Sự phất lên của gia tộc giàu nhất Hà Nội
Gia tộc họ Vũ từng thuộc hàng giàu có nhất nhì ở khu phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20 với nghề buôn bán gạo. Cửa hàng của gia đình này tấp nập kẻ bán người mua, ăn nên làm ra bậc nhất ở khu trung tâm thương mại toàn quốc này.
Hậu duệ của dòng họ là ông Vũ Văn Quỳnh - con cháu đời thứ ba của gia tộc họ Vũ. Theo lời ông Quỳnh, ông nội của ông mất từ khi mới 22 tuổi, bỏ lại vợ cùng bốn người con, ba gái một trai. Cuộc sống khó khăn khi không có chồng cùng với gánh nặng 4 con trên vai, bà nội ông Quỳnh phải từng ngày cố gắng làm việc, chắt bóp tiết kiệm.
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, mình bà lăn lộn với công việc ban đầu từ gánh hàng xáo với đủ thứ, nào bánh gạo, ngô, sắn… Làm lụng không kể ngày đêm lại gặp thời nên bà nội của ông Quỳnh nhanh chóng có được tài sản lớn. Thừa thắng xông lên, bà càng mở rộng việc buôn bán nên tiền trong nhà cứ tăng lên theo cấp số nhân. Đến khi các con của bà trưởng thành cũng là lúc gia tộc họ Vũ nằm trong danh sách những gia tộc giàu có bậc nhất ở vùng đất Kinh kỳ.
Căn nhà trên phố Hồng Phúc chứng kiến một thời phù hoa của gia tộc họ Vũ.
Có kha khá tiền tích góp, người phụ nữ nhạy bén này quyết định mua đất, mua nhà ở Hà Nội. Đến năm 1930, bà đưa bốn con chuyển sang con phố Hồng Phúc sầm uất, có mặt tiền nằm gần chợ Đồng Xuân để thuận tiện cho việc làm ăn, buôn bán.
Tháo vát, tài giỏi, nắm chắc quy luật trong buôn bán, từ một người bán rong hàng xáo, bà nội của ông Quỳnh trở thành chủ một cửa hàng lớn nổi tiếng khu phố cổ. Sau này, bà tiếp tục mở rộng cơ ngơi bằng việc mua thêm đất, xây thêm nhà ở các khu Cự Đà, Yên Phụ và Hồng Phúc.
Không chỉ kinh doanh thành công, bà nuôi dạy con cũng rất khéo. Mọi sinh hoạt của con cái bà đều dành sự quan tâm đặc biệt nhất, cho con ăn học đến nơi đến chốn. Khi con cái đã trưởng thành, bà vẫn cả đời thủ tiết thờ chồng.
Góa phụ được vua Khải Định trao tặng sắc phong
Những đồ vật mà dù đã trải qua nhiều năm vẫn giữ được nét cổ kính, sang trọng hoài niệm về một thời vang bóng.
Câu chuyện người phụ nữ tần tảo đến tai nhà vua, bà được vua Khải Định trao tặng sắc phong gồm chiếu chỉ và biển hiệu chữ Hán "Tiết hạnh khả phong".
Trong căn nhà của dòng họ để lại, những món đồ thời xưa, bàn thờ dòng tộc ngay ngắn được đặt nơi trang trọng nhất nhà. Biển hiệu "Tiết hạnh khả phong" treo cao uy nghi, những câu đối cổ ngả màu rách góc, bộ bàn ghế tróc sơn… vẫn còn nguyên đó.
Quá khứ huy hoàng là vậy nhưng thực tại, cuộc sống của những người con trong dòng họ Vũ gặp phải không ít biến cố. Thế hệ thứ ba nhà họ Vũ có bảy người con, tuy nhiên năm người đã mất, cho đến hiện tại chỉ còn hai người còn sống là ông Vũ Văn Quỳnh và Vũ Văn Bích.