Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã tìm thấy loại virus khổng lồ - được đặt tên Pithovirus sibericum (nghĩa là chấn động) trong mẫu đất đóng băng vĩnh cửu sâu 30m, lấy từ vùng lãnh nguyên duyên hải Chukotka, gần biển East Siberia, nơi nhiệt độ trung bình năm là -13,4 độ C.
Cận cảnh siêu virus khổng lồ Pithovirus sibericum.
Để gọi loại virus này dậy, các chuyên gia đã "rã đông" chúng và chứng kiến quá trình tái tạo của nó trên một chiếc đĩa nham thạch, nơi virus này xâm nhiễm một sinh vật đơn bào đơn giản (amip).
Niên đại carbon phóng xạ của mẫu đất này cho thấy các loài thực vật đã phát triển ở đó hơn 30.000 năm trước, thời điểm voi ma mút và người Neanderthal xuất hiện trên Trái đất. Tuy có kích thước khổng lồ với 50 gene nhưng P.sibericum vô hại đối với người và động vật khi chỉ lây truyền một loại amip là Acanthamoeba.
Qua nghiên cứu trên của CNRS, các nhà khoa học cảnh báo về những nguy cơ xuất hiện trở lại những căn bệnh từ xa xưa khi khai thác nguồn khoáng sản và năng lượng ở Bắc Cực khiến nhiệt độ toàn cầu tăng lên làm băng tan.
Tại Mỹ, các nhà khoa học Mỹ cũng đã "hồi sinh" thành công một loại virus 700 năm tuổi, bị đóng băng trong lớp phân tuần lộc cổ. Virus được tìm thấy trong một lớp băng ở dãy núi Selwyn, Canada.
Hiện tượng nóng lên toàn cầu thúc đẩy nhanh sự hình thành của nhiều virus cổ đã tuyệt chủng.
"Chúng tôi chứng minh được rằng vật liệu di truyền từ virus cổ có trong phân của tuần lộc đã được bảo quản đông lạnh ít nhất 7 thế kỷ", nhà nghiên cứu Eric Delwar cho hay.
Bằng cách "hồi sinh" này, nhóm chuyên gia nhận thấy rằng virus vẫn có khả năng lây nhiễm qua nhiều thế kỷ. Trong khi đó, ấm lên toàn cầu cũng có thể làm sống lại nhiều virus truyền nhiễm khác.