Góc nhìn chuyên gia: Toàn cảnh vụ ĐKVĐ nước Anh nhận án phạt cực nặng vì lừa đảo, vi phạm luật tài chính

PHỤNG HIẾU |

Mọi thứ liệu đã chấm dứt với Manchester City? Hãy cùng chuyên gia Marcotti của tờ ESPN phân tích tình hình của họ vào thời điểm hiện tại.

Cơ quan kiểm soát tài chính (CFCB) ra quyết định cấm Manchester City tham dự giải đấu Champions League trong 2 năm, cùng mức phạt tiền 30 triệu euro. Nguyên nhân là bởi đội bóng chủ sân Etihad vi phạm nghiêm trọng Luật công bằng tài chính (FFP) và thậm chí còn gửi những thông tin sai nhằm che đậy lỗi lầm lên UEFA từ năm 2012 đến năm 2016.

Tuy nhiên Man City không lập tức phải thực thi án phạt này. Họ vẫn còn cơ hội, dù rất mong manh, kiện ngược lại UEFA nếu tìm đủ bằng chứng. Vụ việc khi đó sẽ được nâng tầm từ thể thao lên thành dân sự dưới thẩm quyền Tòa án tối cao Thụy Sĩ.

Hãy cùng trò chuyện với chuyên gia bóng đá Gabriele Marcotti của ESPN, người có gần 20 năm theo đuổi bộ môn thể thao vua bằng các vai trò khác nhau, từ phóng viên thể thao đến biên tập viên truyền hình, để hiểu rõ vấn đề.

Hỏi: Man City sẽ không được thi đấu với Real Madrid ở Champions League mùa giải năm nay?

Ông Marcotti: Án phạt bắt đầu từ mùa giải năm sau, nghĩa là Man City sẽ không dự Champions League mùa 2020-21 và 2021-22. Họ vẫn có thể lên ngôi vô địch giải đấu hấp dẫn nhất châu Âu cấp độ CLB mùa này nếu đánh bại tất cả đối thủ còn lại. Trên thực tế để án phạt có hiệu lực còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết.

Những vấn đề nào?

Man City mới đây khẳng định họ sẽ gửi đơn khiếu nại đến Tòa án thể thao (CAS) tại Lausanne, Thụy Sĩ. CAS là đơn vị đưa ra phán quyết cuối cùng, họ có thể thông qua hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt do CFCB đưa ra.

CAS buộc phải cân nhắc mọi tài liệu, thông tin về vụ việc. Dự kiến quá trình này sẽ kéo dài từ giờ đến đầu tháng 7, cùng thời điểm vòng loại thứ 2 giải đấu Europa League. CAS cần chắc chắn hình phạt dành cho Man City không ảnh hưởng đến bất kỳ đội bóng nào khác. Thành thực mà nói ngay cả CAS cũng chưa phải là đơn vị cuối cùng tham dự vào vụ kiện này.

Góc nhìn chuyên gia: Toàn cảnh vụ ĐKVĐ nước Anh nhận án phạt cực nặng vì lừa đảo, vi phạm luật tài chính - Ảnh 1.

Man City vừa gửi đơn kháng cáo lên CAS nhằm cứu vãn tình hình.

Còn bên nào tham gia nữa?

Vì Tòa án tối cao Thụy Sĩ có thẩm quyền với UEFA nên Man City nhiều khả năng sẽ đệ đơn đến họ, hướng vụ việc từ thể thao sang dân sự. CLB chủ sân Etihad khẳng định quá trình điều tra của UEFA có nhiều thiếu sót nên cơ quan đầu não bóng đá châu Âu không thể đóng vai thẩm phán, bồi thẩm đoàn lẫn hội đồng quyết định hình phạt.

Theo lý thuyết, Tòa án tối cao Thụy Sĩ có thể bác bỏ cáo buộc của UEFA để tự điều tra. Nếu trở thành hiện thực, vụ kiện tụng này sẽ gây ra một mớ hỗn độn, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức xung quanh, khiến nhiều giải đấu bị đình trệ chứ không riêng gì Ngoại hạng Anh.

Man City liệu có bị đối xử thiếu công bằng?

Thật khó để bình luận về điều này với tư cách là người ngoài cuộc. Nếu là người trong cuộc, nhiều khả năng bạn vẫn có thể đưa ra nhận xét thiên vị về một phía. Tòa án tối cao vẫn là đơn vị có thẩm quyền nhất.

Trên thực tế Man City không hướng mũi dùi đến CFCB. CFCB hiện gồm 5 thành viên, tất cả đều là những thẩm phán cao cấp độc lập, không liên quan gì đến thế giới bóng đá, Man City biết điều này. CFCB cũng không phải là nhân viên của UEFA. Họ chỉ đơn giản xét xử dựa trên các bằng chứng xác thực rồi đưa ra phán quyết.

Phía Man City chỉ có vấn đề với Phòng điều tra của UEFA, nhóm người đóng vai trò công tố viên tại phiên tòa. Họ chính là những người thu thập bằng chứng về việc Man City vi phạm FFP rồi đưa lên cho CFCB xét xử.

Để lật ngược thế cờ, Man City đệ đơn lên CAS cho rằng Phòng điều tra, công tố viên phải chịu trách nhiệm vì để thông tin rò rỉ tới truyền thông. Tuy nhiên nước đi này nhiều khả năng sẽ bất thành.

Tại sao Man City bị trừng phạt bởi những sai trái họ gây ra nhiều năm trước? Sao không xét xử ngay năm 2014?

Man City vi phạm Luật công bằng tài chính năm 2014 nhưng phải đến năm 2018 trang Football Leaks mới ra đời. Thông tin về những vụ bê bối của Man City trên Football Leaks được tờ Der Spiegel (Đức) đưa lại chính thống, khẳng định Man City cố tình che giấu số tiền lỗ khổng lồ vì chi tiêu quá nhiều trên thị trường chuyển nhượng.

Tài liệu trên Football Leaks do một hacker người Bồ Đào Nha có tên Pinto đăng tải. Phía Man City chưa kịp xác nhận thực hư thì UEFA đã ngay lập tức tiến hành điều tra.

Góc nhìn chuyên gia: Toàn cảnh vụ ĐKVĐ nước Anh nhận án phạt cực nặng vì lừa đảo, vi phạm luật tài chính - Ảnh 2.

Chân dung Pinto, hacker đưa những sai phạm của Man City ra ánh sáng.

Họ yêu cầu Man City giao nộp toàn bộ tài liệu được nhắc đến trên trang Football Leaks. Ngoài ra, UEFA còn muốn biết thêm thu chi của Man City năm 2015, 2016 dù đội bóng này không vi phạm Luật công bằng tài chính trong khoảng thời gian đó.

Đó có phải lý do vì sao Man City bị phạt nặng đến vậy?

Hiện tại CFCB chưa đưa ra lý do chính thống nhưng nhiều khả năng là vậy. CFCB xác nhận Man City cố tình che giấu lỗ và không hợp tác trong quá trình điều tra.

Man City liệu có thể lật ngược thế cờ bằng cách bác bỏ Luật công bằng tài chính, coi luật này là một hạn chế trong quá trình thương mại hóa của đội bóng?

Họ hoàn toàn có khả năng làm vậy. Nhưng dù có thắng kiện, những câu hỏi tại sao Man City cố lách luật trong gần một thập kỷ qua vẫn chưa có câu trả lời. Phía UEFA cũng hoàn toàn có thể bảo vệ phán quyết vì Champions League sau cùng vẫn là sân chơi của họ. Nếu muốn tham dự, Man City buộc phải tuân theo luật lệ UEFA đề ra.

Nếu Man City bị cấm tham dự, những hệ lụy sau đó sẽ là gì?

Đầu tiên, đội bóng về đích thứ 5 tại Premier League mùa giải năm nay sẽ giành quyền dự Champions League (nếu Man City lọt top 4). Hiện tại CLB đó là Sheffield United, tập thể chỉ được đánh giá hạng trung bình của bóng đá Anh.

Thứ 2, Man City sẽ chịu những thiệt thòi cực lớn về tiền bạc. Ngoài việc phải nộp 30 triệu euro, họ sẽ không có doanh thu từ Champions League trong vòng 2 mùa giải. Năm ngoái dù dừng chân ở vòng tứ kết nhưng đội bóng của Pep Guardiola đã thu về số tiền thưởng lên đến 93 triệu euro.

Nếu vô địch Champions League, tiền thưởng sẽ còn lớn hơn nữa. Cộng với tiền tài trợ sẽ mất đi nếu không tham dự sân chơi này, Man City sẽ mắt trắng khoảng 276 triệu euro trong 2 năm, tương đương 25% doanh thu đội bóng.

Chưa dừng lại ở đó, mất 25% doanh thu đồng nghĩa với việc CLB buộc phải cắt giảm bớt chi phí, tìm nguồn thu mới. Hay nói cách khác là phải bán một số cầu thủ. Vài ngôi sao dù không thuộc danh sách cắt giảm nhưng vẫn muốn ra đi vì họ cần Champions League để khẳng định tên tuổi, bao gồm cả HLV Pep Guardiola chứ không riêng gì cầu thủ.

Góc nhìn chuyên gia: Toàn cảnh vụ ĐKVĐ nước Anh nhận án phạt cực nặng vì lừa đảo, vi phạm luật tài chính - Ảnh 3.

Dàn siêu sao Man City tốn tiền tấn để mua về nhiều khả năng sẽ mỗi người một nơi.

Ngoài UEFA, Man City liệu có gặp vấn đề gì với BTC Ngoại hạng Anh?

Về mặt lý thuyết, đó cũng là một rủi ro. Giải đấu Ngoại hạng Anh có hệ thống riêng quản lý thu chi của các CLB. Sân chơi hàng đầu thế giới không sở hữu điều luật nào tương tự Luật công bằng tài chính nhưng nếu Man City không hợp tác, gian dối trong khâu khai nhận, họ hoàn toàn có thể bị "sờ gáy".

Có tin đồn cho rằng Man City sẽ bị đày xuống chơi giải hạng 4 nước Anh nhưng án phạt thiết thực hơn cả là giảm số điểm của họ hiện tại.

UEFA đưa ra án phạt nặng cho Man City là để răn đe đội bóng khác, liệu điều này có phải sự thật?

Không thể khẳng định điều này bởi Man City ngoài vi phạm luật công bằng tài chính, họ còn cố tình che đậy cho sai lầm của mình. Đó là hành vi gian lận trong kế toán, điều chúng ta chưa từng thấy trong thế giới bóng đá tính đến thời điểm hiện tại.

Nhưng nếu CAS có bằng chứng về việc UEFA tiến hành điều tra mang tính trả thù Man City thì mọi chuyện lại chuyển biến theo chiều hướng khác.

Góc nhìn chuyên gia: Toàn cảnh vụ ĐKVĐ nước Anh nhận án phạt cực nặng vì lừa đảo, vi phạm luật tài chính - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại