Cân bằng và công bằng
Những năm qua Liên đoàn bóng đá châu Âu bằng uy quyền của mình và nhiều biện pháp khác nhau đã giúp trình độ các đội ở những giải vô địch quốc gia thành viên ngày một xích lại nhau hơn.
Nhìn vào các giải đấu như Ngoại hạng Anh, La Liga hay Bundesliga, cuộc đua đến danh hiệu vô địch không còn là câu chuyện riêng của những ông lớn. Thậm chí, một số đội bóng có ngân sách eo hẹp như Leicester City, West Ham cũng chễm trệ nằm trong tốp 4 ở giải Ngoại hạng Anh, sân chơi được đánh giá là hấp dẫn nhất hành tinh.
Đây là thành quả của chính sách Công bằng tài chính mà Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) áp dụng trong những năm qua. Điều luật này khiến các đội bóng lớn dù có tiền cũng không dám chi tiêu quá đà, bởi nếu vi phạm họ sẽ không được tham dự đấu trường cúp châu Âu.
Những ông lớn như AC Milan, PSG hay Man City đều đã bị phạt tiền vì không thể cân đối thu chi. Ngay cả khi họ lập những công ty để lách luật thì cũng không qua mặt được sự giám sát của UEFA.
UEFA muốn các giải vô địch quốc gia ở Liên đoàn thành viên trở nên cân bằng hơn, tăng tính cạnh tranh và hấp dẫn cho giải đấu, nhưng nó lại không công bằng với những đội bóng lớn, khi được bơm tiền cũng không thể mua sắm thả ga, kéo theo đó là sự sa sút sức mạnh trên sân cỏ và thâm hụt tài chính ở mặt trận thương mại.
Cái tát trời giáng mang tên Covid-19
Công cuộc giúp bóng đá châu Âu trở nên cân bằng, hấp dẫn hơn của UEFA đang đi theo hướng đã vạch ra sẵn của các nhà hoạch định thì đại dịch Covid-19 ập đến làm thay đổi hoàn toàn đời sống xã hội cũng như bóng đá.
Các giải đấu sau khi không thể hoãn, buộc phải tổ chức không khán giả nên doanh thu từ tiền bán vé của các đội trở về con số 0 tròn trĩnh trong suốt hơn 1 năm qua. Theo báo cáo của FIFA và ước tính của tổ chức này, doanh thu bóng đá trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới xấp xỉ 12 tỷ Euro, riêng UEFA là khoảng 2 tỷ Euro.
Nguồn thu từ bản quyền truyền hình, bán vé, kinh doanh và từ các giải đấu tham dự giảm do đại dịch Covid-19 khiến các đội bóng lâm vào thế khó. Họ đã áp dụng nhiều chính sách để thắt lưng buộc bụng, yêu cầu BHL và các cầu thủ giảm lương để chống chọi với Covid-19, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và UEFA cũng tung ra những gói cứu trợ, nhưng nó chỉ là muối bỏ bể so với thiệt hại của các câu lạc bộ. Bởi số tiền mà Real Madrid, Barca hay các đội bóng lớn ở châu Âu thiệt hại do dịch Covid-19 lên tới hàng trăm triệu Euro.
Do đó, ý tưởng về giải đấu European Super League manh nha từ năm 2018 đã được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Dưới sự đồng hành, hậu thuẫn của một ngân hàng lớn tại Mỹ, European Super League đã thu hút được sự quan tâm của các ông lớn bóng đá châu Âu.
Theo tính toán thì đội vô địch Champions League với số tiền kỷ lục như Liverpool ở mùa giải 2018/2019 cũng chỉ nhận được 111 triệu Euro. Tổng số tiền thưởng ở Champions League cũng chỉ hơn 2 tỷ Euro, trong khi những đội tham gia European Super League nhận số tiền khoảng 330 triệu Euro, tức gấp 3 lần đội vô địch Champions League. Đây là số lớn để các đội trang trải cũng như nâng cấp đội hình qua từng năm.
European Super League đẩy bóng đá châu Âu vào bi kịch?
Liên đoàn bóng đá châu Âu kịch liệt phản đối European Super League vì giải đấu này diễn ra vào giữa tuần, trùng với Champions League và Europa League. Do đó, số phận của 2 sân chơi danh giá nhất châu Âu mà UEFA tổ chức sẽ bị đặt dấu hỏi lớn.
European Super League quy tụ 15 đội bóng siêu cường ở châu Âu và 5 khách mời linh hoạt qua từng năm, chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ cũng như thu hút tài trợ, bản quyền truyền hình.
Để ngăn chặn điều này, Liên đoàn bóng đá châu Âu thông báo đanh thép rằng: “Các câu lạc bộ tham gia European Super League sẽ bị cấm thi đấu ở bất cứ giải đấu nào ở quốc nội, châu Âu và thế giới. Các cầu thủ của họ có thể không được góp mặt ở đội tuyển quốc gia “.
Cấm đoán là phương án cuối cùng và bất đắc dĩ trong việc giải quyết một vấn đề vì thế mà Liên đoàn bóng đá thế giới yêu cầu các bên nên ngồi thảo luận, đàm phán trên tinh thần xây dựng để tìm ra hướng đi hợp lý nhất, có lợi cho tất cả.
Trong trường hợp mà European Super League được tổ chức và những câu lạc bộ tham gia giải đấu bị cấm tranh tài ở giải quốc nội, cầu thủ không được đá ở đội tuyển quốc gia thì đây là bi kịch của bóng đá châu Âu cũng như thế giới.
Nếu Ngoại hạng Anh không có Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Tottenham và Arsenal thì giải đấu còn gì đáng xem? Nếu La Liga không có Barca, Real Madrid và Atletico Madrid thi đấu thì số phận của nó sẽ ra sao?
Vấn đề nữa, nếu European Super League tổ chức thành công thì sẽ kéo theo sự phân hóa về giàu nghèo giữa các câu lạc bộ. Khi đó, các câu lạc bộ trên khắp châu Âu sẽ không có cửa cạnh tranh với những gã nhà giàu, rất có thể họ sẽ trở thành những lò đào tạo cung cấp nhân tài cho các siêu cường kia.
European Super League chưa chính thức tổ chức, nhưng nó đang gây áp lực cực lớn lên UEFA. Tổ chức này có thể phải thay đổi, nâng cao chất lượng giải đấu thay vì mở rộng với danh nghĩa tạo điều kiện phát triển bóng đá cho các vùng trũng, nhưng mục đích là làm căng hầu bao của mình.
Những câu lạc bộ siêu cường, UEFA và FIFA chắc chắn sẽ phải ngồi lại với nhau để tìm ra phương án hữu hiệu nhất, để tránh xung đột lợi ích. Nếu ai cũng vì động cơ riêng của mình mà không tìm được tiếng nói chung thì European Super League có thể sẽ khiến bóng đá châu Âu lâm vào bi kịch.