Họ là người trực tiếp chăm sóc cho nghệ sĩ từ A đến Z như: Sửa gấu quần, chỉnh cổ áo, cái cài tóc, đôi bông tai, chai nước uống đến quần áo, giày dép... mỗi khi ra ngoài.
Công việc tưởng nhẹ nhàng, đơn giản nhưng kỳ thực không phải ai cũng làm được. Và cũng do sự nhạy cảm của nghề này nên phần lớn nghệ sĩ nổi tiếng đều nhờ chính anh, chị, em ruột làm thay vì thuê người ngoài.
Đó là nghề trợ lý người nổi tiếng.
Nhớ tốt và giỏi chịu đựng
Tôi đã có dịp mục sở thị công việc thực sự này không ít lần. Đó là những con người thầm lặng, công việc thầm lặng mà chỉ khi có dịp vào hậu trường, người ta mới được thấy.
Bạn M.X, trợ lý của một danh hài nổi tiếng chia sẻ về công việc hàng ngày của bạn là đi theo nghệ sĩ, đeo mic, soạn đồ diễn, liên hệ nhà thiết kế riêng cho mỗi lần nghệ sĩ này cần ghi hình... cùng rất nhiều công việc "râu ria" khác.
Trợ lý không chỉ phải nhớ, nhắc và chuẩn bị công việc cho ngày hôm sau mà họ còn phải nhớ những gì đã làm trước đó.
Họ phải nhớ ngày mai sẽ đi đâu, làm gì, cần chuẩn bị những bộ quần áo nào, những đôi giày nào, phụ kiện nào để nghệ sĩ mặc. Và phải nhớ ngày đó, chương trình đó, số đó nghệ sĩ đã mặc bộ này rồi để không bị mặc trùng chương trình khác, số khác.
Huỳnh Minh Chánh, trợ lý riêng của Sơn Tùng đang chăm sóc nam ca sĩ tại 1 buổi giao lưu với fans.
Trợ lý cũng là người nắm rõ nhất trong tủ có bao nhiêu cái áo, màu gì, loại nào, kiểu dáng ra sao để khi được kêu "em lấy cái áo đó cho anh/ chị" là phải lấy đúng cái đó ngay.
Ngay cả vị trí để từng bộ đồ lót cũng vậy, giày dép, quần áo dài, áo bà ba, đầm, vest, thắt lưng, cà vạt... màu gì để chỗ nào, trợ lý là người hiểu rõ hơn cả nghệ sĩ. Bởi họ trực tiếp giặt, ủi và cất vào tủ theo đúng "sơ đồ" đã được nghệ sĩ sắp xếp từ trước.
Tưởng dễ dàng nhưng kỳ thực công việc đòi hỏi phải có một trí nhớ cực tốt bởi nghệ sĩ nào cũng có hàng ngàn bộ quần áo và không dưới cả trăm đôi giày dép, chưa kể phụ kiện, trang sức...
Theo chia sẻ của một số người đã và đang làm trợ lý người nổi tiếng, việc nhớ vị trí để đồ và nhớ bộ nào mặc chương trình nào là khó nhất.
Để không bị sai sót khi làm việc, đa số các bạn thường phải chụp và ghi vào một cuốn sổ nhỏ mang theo lúc đi làm.
Tuy nhiên, chuyện nhầm lẫn vẫn không tránh khỏi. Gặp nghệ sĩ dễ tính thì chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng, gặp người khó và kỹ tính, nhiều khi họ còn bị giận và mắng... phát khóc trên đường chạy về lấy.
Nếu không thực sự yêu công việc này và trên hết là yêu nghệ sĩ thì rất ít người có thể chịu đựng và bám trụ lâu dài với nghề, bạn M.X khẳng định.
Lịch làm việc của trợ lý phụ thuộc vào lịch làm việc của nghệ sĩ. Có khi một ngày bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc khi đã samg ngày hôm sau.
Về nhà, nghệ sĩ còn được nghỉ 3, 4 tiếng nhưng trợ lý được nghỉ ngơi rất ít vì họ còn phải chuẩn bị đồ cho ngày làm việc kế tiếp và xách theo khi đi làm.
Hậu trường 1 buổi chụp quảng cáo của người mẫu Lê Thị Phương. Trong ảnh, người đẹp được 2 chàng trai giúp bôi kem che khuyết điểm và đánh phấn cho mịn màng và đều màu.
Thế nên trợ lý được ví như hình và bóng của nghệ sĩ. Trợ lý là người hiểu tính cách và mọi thói quen của nghệ sĩ nhất vì thời gian họ ở với nhau có khi còn nhiều hơn thời gian ở với gia đình.
Một ngày làm việc nhẹ nhàng nhất của các trợ lý là trong studio và cực nhất là những ngày đi quay quảng cáo ngoài trời hoặc ra phim trường, chạy các game show hay những chương trình mặc đồ cổ trang.
Nếu phim trường là biệt thự nhà sản xuất thuê thì không gian hẹp, sắp xếp máy xong có khi trợ lý không còn chỗ đứng.
Đa số họ phải ra khỏi khu vực phim trường để ngồi chờ nên khi quay xong, nghệ sĩ không thấy họ đưa nước cho uống hay lau mồ hôi... thì thế nào cũng bị la.
Có những nghệ sĩ rất khó tính trong ăn uống. Họ thường không ăn cơm với đoàn phim. Với những nghệ sĩ như vậy thì trợ lý phải đặt cơm riêng hoặc chạy về nhà nghệ sĩ để lấy cơm cho họ mỗi khi quay qua trưa, qua chiều hoặc tới... khuya.
Làm được nghề phải thương nghệ sĩ
Đa số các trợ lý đều cho rằng, muốn làm được nghề này phải thương nghệ sĩ nhiều lắm. Đó cũng chính là lý do tại sao đa số nghệ sĩ khi tuyển trợ lý là người ngoài, lựa chọn đầu tiên của họ chính là fans.
Fans có một tình yêu gần như "tôn thờ" thần tượng của mình nên họ sẵn sàng làm tất cả cho người mà họ ngưỡng mộ.
Bởi công việc này rất dễ bị "đánh đồng" với "ô-sin riêng" của người nổi tiếng, trong khi đa số trợ lý đều có bằng cấp cao đẳng, đại học.
Dù vậy, công việc này cũng có những lợi thế không phải nghề nào cũng mang lại được. Thứ nhất khi làm trợ lý lâu họ sẽ có mối quan hệ càng dày với các nghệ sĩ, các công ty truyền thông, các nhà sản xuất và đài truyền hình.
Do đặc thù "nhạy cảm" của công việc, phần lớn sao Việt đều nhờ tới người thân trong gia đình như bố, mẹ, anh, chị, em ruột làm trợ lý riêng. Trong ảnh, mẹ của Á hậu 2012 Tú Anh đang giúp con gái bôi kem chống nắng.
Thứ hai, trợ lý cũng là những người có điều kiện học được nhiều điều bổ ích trong công việc sản xuất chương trình.
Bạn M.X cho biết: "Nếu em làm biên tập thì em chỉ biết công việc của biên tập nhưng khi làm trợ lý cho nghệ sĩ, em biết hết nguyên công việc của ê-kíp, từ quay phim góc máy thế nào, biên tập chạy kịch bản ra sao, đạo diễn chỉ đạo thế nào.
Phục trang sẽ bận thế nào, thuê ở đâu. Thậm chí cách làm phục trang, em cũng biết luôn. Có lần đến sớm, em thấy các anh chị bộ phận phục trang làm một cái vương miệng.
Họ cầm súng bắn keo tạo hình một cái vương miệng, phơi khô, lột ra khỏi miếng sắt và phun sơn vậy là thành cái vương miệng.
Sau đó họ phun kim tuyến, gắn mấy hột xoàn nhìn y trang đồ thiệt và lên hình rất đẹp, không biết là đồ giả luôn".
Có những người cũng từng nhiều lần muốn bỏ nghề nhưng vì thương nghệ sĩ và nghĩ tới profile quá đẹp khi đi xin việc ở nới khác nên họ cố bám trụ.
Rất ít người có thể theo nghề này lâu dài, trừ khi họ là người thân ruột thịt của chính nghệ sĩ đó. Ngay cả người thân làm công việc này, đôi lúc cũng nảy sinh xích mích.
Trợ lý không những phải hiểu, phải thông cảm, thậm chí phải thương được cả những thói hư tật xấu của sao mà còn phải biết "kín như bưng" với báo chí.
Bởi lẽ, đã là người của công chúng thì ai cũng bị săm soi về đời tư, nếu trợ lý không "giữ mồm giữ miệng", thì nghệ sĩ có nguy cơ gặp rất nhiều rủi ro.
Đó cũng chính là lý do nghệ sĩ ngại tuyển người ngoài và cũng không muốn giữ họ lâu bên cạnh.