Giữa lúc Việt Nam thăng hoa, bóng đá Trung Quốc phải "đại cải cách" vì khủng hoảng

A Kha |

Hiệp hội bóng đá Trung Quốc (CFA) mới đây đã đưa ra một quyết định gây xôn xao dư luận nhằm chấn chỉnh lại nền bóng đá nước này.

Theo đó, trong thông báo được ban hành vào chiều 20/11, CFA yêu cầu tạm thời "đóng băng" ngay lập tức thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội đối với các CLB của 3 hạng đấu cao nhất là Chinese Super League, China League One và China League Two.

Quyết định này nhằm chuẩn hóa hơn nữa công việc tài chính của các câu lạc bộ chuyên nghiệp. Các đội bóng tạm thời chỉ bị đình chỉ việc ký hợp đồng mới với cầu thủ đang thuộc biên chế CLB khác hoặc cầu thủ tự do, còn lại những bản hợp đồng đã được thỏa thuận xong từ trước đó và việc gia hạn hợp đồng với cầu thủ vẫn có thể tiến hành.

Giữa lúc Việt Nam thăng hoa, bóng đá Trung Quốc phải đại cải cách vì khủng hoảng - Ảnh 1.

CFA quyết định hành động khi người hâm mộ bóng đá Trung Quốc đang chìm trong thất vọng vì thành tích bết bát của nhiều cấp độ đội tuyển.

Để giải thích thêm về thông báo của mình, CFA sau đó đưa ra chú thích bổ sung về việc đang xây dựng "Kế hoạch tổng thể cải cách và phát triển bóng đá Trung Quốc" dự kiến sẽ ban hành vào tháng 12 tới, trong đó nổi bật nhất là việc đưa ra giới hạn mức lương tối đa dành cho cầu thủ nội.

Theo truyền thông Trung Quốc, mức lương trần tính theo năm dự kiến được áp dụng ở mỗi hạng đấu sẽ lần lượt là: 10 triệu Nhân dân tệ cho Chinese Super League (hơn 1,4 triệu USD), 5 triệu Nhân dân tệ cho China League One (hơn 700 nghìn USD) và 3 triệu Nhân dân tệ cho China League Two (hơn 420 nghìn USD).

Đây là mức lương trước thuế và đối với những tuyển thủ quốc gia Trung Quốc tham dự Asian Cup 2019 cũng như vòng loại World Cup 2022, con số này sẽ được cao hơn quy định 20%.

Tất nhiên với những cầu thủ vẫn còn thời hạn hợp đồng trước khi quy định này được áp dụng, họ vẫn sẽ được hưởng đúng với mức lương đã ký.

Giữa lúc Việt Nam thăng hoa, bóng đá Trung Quốc phải đại cải cách vì khủng hoảng - Ảnh 2.

Thất bại vừa qua trước Syria khiến bóng đá Trung Quốc chìm sâu trong khủng hoảng.

Nhìn chung, truyền thông Trung Quốc đánh giá đây là quyết định đúng đắn và có thể sẽ giúp CFA nhận được nhiều sự ủng hộ từ dư luận.

Trong một bài phân tích, Sina Sport cho rằng những thất bại liên tiếp trong thời gian qua của bóng đá Trung Quốc đã khiến CFA quyết định mạnh tay. Tờ báo này lấy ví dụ về việc cầu thủ Osama Omari, người ghi 1 bàn trong chiến thắng mới đây của Syria trước Trung Quốc chỉ có mức lương khoảng 19.200 nhân dân tệ/năm; cũng như các cầu thủ nội ở giải VĐQG Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chỉ nhận lượng khoảng trên dưới 1 triệu nhân dân tệ mỗi năm.

Đây đều là những con số biết nói về việc bóng đá Trung Quốc đang bị sa vào cuộc chiến đầu tư tiền bạc, vượt quá định giá thực về năng lực của mình.

Giữa lúc Việt Nam thăng hoa, bóng đá Trung Quốc phải đại cải cách vì khủng hoảng - Ảnh 3.

Quy định giới hạn mức lương sẽ khiến các cầu thủ nước ngoài phải suy nghĩ lại về việc nhập tịch Trung Quốc.

Ngoài ra, việc giới hạn tiền lương cũng được xem là cách để siết lại việc nhập tịch cầu thủ nước ngoài.

Một ví dụ về trường hợp của Axon, cầu thủ đang nhận mức lương hơn 50 triệu nhân dân tệ mỗi năm tại Guangzhou Evergrande. Do mới gia hạn hợp đồng vào mùa hè 2019, cầu thủ này tạm thời không bị ảnh hưởng bởi quy định tiền lương.

Tuy nhiên đối với những cầu thủ nước ngoài khác có kế hoạch nhập tịch Trung Quốc trong thời gian tới, họ sẽ phải cân nhắc rất kỹ. Bởi khi đó, với tư cách một công dân Trung Quốc, các cầu thủ này sẽ phải chấp nhận quy định về mức trần tiền lương và chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của chính họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại