Từ sự ngạc nhiên của người nước ngoài...
Tôi đã bật cười khi một phóng viên người Anh đặt câu hỏi: Tại sao người Việt Nam lại ăn mừng một đội tuyển trẻ như là vừa đoạt chức vô địch World Cup như thế?
Câu trả lời thật đơn giản: Với một quốc gia có gần 100 triệu dân mà ĐTQG không đủ mạnh để vươn tới World Cup và quanh năm chỉ “cày” thành tích ở khu vực Đông Nam Á, với niềm vui lớn nhất là vượt qua Thái Lan, thì niềm hạnh phúc lớn lao chính là thấy những đội tuyển của họ chiến thắng ở những giải đấu cấp châu lục, dù là ở lứa nào.
Và lứa cầu thủ dưới 23 tuổi của chúng ta đã làm được điều ấy, bằng sự mạnh mẽ, quả cảm, ý chí quyết thắng, đã kết nối mọi người lại, vực dậy trong họ tình yêu bóng đá đã nguội lạnh vì rất nhiều thất bại, để rồi tạo ra một không khí theo kiểu World Cup trên đất nước Việt Nam.
U23 Việt Nam đã lập nên kỳ tích với ngôi á quân tại VCK U23 châu Á 2018
Nhà báo ấy đến từ một nền bóng đá phát triển và chuyên nghiệp hàng đầu thế giới, nơi mà đội tuyển U20 và sau đó, U17 của họ, đoạt chức vô địch thế giới ở hạng tuổi đó cũng không gây ra những làn sóng hâm mộ lớn lao đến thế.
Thắc mắc của anh là chuyện bình thường. Nhưng những nhà quan sát ở các nền bóng đá đang phát triển thì lại nhìn sự kiện này theo góc nhìn khác.
Một nhà báo thể thao Trung Quốc viết cho tôi rằng, chiến công của U23 Việt Nam tại giải này đã tạo ra những cuộc tranh cãi bất tận trên mạng xã hội của Trung Quốc, về việc bóng đá Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều cho các lứa trẻ, nhưng không làm được như Việt Nam.
Người ta tranh luận về việc, “rồi đây, cứ theo đà này, thì chỉ trong vài năm nữa, bóng đá Việt Nam sẽ vượt mặt Trung Quốc”, và rằng, “chúng ta có thể học được gì từ bóng đá trẻ Việt Nam”. Một phóng viên khác, người Ấn Độ, viết rằng thành công của lứa U23 Việt Nam chính là “niềm cảm hứng” lớn cho nền bóng đá đang manh nha phát triển của Ấn Độ.
... đến những nỗi lo về một môi trường không trong sạch
Sự bất ngờ và rồi thán phục của những người nước ngoài với hiện tượng ăn mừng của chúng ta trước sự kiện U23 cũng là điều dễ hiểu. Sự bất ngờ và thán phục của chính chúng ta với những gì mà U23 Việt Nam đã làm cũng dễ hiểu, nhưng theo một chiều rất khác.
Đấy là chúng ta khâm phục những chàng trai ấy, bởi họ thể hiện một diện mạo khác hẳn về mọi mặt với những đội tuyển trước kia chúng ta từng chứng kiến, và những chiến thắng trên loạt luân lưu 11 mét là những nét đẹp đẽ trên bức tranh hoành tráng được vẽ ra trong hai tuần qua.
Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, một quốc gia gần 100 triệu dân cũng không thể chỉ tự hào với chiến công phi thường-phi thường ở đây là so với kỳ vọng và trình độ chung của nền bóng đá nước nhà với bóng đá châu lục, do một đội tuyển trẻ gây ra.
Và cứ nuôi mãi, giữ mãi trong lòng sự tự hào ấy thì dễ dẫn đến ảo tưởng. Ảo tưởng ở việc, đây là giải ta đã vào tới tận chung kết, trong hoàn cảnh những nền bóng đá đối thủ ở Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia đều thất bại.
Không thể ảo tưởng và lạc quan tếu được, bởi bóng đá khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung vẫn đang lao về phía trước, trước chúng ta.
Thành công hiện tại sẽ mãi chỉ là hiện tượng nếu sau đây là những thất bại, những bước lùi và rồi sẽ lại đẩy người hâm mộ về trạng thái ban đầu, như thời điểm sau khi U22, với nhiều thành viên của đội U23 chiến thắng hôm nay, bại trận ở SEA Games Malaysia mấy tháng trước.
Cái đích lớn của bất cứ lứa trẻ nào cũng là ĐTQG, đội tuyển đại diện cho một quốc gia, và lứa U, mà U23 là cuối cùng trong tuyến trẻ, chỉ là cái gốc.
Liệu chúng ta đã có một ĐTQG đủ mạnh trên tầm Châu Á, như các em U23 đã đạt trình độ ấy, hay vẫn chỉ quẩn quanh trong “ao làng” khu vực? Và sân chơi lớn nhất để các cầu thủ ở lứa U đi lên trưởng thành không phải là các giải trẻ mà là giải VĐQG thì như thế nào?
V-League từ bao năm nay đã mang danh chuyên nghiệp, nhưng đã chuyên nghiệp thực sự chưa, đã lành mạnh, giàu tính cạnh tranh và thực sự là nơi để các cầu thủ trẻ thể hiện mình hay chưa? Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra từ lâu liên quan đến những chủ đề ấy.
Và nữa, môi trường bóng đá nói riêng và môi trường sống của chính chúng ta liệu có ảnh hưởng xấu và khiến các em thay đổi, vì thực ra tác động tiêu cực của tiền bạc, của lợi danh và những trò PR, những cuộc đánh bóng cá nhân liên quan đến em và vì những chiếc ghế này nọ là rất lớn?
Rồi cả những thị phi, những toan tính của người lớn nữa. Hóa ra, đáp án này ta đã biết. Người ta lo môi trường bóng đá trong nước có thể gây tổn hại với các em hơn là chính đối thủ của các em.
Những người bạn quốc tế đã khâm phục chúng ta. Chúng ta cũng ngả mũ trước những chiến công của các cầu thủ trẻ. Nhưng hãy coi đây chỉ là bước khởi đầu cho một hành trình rất dài, mà chính sách xã hội hóa bóng đá và đầu tư vào đào tạo trẻ trong những năm qua đã đơm hoa kết trái và khẳng định là hướng đi đúng.
Hành trình ấy còn tiếp tục ở phía trước, trong năm nay, khi các đội U16 và U19 tiếp tục thi đấu ở sân chơi châu lục, U23 đá ASIAD và vào cuối năm, ĐTQG mà nòng cốt chính là U23 sẽ đá ở AFF Cup 2018.
Và còn nữa, nhiều nữa, những chặng đường ở phía trước. Ngủ quên trên những chiến thắng, ở một giải trẻ, là điều không được phép xảy ra. Nếu không thì người hâm mộ sẽ lại phải khắc khoải chờ đợi nhiều năm nữa cho những thắng lợi mới.
Nhìn cái cách mà chúng ta ăn mừng cuồng nhiệt những ngày qua, bỗng nhiên trong tôi bùng lên một câu hỏi rất tự nhiên: Chúng ta ăn mừng vì chúng ta phải vui hết mình, vì biết rằng, không biết đến bao giờ mới lại hạnh phúc đến thế?