Gỗ, củi ken dày lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 là từ đâu trôi xuống?

Đình Thiệu |

Tình trạng gỗ, củi trôi về ken kín lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4 tại huyện Phước Sơn làm dư luận đặt câu hỏi, gỗ từ đâu trôi về? Liệu rừng tại đây bị tàn phá?

Sau bão số 9, mặt hồ Thủy điện Đắk Mi 4 ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị lượng lớn gỗ, củi, rác và nhiều vật dụng của người dân bị lũ cuốn trôi lấp kín. Những ngày qua, một số người dân bất chấp nguy hiểm đi dọc lòng hồ tìm kiếm, trục vớt gỗ, củi và đồ dùng sinh hoạt.

Chính quyền huyện Phước Sơn yêu cầu các ngành chức năng có phương án thu gom củi gỗ, đồng thời ngăn cấm người dân vớt củi gỗ, tránh thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4, cách chân cầu Nước Mỹ khoảng 300 mét đầy gỗ, củi cành nhánh trôi dạt nổi trên mặt hồ. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, số gỗ này do lũ cuốn trôi từ thượng nguồn trong đợt mưa bão số 9 (ngày 28/10).

Do số gỗ, củi và rác ngổn ngang đan xen vào nhau, rác bao phủ nhiều, không có phương tiện để kiểm đếm nên chưa thể thống kê số lượng, chủng loại cụ thể số gỗ tại khu vực này.

Tình trạng gỗ, củi trôi về ken kín lòng hồ thủy điện Đắc Mi 4 tại huyện Phước Sơn làm dư luận đặt câu hỏi, gỗ từ đâu trôi về? Liệu rừng tại đây bị tàn phá?

Cách đây 1 tháng, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam có báo cáo về kết quả kiểm tra hiện trường tại khoảnh 5, tiểu khu 720, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn phát hiện tại hiện trường 11 cây gỗ, khoảng 20m3 bị cưa hạ trái pháp luật.

Khu vực khai thác gỗ trái phép này được quy hoạch chức năng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn quản lý, được bảo vệ rừng theo hình thức tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ. UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm vụ khai thác gỗ trái phép xảy ra tại đây.

Ông Trần Văn Thu, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, đa số số gỗ, củi nằm trong lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 chưa được tận thu, nhiều gỗ thành phẩm của người dân chuẩn bị để làm nhà nhưng bị lũ cuốn trôi về đây: "Bây giờ, chưa thể kiếm đếm được bởi vì không thể xuống lòng hồ được. Cũng có sạt lở cây rừng tự nhiên trôi xuống, chủ yếu là gỗ nằm trong lòng hồ thủy điện trước đây không tận thu được".

"Nhà nước đấu giá, đưa ra giá cao quá nên không đấu giá được để cả năm trời. Ngoài ra, gỗ của nhà dân, toàn bộ dân Phước Thành, Phước Lộc trôi hết về đây, vì họ đang gom lại để làm nhà, chưa làm được thì bị trôi, có nhà trôi hết 60-70%."

Gỗ, củi ken dày lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4 là từ đâu trôi xuống? - Ảnh 2.

Gỗ, củi ken kín lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4.


Những ngày qua, một số người dân địa phương bất chấp nguy hiểm dùng thuyền nhỏ vớt gỗ, củi và vật dụng trên lòng hồ thủy điện Đăk Mi 4 gây mất trật tự ở địa phương. UBND huyện Phước Sơn đã có văn bản đề nghị Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi có phương án thu gom, tập kết số gỗ, rác, củi và vật dụng trong lòng hồ, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn hồ đập.

Công ty phải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn và ngành chức năng địa phương kiểm tra, giám sát tận thu số gỗ còn khả năng sử dụng được.

Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phước Sơn phối hợp với Công an, Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm: "Huyện đã chỉ đạo giao cho Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi 4 có phương án thu gom, phối hợp với Ban Quản lý rừng Hạt kiểm lâm".

"Không cho nhân dân xuống vớt sợ mất an toàn. Phải làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, xác định gỗ nào là gỗ bị ngã đổ từ trên rừng trôi xuống, vì đủ thứ gỗ trong đó. Có hơn 100 nhà của dân trôi xuống thì chắc chắn có gỗ của bà con. Tài sản của dân thì phải thu gom lại để bà con nhận lại"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại