Góc nhìn khác về vụ Chủ tịch huyện bị kỷ luật do kê khai tài sản thiếu trung thực

Lam Sơn |

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ góp phần nâng cao tiện ích cho người dân mà còn là công cụ hữu hiệu để chống tham nhũng, đảm bảo sự minh bạch và công khai trong xã hội.

Ngày 16/6, tại TP.HCM, Ngày hội không dùng tiền mặt sẽ diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, thông tin về việc Chủ tịch huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai bị đề xuất kỷ luật do kê khai tài sản thiếu trung thực, với hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản, đã gợi mở nhiều suy nghĩ về tính hiệu quả của việc chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt.

"Chuyển đổi số" trong ngành ngân hàng: Hiệu quả và thách thức

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng là một xu hướng tất yếu và đã mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, sự việc kê khai tài sản thiếu trung thực của vị Chủ tịch huyện Nhơn Trạch cho thấy vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Bởi trước đó, các báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Quốc hội cho thấy chỉ xử lý được vài ba trường hợp kê khai tài sản thiếu trung thực, trong khi tại các phiên toà, nhiểu bị cáo khai vanh vách về các thùng xốp, thùng các tông, valy đựng từ vài tỷ đến vài trăm tỷ hối lộ, "bôi trơn" nhau như chốn khốn không người.

Đến nay, ai cũng công nhận tính hiệu quả của "chuyển đổi số" trong ngành ngân hàng, khi mà người người, nhà nhà ai cũng có smartphone, ai cũng có tài khoản, dễ dàng mua bán từ mớ rau đến chiếc xe hơi mà không phải đem theo tiền.

Hơn thế, lợi ích "kép" mà công chuyển đổi số này mang lại, ngoài việc giúp các giao dịch ngân hàng trở nên nhanh chóng, tiện lợi, còn là việc thúc đẩy minh bạch, liêm chính và chống thất thu thuế.

Lần giở lại các quy định thì thấy, các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã được đặt ra từ năm 2010 và quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn có từ năm 2013.

Dù đã có nhiều nỗ lực, những quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống, đạt được hiệu quả mong muốn. Có thể nhận ra một số nguyên nhân chính khiến tiến trình chuyển đổi này chậm lại, như chưa có đầu mối thực sự hiệu quả giám sát. Các quy định này do tính "nhạy cảm" cần có cơ chế giám sát và thực thi nghiêm ngặt hơn, mà sự thiếu chặt chẽ này dẫn đến tình trạng kê khai tài sản không trung thực (chỉ khi khổ chủ báo án do bị lừa tiền cơ quan chức năng mới biết) như trường hợp ở Nhơn Trạch.

Nguyên nhân thứ hai chính là vấn đề nhận thức chưa đồng đều, tức là cả chuyện dân trí và quan trí. Nhiều cá nhân và tổ chức chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt và kiểm soát tài sản, thu nhập. Điều này khiến cho việc triển khai các quy định gặp nhiều lý do trì hoãn, nêu các yếu tố "đặc thù" nọ kia... để lần lữa việc áp dụng, mà đơn giản nhất từ việc trả lương qua tài khoản rất nhiều cơ quan sau này mới thực hiện.

Lý do thứ ba là hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, chưa có sự liên kết giữa các ngành, lĩnh vực mới nhau. Cơ sở pháp lý giữa các ngành ngân hàng - thương mại - an sinh xã hội - nội vụ - phòng chống tham nhũng còn nhiều lỗ hổng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn đến việc thực thi không hiệu quả.

Có lẽ vì thế khi nhậm chức (6/2021), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Đề án này đặt ra nhiều mục tiêu và hoạt động cụ thể nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, như đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán đạt mức 50%; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán không dùng tiền mặt đảm bảo an toàn, hiệu quả và bảo mật để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; Ứng dụng các công nghệ mới như blockchain, AI để nâng cao tính bảo mật và tiện lợi cho người sử dụng...

Đặc sắc nhất của Chính phủ giai đoạn này chính là lập Tổ công tác 06, do Bộ Công an làm nòng cốt, được ví như sợi dây xâu chuỗi liên kết, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực vượt qua (lợi ích) chính mình vì mục tiêu chung của quốc gia.

Thúc đẩy xã hội không tiền mặt

Thực ra xã hội dù có văn minh đến mấy vẫn còn một tỷ lệ tiền mặt lưu thông, như hệ thống bán lẻ, vùng xa... Tuy thế cũng phải công bằng hơn khi nhìn lại thời đại dịch COVID-19 hoành hành, ngăn sông cấm chợ và sự lên ngôi của thương mại điện tử.

Rất nhiều người còn in sâu trong ký ức về đại dịch này. Bên cạnh những kỷ niệm đau buồn, phải công nhận rằng chính dịch COVID-19 đã làm thay đổi thói quen của người dân, thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ ship hàng, chuyển khoản và mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Từ các phân tích nói trên, muốn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và phòng, chống tham nhũng chắc chắn cần có những giải pháp cụ thể, như tăng cường giám sát và minh bạch, trong đó cơ chế giám sát phải chặt chẽ hơn, đảm bảo tính minh bạch cao hơn. Ngoài ra vẫn cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, như Ngày Hội Thanh Toán Không Tiền Mặt 16/6 này.

Hơn nữa, cần tiếp tục cải thiện hệ thống pháp lý liên thông giữa các ngành, lĩnh vực, giữa trung ương-địa phương để đáp ứng yêu cầu thực tế, đảm bảo các quy định được thực thi hiệu quả. Cạnh đó tiếp tục ứng dụng, sử dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao tính bảo mật và tiện lợi cho các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trường hợp kê khai tài sản thiếu trung thực của chủ tịch huyện Nhơn Trạch là một hồi chuông cảnh tỉnh về tính hiệu quả của các quy định hiện hành. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ góp phần nâng cao tiện ích cho người dân mà còn là công cụ hữu hiệu để chống tham nhũng, đảm bảo sự minh bạch và công khai trong xã hội.

Để rồi ngày nào đó, việc sử dụng thanh toán không tiền mặt không cần chờ "ngày hội" 16/6 nữa!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại