mục xây dựng dở dang của chuỗi gồm: Chi nhánh VuvuZela tại Kiên Giang, nhà hàng Gogi House ở Lạng Sơn…
Dẫu vậy, dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm đang gây áp lực cực kỳ lớn lên doanh nghiệp, đặc biệt chi phí mặt bằng.
Khi mà, trong mô hình kinh doanh chuỗi nhà hàng của Golden Gate, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp như đồ ăn, thức uống chỉ chiếm khoảng 1/3 doanh thu. Khoản chi phí lớn nhất là chi phí bán hàng với các khoản mục chính như chi phí cho nhân viên, chi phí thuê mặt bằng, marketing…
Chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19
Giống như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khác, Golden Gate đã chịu tác động nặng nề trước tác động của Covid-19 làm nhu cầu giảm sút cũng như đóng cửa trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Mới đây, chuỗi cùng hàng loạt doanh nghiệp F&B khác đã gửi thư cầu cứu lên Chính phủ và các Bộ, trình báo đang đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản rất cao trước áp lực chi phí giữa đại dịch Covid-19.
Trong phần cuối của Báo cáo tài chính kiểm toán phát hành ngày 29/4/2019, Ban Giám đốc Golden Gate khẳng định sự lan rộng của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 là một khó khăn và thách thức đối với hoạt động tập đoàn.
Ngay từ kỳ báo cáo tài chính này, Ban Giám đốc đã thực hiện đánh giá sơ bộ về tác động của dịch bệnh đối với hoạt động tập đoàn, bao gồm khả năng thu hồi giá trị ghi sổ các tài sản, ghi nhận giá trị các tài sản và nợ phải trả.
Ban Giám đốc kết luận sơ bộ rằng tập đoàn hoàn toàn có khả năng hoạt động bình thường trong vòng 12 tháng tới, ngoại trừ ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng, mệnh lệnh hành chính do Chính phủ ban hành và các yếu tố kinh tế vĩ mô. Ban Giám đốc sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, có các hành động phù hợp và kịp thời để giảm thiểu tác động trong tương lai.