Góc nhìn khác biệt từ Nikkei về 'Vành đai và con đường' của Trung Quốc

Hoài An |

Theo Nikkei Asian Review, khu vực Đông Nam Á có thể sẽ có lợi khi Trung Quốc giải quyết được các mối lo ngại một cách minh bạch.

Lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đã tập trung tại Bangkok vào cuối tuần trước ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chậm lại.

Nikkei viết: "Nếu họ nhận ra tiềm năng chưa được khai thác của châu Á với tốc độ tăng trưởng đang rất cao, họ cần nắm bắt các cơ hội do Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường mới (BRI 2.0) của Trung Quốc để thúc đẩy thương mại, khuyến khích đầu tư nước ngoài và phát triển nền kinh tế.

Đông Nam Á chính là phép thử cho "tân" Vành đai và con đường - phiên bản mới của chương trình cơ sở hạ tầng rộng lớn của Trung Quốc, được đưa ra bởi Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn Vành đai và Con đường vào tháng 4.

Khu vực này có thể sẽ được lợi rất lớn. Nhưng nếu muốn gặt hái được toàn bộ lợi ích từ sự đóng góp của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, được coi là kết nối phần "cứng", thì các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải đóng góp kết nối "mềm", bao gồm thúc đẩy việc hội nhập thị trường và giảm các rào cản thương mại.

Đông Nam Á có hàng thiên niên kỷ lịch sử và thương mại gắn liền với Trung Quốc. Giai đoạn sắp tới, Trung Quốc sẽ tăng cường sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao hơn, công nghệ tinh vi hơn để hấp dẫn khách hàng giàu có hơn. Nhưng để làm điều này, hai điều cần phải xảy ra.

Thứ nhất, Trung Quốc cần lao động và các nguồn lực khác. Thứ hai, Trung Quốc cần phát triển các thị trường tiềm năng mới, bù đắp cho mối quan hệ ngày càng "cơm không lành, canh không ngọt" với các thị trường phương Tây truyền thống.

Có nhiều khía cạnh cần phải quan tâm về Vành đai và con đường, nhưng từ góc độ của các quốc gia Đông Nam Á, có hai khía cạnh nổi bật. Đầu tiên là những lợi ích của việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối: đường bộ, cảng, đường sắt và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số kết nối khu vực châu Á một cách chặt chẽ hơn.

Góc nhìn khác biệt từ Nikkei về Vành đai và con đường của Trung Quốc - Ảnh 1.

Cho đến nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự cảnh giác với các đề nghị BRI của Trung Quốc, phần lớn đến từ sự thiếu rõ ràng của một số thỏa thuận đã được ký kết trong những năm trước.

Chủ tịch Tập Cận Bình hứa hẹn: "Mọi thứ phải được thực hiện một cách minh bạch và chúng ta không nên khoan dung với tham nhũng".

Nếu Trung Quốc thực hiện đúng cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình, họ sẽ được lợi chứ không thiệt.

Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB ước tính rằng Châu Á cần đầu tư 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng.

Cho đến nay, khoảng 80% tài chính cho các dự án Vành đai và con đường đến từ các ngân hàng chính sách của Trung Quốc. Nếu chỉ dựa vào túi tiền của Trung Quốc, tham vọng của BRI khó có thể thành hiện thực.

Với BRI 2.0, đóng góp của Trung Quốc được coi là vốn hạt giống có thể được tận dụng để thu hút đầu tư thương mại từ cả trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng và thị trường trái phiếu quốc tế.

Yi Gang, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói với các đại biểu tại diễn đàn rằng họ sẽ "xây dựng một hệ thống tài chính và đầu tư theo định hướng thị trường mở".

Điều này cho thấy rằng nếu Bắc Kinh muốn huy động thành công vốn quốc tế để thực hiện ước mơ của mình, các dự án Vành đai và con đường phải tạo ra lợi nhuận thương mại, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch và tuân thủ các thông lệ tốt nhất toàn cầu về quản trị và bền vững.

Trung Quốc sẽ phải đi một chặng đường dài để trấn an chuyên gia kinh tế ở các quốc gia, những người cho rằng trong một số trường hợp, các thỏa thuận với Trung Quốc rất thiếu rõ ràng, đã được định giá quá cao và khả năng thương mại còn gây tranh cãi.

Mặc dù không có thỏa thuận mới đáng kể nào được công bố kể từ Diễn đàn, việc Bắc Kinh sẵn sàng đàm phán lại các điều khoản của dự án đường sắt ở Malaysia và tiếp tục sửa đổi cấu trúc của một thỏa thuận tương tự được đưa ra cho Thái Lan đã thể hiện sự linh hoạt và mềm mỏng hơn đối với các quốc gia tham gia Vành đai và con đường.

Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ sử dụng nguồn cung ứng lao động và tài nguyên nhiều hơn ở các nước sở tại.

Dù không bày tỏ bất kỳ ưu tiên rõ ràng nào đối với cấu trúc thỏa thuận theo chế độ mới, nhưng việc khuyến khích hoạt động tham gia tài chính của bên thứ ba đã mở ra một loạt các giải pháp tiềm năng như: tài trợ thương mại, quan hệ đối tác công tư, nước thứ ba chính sách bảo lãnh vay ngân hàng, và các quỹ đầu tư chung của chính phủ.

Vành đai và con đường mới đã mở ra vai trò chung cho các chính phủ, ngân hàng chính sách và đặc biệt là khu vực tư nhân. Sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ giúp đảm bảo rằng các dự án phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu về khả năng tồn tại, minh bạch và quản trị.

Nếu BRI 2.0 có thể thực hiện các tiêu chuẩn này, nó sẽ là cơ hội hiếm có cho thị trường tài chính, đặc biệt là ở Hồng Kông và Singapore, hỗ trợ cấu trúc tài chính cho một cuộc cách mạng cơ sở hạ tầng toàn cầu.

Nổi bật thứ hai là lợi ích lâu dài mà các khoản đầu tư BRI sẽ tạo ra ở các quốc gia đích. Với BRI, Trung Quốc đang tích cực khuyến khích đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là các ngành công nghiệp thâm dụng lao động mà họ muốn thay thế bằng sản xuất công nghệ cao mới.

Đây là cơ hội không chỉ cho các công ty ở các nước đang phát triển, mà là cả các công ty quốc tế có thể đã có cơ sở sản xuất Trung Quốc, nhưng giờ đây sẵn sàng xem xét các lựa chọn thay thế.

Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế, sự tham gia ngày càng sâu rộng của Trung Quốc vào Đông Nam Á có thể mang lại một sự thúc đẩy kinh tế sẽ lan rộng ra khắp khu vực. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi BRI có khả năng đẩy nhanh việc mở rộng tầng lớp trung lưu, tập trung vào thị trường nội địa.

Đông Nam Á nên nỗ lực để có thể nắm bắt những cơ hội này để hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, nếu có thể khởi động lại chương trình hội nhập ASEAN bị đình trệ bắt đầu từ hơn một thập kỷ trước.

Với tổng dân số khoảng 650 triệu người và GDP 2,4 nghìn tỷ USD, Đông Nam Á là một thị trường hấp dẫn và là địa điểm tốt cho các chuỗi cung ứng, nhưng vẫn còn bị kìm hãm bởi các rào cản thuế quan và phi thuế quan.

Những điều này làm tăng chi phí cho các công ty muốn chuyển từ sản xuất linh kiện sang giai đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng hoặc sản xuất thành phẩm cho người tiêu dùng địa phương.

Theo một bài báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, việc loại bỏ các rào cản thương mại ở châu Á sẽ làm tăng nhập khẩu nội khối lên 76%. BRI 2.0 đại diện cho một cơ hội tuyệt vời để Đông Nam Á bước vào giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại