Giútlen: Trận đánh trên biển có quy mô bậc nhất Thế Chiến I

Nhật Minh |

Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914-1918), nói đến các trận đánh lớn, không thể không kể đến các trận thủy chiến giữa phe Liên minh và Hiệp ước trên biển.

Âm mưu của Đức và sự chuẩn bị của Anh

Đầu năm 1916, thủy quân của Đức nuôi tham vọng bá chủ mặt biển Bắc Hải nhằm mục đích chống sự tiến công của quân Anh, kiểm soát hành lang từ biển Bắc đến biển Bantích, chặn sự giao thương giữa Anh, Pháp, với các nước Bắc Âu và Nga.

Để thực hiện được chiến lược này, phía Đức sử dụng một số tuần dương hạm bắn phá các căn cứ hải quân của Anh dọc bờ biển phía Đông nước Anh. 5/1916, quân Đức tiếp tục đưa các tuần dương hạm tiến vào eo biển Giútlen nhằm triệt đường đi lại của tàu buôn Anh.

Giútlen: Trận đánh trên biển có quy mô bậc nhất Thế Chiến I - Ảnh 1.

Tàu ngầm của Đức trong thế chiến thứ Nhất. Nguồn: Internet

Trước tình hình đó, Bộ Hải quân Anh đã đưa hai hạm đội lén di chuyển từ miền Bắc và miền Nam vào chi viện cho Giútlen.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến này, hai bên đã dàn trận ở hành lang Skagierac (thuộc Giútlen) với những trang thiết bị hiện đại bậc nhất bấy giờ.

Quân Anh có 28 thiết giáp hạm, 39 tuần dương hạm, 81 khu trục hạm, 1 tàu phóng lôi và 1 tàu sân bay.

Quân Đức có 22 thiết giáp hạm, 16 tuần dương hạm, 73 khu trục hạm, 16 tàu ngầm và 10 máy bay yểm trợ

Đại thủy chiến

Giútlen: Trận đánh trên biển có quy mô bậc nhất Thế Chiến I - Ảnh 2.

Chiến hạm trong thế chiến thứ Nhất. Nguồn: Internet

Chiều ngày 31/5/1916, sau một thời gian chuẩn bị về mọi mặt, quân Anh và Đức tổ chức dàn quân giao chiến. Cả Anh và Pháp đều dàn quân theo thế trận cổ điển: Tuần dương hạm hạng nhẹ và tàu phóng lôi tiến về phía trước, còn hai bên là tàu thiết giáp hạm.

Quân Anh chia làm 2 cánh, phó đô đốc của quân Anh ở trên kỳ hạm điều khiển tác chiến. Ở phía Tây Bắc, cách chừng 5 hải lý, đoàn thiết giáp hạm khác của Anh cũng đang chuẩn bị sẵn sàng nghênh chiến thủy quân Đức.

Đúng 15h38 phút, hai bên tiến gần nhau hơn, khi còn cách nhau 7 hải lý, chỉ huy quân Anh đã hạ lệnh cho chiến hạm Lion nổ súng, cuộc chiến ác liệt bắt đầu. Ở những phút đầu, nhờ vào tính chủ động và hỏa lực mạnh, quân Anh giành thắng lợi và chiếm ưu thế.

Sau khi quân Đức kịp chỉnh đốn hàng ngũ và tiến hành phản công ngược trở lại đã nhanh chóng giành lại được ưu thế áp đảo. Chiếc kỳ hạm Lútdô của Đức bất ngờ bắt liền 3 quả đại bác vào thẳng kỳ hạm chỉ huy Lion của Anh gây ra thiệt hại nặng nề.

16h cùng ngày, đại bác của Đức tiếp tục bắn trúng tuần dương hạm Infatigable của Anh, hàng nghìn thủy binh nhanh chóng bị chết, chỉ có 5 tù binh được người Đức vớt lên.

Chỉ 5 phút sau đó, tuần dương hạm thứ hai của Anh là Queen Mary lại bị trúng đạn, 1200 thủy thủ chìm theo.

Giútlen: Trận đánh trên biển có quy mô bậc nhất Thế Chiến I - Ảnh 3.

Một tàu chiến bị chìm trong chiến tranh thế giới thứ Nhất. Nguồn: Internet

Cánh quân của Anh lúc này do Bêatti chỉ huy chỉ còn 4 tuần dương hạm chống đỡ với 5 tàu của quân Đức. Trước tình thế nguy kịch và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt, phó đô đốc Tomat đã kịp tới giải nguy cho cánh quân này.

Tương quan lực lượng thay đổi, cánh quân Đức nhanh chóng rút quân về phía Bắc nhập vào đoàn đại quân ở đó. Quân Anh cũng rút về tìm cách tiếp tục tấn công.

17h30 phút, sau khi tổ chức lại lực lượng, hai bên đã quyết định tấn công trực diện vào nhau, quyết một mất một còn. Đại quân hai bên bắt đầu sử dụng pháo kích nã như mưa vào nhau. Sau 10 giờ chiến đấu liên tục, cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề.

Quân Anh mất 3 tuần dương hạm, 3 thiết giáp hạm, 8 khu trục, chết trên 5000 lính và 300 sĩ quan. Phía Đức bị đắm 1 tuần dương hạm, 1 thiết giáp hạm, số binh sĩ tử trận không quá 500 người.

Cục diện chiến trường sau trận Giútlen

Trận chiến kết thúc sau gần một ngày với ưu thế nghiêng hẳn về quân Đức. Cục diện chiến trường có sự thay đổi lớn so với trước cuộc chiến. Nhờ sức mạnh hơn về hỏa lực, tham chiến có tàu ngầm, trong khi quân Anh không có.

Do thời tiết xấu, quân Đức không thể huy động được số máy bay tham chiến, luôn trực sẵn trên các tàu sân bay, nếu không, hậu quả thật khó lường. Đức về cơ bản đã đạt được mục đích ban đầu đề ra và khẳng định được vị trí "cường quốc trên mặt biển" với Anh và thế giới lúc bấy giờ.

Tài liệu tham khảo chính

-102 sự kiện nổi tiếng thế giới (1996), Nxb Văn hóa-Thông tin, HN.

-Đặng Đức An (chủ biên) (2001), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, Tập 2, Nxb Giáo dục, HN.

-Lê Vinh Quốc (chủ biên) (1996), Các nhân vật lịch sử cận đại, tập 1, Nxb Giáo dục, HN.

-Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng (2006), Lịch sử thế giới cận đại, Nxb Giáo dục, HN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại