Ngạc nhiên khi hát được giọng nữ
Được biết, trong gia đình Tùng Anh có tới 5 người phụ nữ, ai là người có ảnh hưởng nhất tới bạn?
- Mẹ là người tôi yêu thương nhất. Bố tôi từ miền biển Nghệ An đồng ý về miền núi Bắc Giang quê mẹ lập nghiệp. Hai bố mẹ chăm chỉ khai hoang rừng và chăm chỉ làm việc để nuôi được đàn con tới 7 đứa lớn khôn.
Giờ mỗi khi gia đình tôi đông đủ thì nhiều lắm vì còn có thêm 14 đứa cháu ruột. Chắc là để có được hạnh phúc sum vầy như ngày hôm nay, mẹ tôi phải chịu bao gian nan khổ cực của cuộc đời rồi.
Tôi nhớ mãi hồi học lớp 5, bị mẹ đánh cho một trận lên bờ xuống ruộng vì chị gái mất bao nhiêu công lấy đất sét từ bờ suối để nặn các hình bài tập và phải mang đi học, vậy mà tôi lại cố tình làm vỡ khiến chị không có đồ nặn mang đi học.
Bị mẹ đánh, tôi khóc toáng lên, mẹ lại chạy đi lấy dầu xoa cho mình. Kỷ niệm ấy tôi vẫn luôn mang theo. Tôi mong mẹ tôi luôn khỏe mạnh và sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần cho anh, chị em tôi.
Từ khi nào bạn phát hiện mình có khả năng hát giọng nữ?
- Một sự tình cờ thôi, khi tôi thấy hát bài “Giấc mơ trưa” của nhạc sĩ Giáng Son rất hay nên đã thử hát theo, không ngờ lại làm được. Đó là thời gian tôi đang học cuối cấp 3 tại quê ở Lục Nam, Bắc Giang. Lúc đó, tôi có cảm giác ngạc nhiên vô cùng, rất lạ và thích thú nữa vì trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể hát được giọng nữ.
Thế bạn có chút gì đó ngại không?
- Ngại chứ ạ! Thời gian đầu khi tôi hát, mọi người cứ trêu thế này, thế kia. Thậm chí tôi từng bị trêu là pê-đê, chẳng giống ai, này nọ… Nhiều lắm, nhưng tôi chẳng quan tâm mấy. Ngay từ lúc đấy, dù chưa có ý nghĩ sau này đi làm ca sĩ nhưng tôi đã cho rằng mình thích là được, không cần quan tâm ai nghĩ thế nào.
Bản thân lúc đầu Tùng Anh có hát giọng nam?
- Bình thường tôi vẫn là giọng nam, ngay cả khi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và trước đó ở Trường Nghệ thuật tỉnh.
Các thầy cô có biết bạn có khả năng hát giọng nữ không?
- Tuy mới chỉ học ở Học viện được một thời gian ngắn là phải xin tạm nghỉ học để vào TPHCM thi Giọng hát Việt, nhưng thầy trò cũng rất hay chia sẻ về giọng. Ngay những buổi đầu, tôi đã nói với thầy là mình có thể hát được giọng nữ.
Lúc đầu thầy rất ngạc nhiên, nhưng sau đó thầy khuyến khích tôi phát huy hết khả năng của mình. Thầy dạy cho tôi cả hai loại giọng nam cao và nữ cao. Tất nhiên, thi học kỳ vừa rồi tôi vẫn hát giọng nam cao.
Từ giọng nam chuyển sang giọng nữ là sự tự nhiên hay phải kèm theo quá trình khổ luyện?
- Thực ra nó vẫn là một cách hát, quan trọng nhất là giữ vị trí của hơi và âm thanh. Còn yêu cầu khác là nam thì hát giọng thật và phải đóng tiếng còn nữ thì luyện kỹ thuật giả thanh, kỹ thuật hát ở những nốt cao. Tôi thường tự tập bằng cách chọn một bài song ca nam nữ và tự hát một mình.
Lúc đầu, khó nhất là làm sao để những đoạn chuyển giữa giọng nam và giọng nữ cho mượt, không bị hụt hẫng. Nhưng mãi rồi cũng quen. Chắc là nếu không nhìn tôi hát mà chỉ nghe thì mọi người sẽ tưởng là hai người hát. (Cười).
Mất nhiều thời gian nhất là khi luyện giọng nữ. Tôi thường nghe các nghệ sĩ opera thế giới, ở trong nước tôi cũng nghe các cô Lan Anh, Anh Thơ, Đào Tố Loan… Tôi cũng thích nghe dòng bán cổ điển và pop có vận dụng kỹ thuật như các chị Trần Thu Hà, Thu Minh…
Chỉ sợ không HLV nào quay lại
Mỗi thí sinh tham gia Giọng hát Việt 2017 có một mục đích riêng, trong đó có cả người “ôm mộng” dấn thân showbiz. Vậy đâu là mục đích của Tùng Anh?
- Tôi có ước mơ lớn từ khi khám phá ra giọng hát của mình đó là trở thành một ca sĩ. Và khi còn ở nhà, tôi chỉ biết đến âm nhạc thông qua truyền hình. Giọng hát Việt là cuộc thi thu hút sự chú ý của tôi nhất. Ngay từ mùa đầu tiên phát sóng, tôi đã ước mơ sẽ có một ngày mình được đứng trên sân khấu này và cất lên tiếng hát để đến với công chúng.
Bây giờ ước mơ một phần đã thành hiện thực, bạn cảm thấy thế nào?
- Đó là một cảm giác vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc nhất là cả 4 HLV đã quay lại với Tùng Anh. Đó đều là những nghệ sĩ tôi yêu thích. Tôi rất hay nghe ca sĩ Noo Phước Thịnh, ca sĩ Đông Nhi.
Còn ca sĩ Tóc Tiên thì tôi thích ở chị bởi cá tính trong cả giọng hát cũng như phong cách thể hiện. Tôi chọn về đội HLV Thu Minh vì chị là nghệ sĩ mình hâm mộ nhất. Với riêng tôi, đây là cơ hội quý để có dịp được học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và cả cọ xát thực tế nữa ạ!
Tham gia Giọng hát Việt, Tùng Anh sợ nhất điều gì?
- Sợ nhất là không có HLV nào quay lại với mình. Giả sử trượt ngay từ vòng loại khi chưa quay hình thì không sao. Khi lên hình, mình dồn bao nhiêu hy vọng và khả năng vào hết phần trình diễn mà lại không tạo được sự đồng cảm của một HLV nào thì tự tôi sẽ cảm thấy tủi thân.
Nhưng cuộc thi thì đều có những yếu tố khác cũng như có chút may mắn nữa, vậy nên tôi đã dồn vào luyện tập hết khả năng và hy vọng may mắn sẽ mỉm cười với mình. Và điều đó đã trở thành hiện thực khi bước qua vòng Giấu mặt. Nhất là ca sĩ Thu Minh còn lên hẳn sân khấu và hát cùng tôi một đoạn.
HLV Thu Minh từng gây xôn xao dư luận vì những mâu thuẫn với thí sinh khi ngồi ghế nóng Giọng hát Việt, bạn cảm nhận gì về ca sĩ này?
- Chị Thu Minh rất nghiêm túc trong khi làm việc, đã làm việc là làm hết mình. Đúng như chị nói trong tập 3 ở vòng Giấu mặt, chị có khả năng hát opera, khi chị dạy, tôi có cảm nhận cũng giống như khi mình được học các thầy cô ở trường.
Chị cũng rất quan tâm đến vị trí âm thanh, hơi thở và kỹ thuật chạy nốt cao của giọng nữ… Đời thường, ca sĩ còn là một người rất gần gũi quan tâm tới các trò của mình.
Ở Việt Nam, loại giọng này chưa thực sự được chấp nhận ngang bằng với những giọng thông thường khác, có nghĩa con đường phía trước còn những khó khăn, Tùng Anh thấy thế không?
- Vâng! Các thầy cô đều bảo ở Việt Nam chưa có tiền lệ giảng dạy loại giọng này. Tôi phải rất cảm ơn Giọng hát Việt đã tạo điều kiện cho tôi cũng như những thí sinh có khả năng hát giọng nữ như tôi cơ hội xuất hiện trước công chúng.
Có thể là con đường chông gai nhưng những gì tôi nhận được tới thời điểm này đã là động lực tuyệt vời cho mình vững vàng bước vào những chông gai ở phía trước.
Trần Tùng Anh chia sẻ: “Nam giới hát giọng nữ là một loại giọng tương đối đặc biệt. Có nhiều cách gọi tên khác nhau và giữa các cách gọi cũng có sự khác biệt nhất định.
Đôi khi giống như những từ ghép lại: Male soprano có nghĩa là đàn ông hát giọng nữ cao, hoặc Counter Tenor giọng phản nam cao, hay Sopranist. Thuật ngữ Castrato, có nghĩa tenor thiến phổ biến từ thế kỷ 16 ở châu Âu. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có cách gọi Việt hóa là giọng mái.
Trong những giọng trên, Castrato bắt buộc người ca sĩ phải thiến. Có nhiều tác phẩm viết cho giọng này xuất hiện khá sớm trong các vở Opera, chẳng hạn vở Opera Orphe của Gluk có vai Orphe sử dụng loại giọng này; trong vở Đám cưới Figaro của W.A.Mozart có vai Rigobert được viết cho giọng mezo soprano và sopranist…”.