Khởi công cuối tháng 7/2014, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và nỗ lực của nhà đầu tư, chỉ sau hơn một năm, giai đoạn 1 của dự án với mục tiêu cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 25m (TMĐT: 1.973 tỷ đồng) đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 9/2015, rút ngắn 6 tháng tiến độ so với hợp đồng.
Công trình được đưa vào khai thác với tiêu chuẩn đường cao tốc đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo ATGT, rút ngắn thời gian đi lại trên tuyến đường Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, giải tỏa áp lực cho tuyến QL1 cũ đã quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc, TNGT.
Dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km, điểm đầu Km 182+300 tại nút giao Pháp Vân, điểm cuối tại Km 211+256 (Km 211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư ban đầu 6.731 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 1.973 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 4.757 tỷ đồng. |
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, ngay sau khi hoàn thành giai đoạn I, từ tháng 11/2015, nhà đầu tư đã triển khai thi công giai đoạn II để xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, tốc độ thiết kế đạt 100km/h với tổng mức đầu tư khoảng 4.757 tỷ đồng.
“Theo hợp đồng BOT đã ký với Bộ GTVT, dự án sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2017. Để đạt mục tiêu này, trước đây TP Hà Nội đã cam kết sẽ hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng trước ngày 21/9/2016.
Thực tế đến nay, dự án còn hơn 8,6km vẫn chưa được chính quyền địa phương của TP Hà Nội bàn giao cho các đơn vị thi công”, ông Khôi nói và cho biết, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tiến độ hoàn thành dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu.
Thông tin cụ thể về tình hình GPMB dự án, ông Vũ Đức Nhận, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, ngoài phần diện tích đất công và đất các khu công nghiệp đã được bàn giao, dự án còn khoảng 8,73km mặt bằng vướng mắc chủ yếu là đất nông nghiệp tập trung trên địa bàn ba huyện nơi dự án đi qua gồm: Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên.
“Nguyên nhân chủ yếu do hồ sơ nguồn gốc đất không rõ ràng, thất lạc, không thống nhất giữa hồ sơ lưu tại địa phương và thực tế… cần nhiều thời gian để điều tra, khôi phục làm rõ.
Bên cạnh đó, việc người dân chưa đồng thuận với chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, chuyển nhượng theo quy định của TP Hà Nội cũng khiến công tác bàn giao GPMB của dự án gặp khó khăn”, ông Nhận nói và cho biết, hiện nay, huyện Thanh Trì còn 6.978m2 (dài 1,4km), huyện Thường Tín còn 12.158m2 (dài 6,92km) và huyện Phú Xuyên còn 1.893m2 (dài 0,39km) đất chưa bàn giao cho các nhà thầu thi công.
“Theo kế hoạch đề ra, đến cuối tháng 3/2018, các địa phương trên toàn tuyến sẽ hoàn thành công tác GPMB, chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị thi công làm ngày, làm đêm để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành toàn bộ giai đoạn II của dự án vào tháng 6/2018”, ông Khôi nhấn mạnh và cho biết thêm, mục tiêu hoàn thành dự án đang phụ thuộc và trông chờ rất lớn vào sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội đối với chính quyền địa phương trong công tác đền bù, GPMB.
“Chúng tôi cũng mong muốn Bộ GTVT sớm làm việc với TP Hà Nội để thống nhất báo cáo Chính phủ về việc đầu tư hoàn thiện nút giao Pháp Vân nhằm tháo gỡ, giải tỏa ách tắc giao thông ngày càng căng thẳng tại khu vực nút giao quan trọng này”, ông Khôi nói.