Giữa chiến tranh thương mại, nông dân Mỹ vẫn kiếm bộn tiền từ thị trường Trung Quốc

Trọng Đại |

Khoảng thời gian hiện tại dường như không lý tưởng để nông dân Mỹ tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc. Thế nhưng, dịch tả lợn châu Phi đã khiến mọị quy luật “đảo lộn”.

Dịch tả lợn châu Phi đã để lại hậu quả hết sức nặng nề lên ngành công nghiệp chế biến thịt lợn tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, thậm chí, còn át đi cả những mối lo liên quan đến chiến tranh thương mại và cuộc chiến thuế quan.

Các chuyên gia ước tính dịch bệnh đã khiến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm 1/3 (tương đương 18 triệu tấn) trong năm 2019. Con số này gấp đôi tổng số thịt lợn xuất khẩu trên quy mô toàn cầu hàng năm và có thể phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trên toàn nước Mỹ trong 2 năm.

Chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã buộc các nhà xuất khẩu thịt lợn của Mỹ phải “lùng sục tìm kiếm” các thị trường mới. Nhưng chính những diễn biến nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc đã tạo ra cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu thịt lợn của Mỹ, nhất là khoảng thời gian nửa cuối năm nay và năm sau.

Giữa chiến tranh thương mại, nông dân Mỹ vẫn kiếm bộn tiền từ thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

Nông dân Mỹ có cơ hội kinh doanh tại thị trường Trung Quốc "nhờ" dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, cái khó của người nông dân Mỹ là nếu họ muốn tận dụng thời cơ nguồn cung thịt lợn giảm sút nghiêm trọng tại Trung Quốc, họ sẽ buộc không được sử dụng chất kích thích tăng trưởng ractopamine trong quá trình chăn nuôi. Nguyên nhân là chất này được sử dụng rộng rãi tại Mỹ nhưng lại hoàn toàn bị cấm ở Trung Quốc.

Trong một vài năm trở lại đây, Liên minh Châu Âu nổi lên là thị trường cung cấp đến 2/3 tổng số lượng thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc, trong đó Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch là các quốc gia cung cấp chính, theo số liệu từ hải quan Trung Quốc.

Nhu cầu là rất lớn, tuy nhiên, chỉ riêng EU không đủ để đáp ứng được nhu cầu đó. Các nhà sản xuất thịt lợn không sử dụng ractopamine tại Mỹ có thể sẽ được hưởng lợi khi cung cấp thịt lợn cho thị trường Trung Quốc hoặc bù đắp nguồn cung cho các thị trường khác chuyên xuất khẩu thịt lơn tới quốc gia này.

Mike Paustian, một nông dân nuôi lợn tại bang Iowa, tỏ ra khá hào hứng với cơ hội “có một không hai” này. Ông sẽ không sử dụng chất ractopamine trong quá trình chăn nuôi, cho dù chất này có thể khiến lợn của ông lớn nhanh hơn và nhiều nạc hơn.

Paustian cho biết đơn vị thu mua thịt của ông- Tyson Foods Inc, công ty chế biến thịt lợn lớn nhất của Mỹ, đang cân nhắc trả thêm một khoản tiền cho sản phẩm thịt lợn không chứa ractopamine. Loại chất kích thích này cũng bị cấm sử dụng tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Thông qua chính sách này, công ty hy vọng có thể khuyến khích người nông dân từ bỏ việc sửa dụng hợp chất.

“Nghe cũng hấp dẫn đấy chứ”, Paustian chia sẻ với các phóng viên trong trang trại mang tên Walcott của ông. Trang trại hàng năm xuất đến 28.000 đầu lợn.

Liên quan đến yếu tố cạnh tranh, Tyson đã từ chối đưa ra bình luận về việc công ty sẽ trả thêm tiền cho các nông dân chăn nuôi lợn nếu họ không sử dụng các chất phụ gia hoặc tung ra các gói trợ cấp. Công ty đang tính đến đa dạng hóa các nguồn cung thịt lợn, trong đó bao gồm các sản phẩm thịt lợn không sử dụng ractopamine nếu như nhu cầu thị trường tăng lên.

'Phao cứu sinh'

Công ty đối thủ của Tyson- Smithfield Foods, thuộc sở hữu của tập đoàn WH Group đến từ Trung Quốc, cũng nuôi lợn trong các trang trại thuộc sở hữu công ty hoặc hợp tác với đơn vị này, trong đó tuyệt đối không sử dụng chất kích thích.

Các chuyên viên thương mại cũng như chuyên gia phân tích cho biết Smithfield đang lên kế hoạch cân đối hoạt động sản xuất tại nhà máy ở Mỹ để tập trung cung ứng thịt cho thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm đến 50% thị phần thịt lợn toàn thế giới trước khi dịch tả lợn châu Phi càn quét qua nơi đây, gây thiệt hại không hề nhỏ.

Diana Souder, người phát ngôn của Smithfield từ chối bình luận về những kế hoạch thay đổi nhưng bà cho biết công ty đang nâng cấp nhà máy tại Smithfield, bang Virginia, "trong kế hoạch cải tiến hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường”.

“Không chỉ riêng Smithfield, tất cả công ty chế biến thịt lợn tại Mỹ đều sẽ xuất khẩu nhiều hơn các sản phẩm sang Trung Quốc. Nhu cầu của thị trường này được dự đoán là rất lớn và ổn định cho đến năm 2020”, theo Ken Sullivan, CEO của Smithfield.

Giữa chiến tranh thương mại, nông dân Mỹ vẫn kiếm bộn tiền từ thị trường Trung Quốc - Ảnh 2.

Các trang trại lợn tại Mỹ đã được hưởng lợi trực tiếp từ dịch tả lợn châu Phi vì giá thịt lợn đã tăng lên đáng kể.Ảnh minh hoạ: Reuters.

Cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã ảnh hưởng nặng nề lên kim ngạch xuất khẩu thịt lợn từ Mỹ sang Trung Quốc trong năm ngoái khi thị phần của thịt lợn Mỹ đã giảm từ 14% xuống còn 7% tính đến đầu năm nay, theo dữ liệu công bố bởi hải quan Trung Quốc.

Dịch tả lợn châu Phi đã càn quét tại quốc gia này trong suốt nửa sau của năm 2018 lại khiến nhu cầu các sản phẩm thịt lợn của Mỹ tăng lên cho dù mức thuế đánh vào loại sản phẩm này là 62% trong năm ngoái, khi Trung Quốc trả đũa Mỹ áp lên các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu thịt Mỹ, sản lượng xuất khẩu thịt đến thị trường Trung Quốc và Hong Kong đã tăng 33% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 45.442 tấn. Tuy nhiên lượng thịt xuất khẩu sang các thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2019 vẫn thấp hơn 7% so với cùng kỳ.

David Williams, trưởng bộ phận cung ứng chiến lược và quản lý rủi ro hàng hóa tại công ty CTI Foods cho biết các trang trại lợn tại Mỹ đã được hưởng lợi trực tiếp từ dịch tả lợn châu Phi vì giá thịt lợn đã tăng lên đáng kể.

Việc tăng giá là điều rất cần thiết tại thời điểm này khi mà nhiều nông dân Mỹ đã tiến hành tăng đàn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của hàng loạt các nhà máy chế biến thịt mới được xây dựng tại quốc gia này, trong bối cảnh xung đột lợi ích giữa Mỹ và Mexico cũng như Trung Quốc đang có những ảnh hưởng tiêu cực lên thương mại hàng hóa giữa các bên.

“Họ như vớ được phao cứu sinh vậy”, William cho biết. Ông cũng bổ sung rằng nhu cầu thịt lợn đang tăng cao ở Trung Quốc cũng có thể là một “món quà” bất ngờ cho người nông dân Mỹ.

“Họ bắt buộc sẽ phải nhập khẩu thêm thịt lợn. Mỹ sẽ là một bên được hưởng lợi. Brazil và châu Âu cũng vậy”, William chia sẻ.

Ông cho biết sản lượng thịt lợn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể tăng gấp 3 lần tính đến cuối năm 2019 nếu như hai cường quốc này có thể đạt được một thỏa thuận thương mại cuối cùng.

Nhà kho trống

Nhu cầu các sản phẩm thịt của Trung Quốc được dự báo duy trì ở mức cao trong năm tới khi số lượng heo nái tại quốc gia này sụt giảm mạnh. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ cần rất nhiều thời gian trước khi Trung Quốc có thể phục hồi được lượng dự trữ thịt lợn. Một nửa số lợn nái của Trung Quốc đã chết trong dịch bệnh, theo thống kê của ngành chăn nuôi quốc gia này.

Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng mạnh từ tháng 3 và Bộ Nông nghiệp quốc gia này cho biết giá thịt lợn có thể tăng đến 70% trong một vài tháng tới. Thịt lợn chiếm đến hơn 60% tổng lượng thịt tiêu thụ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

“Quá trình phục hồi đàn lợn nái của Trung Quốc có thể kéo dài đến vài năm trong bối cảnh dịch bệnh có thể quay trở lại bất cứ lúc nào”, theo một bản báo cáo công bố ngày 9/7 của công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch. Trong báo cáo đó, công ty này nhấn mạnh đến việc dịch tả lợn châu Phi có tác động tích cực đến tỷ lệ nợ của Smithfield.

Trung Quốc không phải là nạn nhân duy nhất của dịch bệnh này. Các quốc gia khác như Việt Nam và Campuchia, Mông Cổ, Hàn Quốc và Lào cũng bị ảnh hưởng. Tả lợn châu Phi cũng hoành hành tại vùng Trung và Đông Âu. Virus tả lợn được tìm thấy trong cơ thể lợn rừng tại Bỉ.

Sản lượng thịt lợn xuất khẩu của châu Âu có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu như dịch bệnh này lan sang các quốc gia xuất khẩu thịt hàng đầu như Đức và Tây Ban Nha.

Một số nguồn tin trong ngành tại khu vực này cho biết nhu cầu thịt tăng cao từ Trung Quốc hồi đầu năm đã khiến các công ty hầu như không có hàng tồn kho. Lượng thịt xuất khẩu đang ở trạng thái ổn định, không còn quá mạnh như trước đó nữa do nguồn cung có phần hạn chế.

Giữa chiến tranh thương mại, nông dân Mỹ vẫn kiếm bộn tiền từ thị trường Trung Quốc - Ảnh 3.

Việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước có thể sẽ khiến người dân Trung Quốc thay đổi thực đơn.Ảnh minh hoạ: Reuters.

Tại sao không chọn gà?

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn chưa có tiến triển tích cực nào, nông dân Mỹ vẫn cần thận trọng trong việc có thể bị lệ thuộc quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu thịt lợn của Canada cũng đã được hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao thị trường Trung Quốc thông qua việc xuất khẩu thịt lợn không chứa ractopamine.

Nhưng cơ quan chức năng của Trung Quốc đã phát hiện ra một lô thịt lợn có chứa ractopamine của Canada trong tháng 6. Ba nhà xuất khẩu Canada hiện đã bị cấm phân phối hàng hóa tại Trung Quốc và Bắc Kinh đang kêu gọi dừng nhập khẩu các sản phẩm thịt từ quốc gia Bắc Mỹ này.

Thị phần thịt nhập khẩu từ Canada đã tăng từ 11 lên 14% trong giai đoạn 2016-2018, theo thông tin từ hải quan Trung Quốc.

Nhưng mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada đã xấu đi nhiều kể từ khi giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei bị bắt tại Vancouver hồi tháng 12 năm ngoái theo một lệnh đề nghị bắt giữ từ phía Mỹ, cáo buộc bà vi phạm các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt lên Iran.

Một trong những quốc gia xuất khẩu thịt lợn vào Trung Quốc- Brazil cũng kỳ vọng tăng 20% lượng thịt xuất khẩu đến thị trường đông dân nhất thế giới trong năm 2019, ở mức 800.000 tấn, theo tập đoàn ABPA.

Quốc gia này cho phép người chăn nuôi được phép sử dụng ractopamine, nhưng cũng đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm không chứa chất này từ 6 năm trước, giám đốc diều hành ABPA cho biết. Nhiều công ty cũng đang áp dụng chính sách không ractopamine nhằm xuất khẩu thịt ra nước ngoài.

Việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước có thể sẽ khiến người dân Trung Quốc thay đổi thực đơn.

“Người tiêu dùng sẽ cần chuyển sang sử dụng các sản phẩm khác. Nhu cầu của các sản phẩm giàu protein khác có thể tăng lên, đặc biệt là thịt gia cầm”, theo Ủy ban châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại