Gỡ tắc cho đăng kiểm: Bộ Giao thông Vận tải làm gì?

Ngọc Mai |

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tìm các giải pháp gỡ ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm. Trong khi đó, việc sửa đổi Thông tư 16 do đơn vị này soạn thảo vẫn trao quyền cho đăng kiểm nhiều, còn quyền lợi của người dân về giãn chu kỳ đăng kiểm với xe mới và xe cũ dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Xe quá hạn đăng kiểm 15 ngày được lưu thông?

Sau khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT phải giải quyết ngay vấn đề vướng mắc, ùn tắc trong đăng kiểm trong tháng 3, ngày 10/3, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ách tắc tại các trung tâm đăng kiểm ô tô.

Gỡ tắc cho đăng kiểm: Bộ Giao thông Vận tải làm gì? - Ảnh 1.

Bộ GTVT kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó ngành đăng kiểm. Ảnh: Trọng Tài

Trong khi chờ sửa Nghị định 139/2018, trước mắt, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định ô tô hiện nay.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị cho áp dụng mỗi đơn vị đăng kiểm phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra phương tiện. Cho phép học viên quy đổi từ kinh nghiệm thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô sang tính tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm.

Bộ GTVT cũng đề nghị cho phép người bị thu hồi chứng nhận đăng kiểm viên được đánh giá lại để cấp chứng nhận, gồm cả trường hợp đăng kiểm viên đã nghỉ hưu; đồng thời, không áp dụng giới hạn số lượng xe đăng kiểm viên thực hiện kiểm định trong ngày, nhằm tăng công suất, phát huy tối đa năng lực kiểm định của từng đơn vị đăng kiểm. Cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động được hoạt động lại nếu đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm dân sự; các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về điều kiện thiết bị, nhân lực đạt các điều kiện như trung tâm đăng kiểm được tham gia kiểm định phương tiện.

Trong báo cáo này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan công an đã tiến hành điều tra, phát hiện một số sai phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông; khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhiều bị can liên quan để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật.

Theo đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Sở GTVT các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm định ô tô của người dân, như: Bố trí kéo dài thời gian làm việc tại các trung tâm đăng kiểm, làm thêm cả ngày nghỉ; đăng ký trực tuyến lịch đăng kiểm; huy động nhân sự bổ sung cho các trung tâm đăng kiểm bị thiếu người, sử dụng đăng kiểm viên đã nghỉ hưu, đang tại ngoại; phối hợp với Bộ Công an rà soát, cho phép các trung tâm đăng kiểm đang dừng hoạt động được hoạt động trở lại… nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Dự thảo mới vẫn “cát cứ chính sách”

Để giải quyết bài toán gỡ khó cho đăng kiểm thời gian này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16/2021 quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó, bộ này xem xét sửa đổi bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu để sớm ban hành.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 16 ngoài việc miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, chu kỳ đăng kiểm vẫn giữ nguyên gây khó khăn cho người dân. Những quy định mới của thông tư này vẫn “cát cứ chính sách” bằng việc quy định cứng để ô tô quay lại đơn vị đăng kiểm nhiều lần.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc (Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nhiều nước trên thế giới miễn đăng kiểm lần đầu kéo dài 3-4 năm vì hãng xe duy trì việc bảo dưỡng, bảo hành tốt.

Theo ông Phúc, Việt Nam muốn kéo dài thời gian đăng kiểm lần đầu giống nước ngoài, cơ quan quản lý phải có quy định rõ ràng để khách hàng bảo dưỡng, bảo trì theo hãng.

“Theo các hãng, bảo hành quy định bằng thời gian và số km. Với dự thảo sửa đổi Thông tư 16, muốn kéo dài, miễn đăng kiểm lần đầu, cơ quan chức năng phải kiểm soát người tiêu dùng tuân thủ quy định của nhà sản xuất”, ông Phúc nói.

Còn ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông cho biết, ngoài việc miễn đăng kiểm lần đầu, Thông tư 16 sửa đổi vẫn giữ nguyên chu kỳ đăng kiểm là chưa hợp lý. Ông Thanh thông tin, thông tư này nên có quy định rõ hơn về từng trường hợp với chu kỳ đăng kiểm. Theo đó, chu kỳ đăng kiểm nên tính theo thời gian hoạt động của máy và số km khai thác. Ví dụ cùng một xe 5 chỗ nhưng xe dùng để chở khách (taxi) và xe chỉ dùng cho gia đình thì chất lượng khác nhau nên chu kỳ đăng kiểm không thể giống nhau.

Ông Thanh cũng cho rằng, thông tư không nói rõ với xe tải, xe khách miễn đăng kiểm cụ thể ra sao. Đối với 2 loại hình xe này, theo ông Thanh vẫn phải có hình thức đăng kiểm để đảm bảo an toàn.

“Đã làm luật thì nên cụ thể chứ không được chung chung. Với Thông tư 16 cần phải làm rõ, chứ chung chung quá rồi lại xảy ra vấn đề “nhũng nhiễu” như thời gian qua ở các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố”, ông Thanh nói.

Một chuyên gia giao thông (giấu tên) sau khi nghiên cứu bản dự thảo công khai của Bộ GTVT, cho biết, chu kỳ kiểm định vẫn thế, thậm chí để cả ngưỡng 3 tháng cho xe trên 15 năm; quy trình kiểm định vẫn còn rất nhiều công đoạn phụ thuộc đánh giá cảm tính của đăng kiểm viên; không có quy định rõ ràng cho việc kiểm định khi hoán cải...

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến nay, cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên tại hơn 68 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới. Cả nước có 55/281 đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động. Thực tế trên dẫn tới tình trạng ùn tắc, quá tải nghiêm trọng tại các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt là tại Hà Nội, TPHCM, Hòa Bình… ảnh hưởng đến khả năng phục vụ nhu cầu kiểm định ô tô. Hiện tại các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TPHCM chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu kiểm định ô tô của người dân, doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại