Nguyễn Thị Hoa (SN 1996, quê Đông Anh, Hà Nội) tuy mới vào nghề hướng dẫn viên du lịch được 1 năm nhưng cô từng được chứng kiến nhiều sự cố va chạm “nảy lửa” giữa các hướng dẫn viên và lái xe du lịch.
Cô tâm sự: “Vào mùa cao điểm, lượng khách du lịch đông, các công ty du lịch luôn rơi vào tình trạng quá tải.
Cùng với đó, lái xe và hướng dẫn viên luôn phải chịu sức ép rất lớn từ phía công ty và hành khách. Vì vậy, giữa lái xe và hướng dẫn viên dễ xảy ra va chạm”.
Theo Hoa kể, từng có trường hợp hướng dẫn viên gọi điện giục lái xe đến đón khách, hai người lời qua tiếng lại, anh tài xế bất ngờ quay ra tát cô hướng dẫn viên "cháy" mặt.
Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: "Các lái xe và hướng dẫn viên luôn phải chịu sức ép rất lớn từ phía công ty và khách hàng". Ảnh: nhân vật cung cấp. |
Hoa cho biết, cách đây 5 tháng, bạn của cô nhận hướng dẫn cho 1 đoàn khách đi Nha Trang. Đoàn du lịch có khoảng 40 người, do đi bằng máy bay nên công ty lữ hành bố trí xe ô tô đón khách ra sân bay trước giờ bay 2 tiếng.
Khi đoàn khách đã tập trung đông đủ nhưng vẫn chưa thấy xe ô tô đâu. Trước sự la ó của khách hàng, cô hướng dẫn viên lo lắng gọi điện cho lái xe.
Lái xe thông báo đang ở sân bay về, vì sáng cũng mới chở 1 đoàn khách ra đó. Cô hướng dẫn viên liền trấn an khách hàng.
Ảnh: Shuterstock. |
Tuy nhiên, 20 phút trôi qua nhưng xe ô tô gặp đoạn tắc, vẫn chưa về tới nơi. Cô hướng dẫn viên sốt ruột gọi điện cho lái xe giục giã.
Khuôn mặt cô gái từ mềm mỏng, lời lẽ nhẹ nhàng bắt đầu chuyển sang cáu có, gay gắt. Lúc xe ô tô về tới, mặc dù đoàn khách đã yên vị trên ô tô nhưng anh lái xe và cô hướng dẫn viên vẫn cự cãi ở dưới.
Anh tài xế bất ngờ vung tay tát cô hướng dẫn viên "cháy má". Mấy người đi đường thấy vậy chạy can ngăn nên không xảy ra chuyện nghiêm trọng.
Một vụ việc khác, xảy ra với nam đồng nghiệp của Hoa trong chuyến dẫn đoàn đi lễ hội ở Ninh Bình. Đoàn khách tổng cộng có 40 người. Sau khi xe đến Ninh Bình. Anh lái xe cho khách xuống địa điểm ăn trưa rồi sang khu vực khác ăn với mấy lái xe của đoàn khác.
Ăn bữa trưa xong, hướng dẫn viên thông báo cho khách chuẩn bị lên xe ô tô di chuyển đến địa điểm thăm quan.
Tuy nhiên, anh tài xế kia vẫn chưa thấy về. Anh hướng dẫn viên sợ muộn giờ, không khớp với lịch trình, sẽ bị công ty phạt liền đi tìm anh lái xe.
Đến khu nhà hàng bên cạnh, nam hướng dẫn viên thấy lái xe vẫn đang ngồi ăn, hướng dẫn viên trong lòng dù bực bội vẫn nhẹ nhàng nhắc tài xế về kế hoạch, giờ giấc.
Do tính nóng nảy, lái xe cho rằng anh hướng dẫn viên thái độ hỗn láo, dạy đời mình liền quay ra nổi nóng, chửi bới hướng dẫn viên. “Đã vậy, tài xế này còn cố tình ngồi ăn tiếp, trêu tức anh bạn tôi.
Biết lái xe cục tính, nếu lời qua tiếng lại rất dễ xảy ra đánh nhau, lại mang tiếng cho công ty. Anh hướng dẫn viên lúc này đành dùng biện pháp gọi về công ty hỗ trợ. Công ty gọi điện cho lái xe, lái xe mới đứng dậy ra ô tô dù trong lòng còn nhiều hậm hực” - Hoa chia sẻ.
Vẫn theo lời của Hoa, lái xe này mới chuyển từ lái xe tải sang lái xe du lịch nên chưa thích nghi với cách làm việc mới.
Sau vụ việc đó, công ty vẫn trả đủ lương cho lái xe nhưng cắt luôn hợp đồng vì sợ với tính khí như vậy, lái xe sẽ làm ảnh hưởng uy tín của công ty.
Về phần lái xe, bị cắt hợp đồng, anh ta đổ hết trách nhiệm lên hướng dẫn viên. Cho rằng bị hướng dẫn viên chơi khăm, anh ta cho người dọa nạt đồng nghiệp của Hoa mấy tháng. Đến lúc hướng dẫn viên trình báo vụ việc với công an anh ta mới thôi.
Hoa tâm sự: “Muốn tồn tại với nghề hướng dẫn viên, bắt buộc phải thích nghi với sự “điên cuồng” trong công việc.
Tức là quay cuồng liên tục với hàng trăm thứ việc, từ chuyện ăn uống, ngủ nghỉ đến giải quyết những phát sinh ngoài ý muốn. Chưa kể đến việc phải quan tâm vấn đề tâm lý của khách hàng.
Các hướng dẫn viên chúng tôi phải hi sinh mọi khoảng thời gian cá nhân, hầu như không có thời gian gọi điện, thăm hỏi gia đình và mối quan hệ riêng khi đi hướng dẫn đoàn”.