Gói tín dụng 285 nghìn tỷ: Có là cứu cánh cho doanh nghiệp?

Trần Thúy |

Ngoài quy trình thẩm định, khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp đến đâu mới chính là vấn đề cần tính đến...

Thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ( Ngân hàng Nhà nước) mới đây cho biết, các tổ chức tín dụng đang xây dựng chương trình hỗ trợ, gói tín dụng để tiếp tục đầu tư cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng giá trị là 285 nghìn tỷ đồng trên toàn hệ thống.

Theo đó, sẽ có hơn 10 ngân hàng tham gia chương trình này, bao gồm 4 ngân hàng thương mại có Nhà nước. Mức lãi suất tùy thuộc vào tình hình cụ thể của khách hàng và đơn vị bị ảnh hưởng để căn cứ, không có mức cố định. Bình quân, các tổ chức tín dụng sẽ giảm 0,5-1% so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, việc hỗ trợ này hoàn toàn đến từ các ngân hàng và không dùng nguồn ngân sách.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian qua, đã có trên 40 nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ xem xét giảm lãi suất, cơ cấu thời gian trả nợ, khoanh nợ với tổng số lượng dư nợ hỗ trợ doanh nghiệp đã lên khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của TS. Bùi Quang Tín, Giám đốc Trường Doanh nhân BizLight, trong thời gian qua, Chính phủ và cơ quan bộ ban ngành đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung.

Với gói tín dụng 285 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ được áp dụng theo nhiều cách khác nhau như giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữa nguyên nhóm nợ,… để hỗ trợ doanh nghiệp có thể trang trải chi phí, ổn định hoạt động và “sống sót” qua thời điểm khó khăn này.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng cho rằng, để tiếp cận được gói này không phải là điều đơn giản. Doanh nghiệp không những sẽ phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 mà còn phải chứng minh có dòng tiền tốt thì mới có cơ hội.

“Điểm khó nhất hiện tại là hỗ trợ lãi vay thôi chưa đủ mà còn phải hỗ trợ thủ tục thẩm định cho vay. Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề thẩm định hồ sơ vay thì lại vướng Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010”, TS. Tín nói.

Ngoài vấn đề về quy trình thẩm định, thì khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp đến đâu cũng là một vấn đề cần tính đến.

Như đã nói ở trên, trong thời gian qua, các nhà băng cũng đã triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng thì sẽ thấy một thực tế khác…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 0,06%, so với mức 1% cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hiện tại là rất yếu.

Một số dự báo gần đây trù tính, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến cuối quý II/2020, sẽ có khoảng trên 50% doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp còn lại nếu có thể tồn tại cũng sẽ gặp khó khăn về dòng tiền.

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay cũng được dự báo sẽ bị giảm mạnh khi xuất khẩu các nước đang gặp khó khăn, chuỗi giá trị toàn cầu đang bị tác động mạnh, theo đó, rất ít doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để phát triển dự án mới.

“Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là ngân hàng sẽ hỗ trợ họ trực tiếp, với việc đơn giản hóa quy trình thẩm định hồ sơ, đồng thời, quá trình tư vấn cho doanh nghiệp phải thực chất hơn nữa.

Nếu các ngân hàng quá gắt gao trong quá trình hỗ trợ, rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận gói hỗ trợ 285 nghìn tỷ này. Nhà nước đã có chủ trương đúng hướng, phần còn lại, các ngân hàng thương mại phải biến chủ trương này thành khả thi, hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp.

Chỉ có như thế, doanh nghiệp mới có đủ điều kiện, động lực để vượt qua thời điểm khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch qua đi, theo đó họ mới có dòng tiền trả nợ ngân hàng.

Ngược lại, nếu ngân hàng chậm trễ hỗ trợ, không có đội ngũ tư vấn tốt thì bản thân họ tự gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình”, TS. Tín nói.

Về phía doanh nghiệp, để hấp thụ tốt vốn vay, chuyên gia cho rằng, lột xác là một điều cần thiết.

“Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung đều đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong nguy vẫn có nhiều cơ hội. Bản thân các doanh nghiệp cần tự cấu trúc lại hệ thống kinh doanh, đào tạo lại đội ngũ nhân sự và đặc biệt là tìm kiếm thị trường mới.

Hơn bao giờ hết, tôi cho rằng, thị trường nội địa vẫn đang rất tiềm năng, có khả năng tiêu thụ lớn. Lực cầu trong nước hiện nay có suy giảm nhưng không quá nhiều”, chuyên gia nhận định.

Theo đó, các doanh nghiệp cần tự tái cấu trúc, thay đổi hoạt động kinh doanh, nhắm vào phục vụ, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, trong đó nhấn mạnh vào marketing, truyền thông thương hiệu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng xây dựng đội ngũ chăm sóc khách hàng tốt hơn để giữ chân khách hàng cũ đồng thời, tiếp cận khách hàng tiềm năng để duy trì hoạt động trong 3-6 tháng tới.

“Nếu vượt qua được khoảng thời gian này, tôi tin doanh nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội phát triển trong giai đoạn tiếp theo”, Luật sư Tín nói.

Gói tín dụng 285 nghìn tỷ: Có là cứu cánh cho doanh nghiệp? - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại