Khi những thông tin sai lệch, tin giả về dịch Corona được chặn đứng
Ngày 4/2, trên mạng xã hội lan truyền thông tin (là tin giả) du thuyền Ý World Dream chở tới 4.000 hành khách, trong đó có 3 hành khách người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona cập bến Hạ Long, trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 24/1. Thông tin (giả) này còn kể là thuyền trưởng người Trung Quốc trên siêu du thuyền World Dream đi từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Việt Nam và có ghé qua các địa điểm: Đà Nẵng, vịnh Hạ Long, Nha Trang trong khoảng thời gian nêu trên...
Tuy nhiên, ngay sau đó Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời phát hành công văn cho biết thông tin trên là không đúng sự thật và cảnh báo đường link liên kết giả tin tức này có thể phát tán mã độc.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh là ông Phạm Ngọc Thủy đã khẳng định rằng trong khoảng thời gian từ ngày 19 đến 24/1, con tàu này không có bất cứ chương trình nào đến Hạ Long.
Thông tin du thuyền chở người Trung Quốc nhiễm virus Corona ghé Việt Nam là không đúng chính xác. Ảnh: Lotus
Có thể thấy, mạng xã hội đã chứng tỏ sức mạnh lan truyền vô cùng khủng khiếp qua dịch Corona lần này. Mặt tích cực của nó là những thông điệp tích cực, hành động quyết liệt, biện pháp chuẩn mực của cơ quan quản lý để ứng phó dịch bệnh đến được từng người dân một cách nhanh chóng. Nhưng mặt trái là môi trường này cũng bị một số người, kẻ gian lợi dụng hoặc vô tình tung ra, lan truyền "tin giả".
Nơi thông báo tập trung, kịp thời để chặn đứng tin giả
Vậy giữa mùa dịch Corona này, bạn có thể đọc ở đâu để biết kịp thời, tập trung nhất tin nào là tin giả, để tạo "lá chắn" phòng vệ cho nhận thức và tâm lý của mình, từ đó giúp người gần mình biết bản chất sự việc? Thư mục "Đính chính tin sai sự thật" nằm trong trang "Lá chắn Virus Corna" trên mạng xã hội Lotus có thể làm được điều này.
Tại đây tập hợp những thông tin chính thức từ cơ quan nhà nước, những người có thẩm quyền hay cơ quan điều tra xác nhận đâu là tin giả.
Chẳng hạn như vụ việc khác, có tên "Tờ phiếu dương tính với virus Corona ở Lâm Đồng". Cũng trong ngày 4/2, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh tờ kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV-2019 do Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thực hiện (đây là tin giả).
Ông Lê Văn Tiến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định thông tin này hoàn toàn là giả mạo, và Lâm Đồng chưa có ca nhiễm nào đến lúc này.
Do đó, thông tin về tờ phiếu kết quả lan truyền trên mạng đã được bệnh viện này chuyển tới Phòng bảo vệ chính trị nội bộ (PA03), Công an tỉnh Lâm Đồng để xác minh". Kết quả cho thấy là tờ phiếu đã bị làm giả bởi một nam sinh tại Đà Lạt bằng kỹ thuật cắt ghép trên máy tính.
Tờ phiếu kết quả dương tính với virus Corona. Ảnh: Lotus
Một vụ việc khác: Ngày 31/1, nữ bác sĩ T.T.T.T. (làm việc tại một thẩm mỹ viện) đã đăng nội dung: "Cần Thơ đã có bệnh nhân Corona mọi người tăng cường bảo vệ sức khỏe nhé. Ăn uống bổ sung vitamin và khoáng chất nhé" (đây là tin sai sự thật!)
Thế nhưng một lần nữa, cơ quan chức năng đã điều tra xác minh đây hoàn toàn là tin giả. Thực tế, đến thời điểm này thì tại Cần Thơ hoàn toàn chưa phát hiện bất cứ trường hợp bị nhiễm virus Corona nào và nữ bác sĩ đã được Công an thành phố Cần Thơ làm việc và lập biên bản vi phạm để xử lý ngày 4/2 theo quy định của pháp luật.
Nữ bác sĩ được mời lên làm việc tại Công an thành phố Cần Thơ. Ảnh: Lotus
Cũng xuất phát từ trang mạng xã hội Facebook, một bài đăng khác Facebook cá nhân có tên H.T ở Hòa Bình cũng được những người có thẩm quyền xác minh là sai sự thật:
Nội dung bài đăng là sai sự thật. Ảnh: Lotus
Bác sĩ - tiến sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã phủ nhận thông tin trên, theo đó bệnh viện không tiếp nhận bất cứ ca bệnh nhiễm virus Corona nào.