Khi bạn còn trẻ nên sống "hết mình" hay sống "tiết kiệm" là những quan điểm đang được cộng đồng mạng tranh luận rất nhiều trong thời gian gần đây. Nhiều người đã hào hứng chia sẻ suy nghĩ của mình về 2 quan điểm sống tưởng như trái ngược nhau này.
Đây cũng là nội dung thú vị được đưa ra trong trận tứ kết cuối cùng của Gameshow Trường Teen, phát sóng trên kênh VTV7, giữa 2 trường tham gia là Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ - Hà Nội và THPT Chuyên Hạ Long.
Đóng vai trò là bên ủng hộ quan điểm: "Chúng tôi tin rằng giới trẻ nên theo đuổi lối sống tiêu dùng thay vì lối sống tiết kiệm", bạn Đức Huy đại diện cho nhóm đến từ Phổ thông Chuyên Ngoại ngữ - Hà Nội mở màn phần tranh luận bằng câu khẳng định: "Đến cuối cùng, giấy cũng chỉ là một vật thể vô giá trị, chỉ khi tiền được dùng cho việc cải thiện cuộc sống con người nó mới mang giá trị tinh thần. Và chúng tôi đến đây để ủng hộ cho việc giới trẻ đi theo lối sống tiêu dùng thay vì tiết kiệm.
Luận điểm nhận về "bão like" của Đức Huy
Đầu tiên, về phần định nghĩa, tôi cho rằng, lối sống tiêu dùng là đề cao việc chi tiêu, mua sắm lên trên và họ sẽ phải làm việc để kiếm tiền bù vào khoản đó. Còn lối sống tiết kiệm là lối sống loại bỏ chi tiêu không cần thiết và tập trung vào lối sống tối giản hóa", Đức Huy nói.
Để chứng minh, Huy đưa ra 2 luận điểm: Lối sống tiêu dùng đem lại sự phát triển cá nhân tốt hơn và lối sống tiêu dùng sẽ nằm trong nòng cốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tiên, lối sống tiêu dùng tạo ra động lực để phát triển cuộc sống. Khi một người trẻ đi theo lối sống tiêu dùng thì điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần của họ và họ càng đạt được sự thỏa mãn bản thân nhất định. Và khi đạt được điều này, họ càng có động lực để lao động, để kiếm thêm tài chính.
Chẳng hạn, khi bạn mua được chiếc iPhone5, sau đó bạn sẽ càng có động lực để tiếp tục đi làm và kiếm nhiều tiền để mua chiếc iPhone 7. Khoản tiền dư ra sẽ là khoản lãi của bạn.
Động lực này vì sao lại quan trọng? Vì bạn đang sống trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch, việc có một động lực để thúc đẩy lực lượng lao động tương lai là một điều vô cùng cần thiết.
Thứ hai, hầu hết, người dân sẽ khó phân tách được 2 khái niệm: tiết kiệm và bần tiện. Nếu bạn đi theo lối sống tiết kiệm thì thường cuộc sống của các bạn sẽ thường dậm chân tại chỗ và khó có thể đi lên. Ngoài ra, giới trẻ sẽ có xu hướng thay đổi mục tiêu liên tục, dẫn tới kết quả là khoản tiền lớn bạn đã tiết kiệm không thể mua được hạnh phúc.
Ví dụ, bạn cố gắng tích tiền để mua chiếc xe đạp. Khi có đủ tiền rồi, bạn lại nghĩ à mình sẽ cóp thêm để mua chiếc xe máy. Và khi đủ tiền mua xe máy, bạn lại tiếp tục tích tiền để mua chiếc ô tô... Cứ như vậy, bạn sẽ có rất nhiều tiền nhưng không bao giờ mua được hạnh phúc.
Tiếp theo, Đức Huy đặt ra câu hỏi: "Chúng tôi làm thế nào để có được cơ chế kiểm soát được lối sống tiêu dùng sẽ không biến thành lối sống hoang phí?.
"Trong thế giới của chúng tôi sẽ luôn có những đối tượng truyền thông, giáo dục, gia đình lên án và cảnh tỉnh những hành vi tiêu xài không hợp lý.
Kể cả khi giới trẻ có tiêu xài hoang phí đi chăng nữa thì chúng tôi vẫn cho rằng đây là một điều tốt. Vì ít nhất khi họ thất bại, họ phá sản thì họ vẫn nhận được một bài học. Bài học là chi tiêu cần đi cùng lao động, và chính những bài học này sẽ là động lực, kinh nghiệm cho tương lai.
Chúng tôi cho rằng, trong dịch Covid-19, hầu như ai cũng hiểu biết về mức độ nghiêm trọng của việc thiếu kinh tế nên kể cả theo lối sống tiêu dùng trong bối cảnh này thì cũng hiếm có ai dám vung tay quá trán.
Ngược lại, trong thế giới các bạn (đội đối thủ) luôn cho rằng, mặc dù con người khó phải trải qua thất bại nhưng họ sẽ chỉ phải ngồi đấy, ôm một cục tiền và không rút ra được bất kỳ một bài học nào....", Đức Huy cho hay.
Phản biện lại ý kiến của Đức Huy cũng như bày tỏ quan điểm không đồng tình với lối sống tiêu dùng, Thuý Quỳnh đến từ THPT Chuyên Hạ Long cho biết: "Đầu tiên các bạn nói rằng, khi tiết kiệm người ta ngồi trên đống tiền nhưng không mua được hạnh phúc. Thế nhưng, tôi xin chứng minh rằng là, cả hai thế giới của chúng ta đều có thể gây ra sự hối hận và sự không hạnh phúc
Có thể chúng tôi không hạnh phúc vì không có thật nhiều trải nghiệm dành tiền cho bản thân nhưng chúng tôi có tiền, chúng tôi có tích cóp để làm những việc khác, cho những dự án, ước mơ trong tương lai. Trong khi các bạn vừa thiếu tiền, vừa không có tích trữ, khiến các bạn chưa chắc làm được những việc xa hơn. Từ đó, bạn sẽ phải hối hận về hành động vung tiền quá trán của mình", Thuý Quỳnh mở màn bài tranh luận.
Tiêu dùng để khiến bản thân hạnh phúc, thúc đẩy kinh tế xã hội nhưng cần đi đôi với tiết kiệm
Nữ sinh cũng đưa ra định nghĩa, những người theo đuổi lối sống tiêu dùng là những người có thói quen mua nhiều, mua liên tục các loại hàng hóa và dịch vụ nhưng không hẳn đáp ứng cho nhu cầu như thời trang, giải trí… Những mặt hàng này sẽ là khoản chi không cần thiết.
Còn lối sống tiết kiệm chính là hạn chế chi tiêu thừa thãi không cần thiết.
"Ở trong đây, có một đối tượng vô cùng quan trọng mà các bạn chưa nhắc tới, đó là người trẻ. Ở họ là đối tượng có 4 đặc điểm chính:
Là lực lượng tiêu thụ chính của xã hội, xu hướng tiêu dùng của họ sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế về tâm lý, họ chịu ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng, quảng cáo của những người có tầm ảnh hưởng; ham tìm tòi điều mới lạ, thích tìm những thứ mới… Về hành vi, họ sẵn sàng chi tiêu vượt mức đối với những sản phẩm mà họ thích đối với cá nhân họ, cái họ cần ở đây chính là chiến lược chi tiêu ổn định", Thuý Quỳnh phân tích.
Cũng theo Quỳnh, nếu đi theo lối sống tiêu dùng, đôi khi giới trẻ tiêu tiền không phải vì cần thiết mà vì chạy theo xu hướng. Họ muốn thoả mãn nhu cầu tức thời, ngắn hạn. Trong khi xã hội luôn sản sinh ra cái mới, nên họ cứ mãi chạy theo như vậy. Đây chính là lối chi tiêu phung phí.
Lối sống này còn khiến người ta cảm thấy luôn cần phải chi tiêu, không bao giờ thấy đủ và muốn tiêu. Trong khi đấy, các chính sách mua hàng, thẻ ghi nợ tín dụng sẽ tạo ra xu hướng tiêu tiền trước khi kiếm tiền và sau đó họ sẽ phải khổ sở gánh các khoản nợ.
"Vậy tại sao lối sống tiết kiệm có thể giải quyết được vấn đề này. Do sự thoả mãn của người đi theo lối sống này không bị ảnh hưởng bởi xã hội và các yếu tố khách quan. Họ chỉ chọn mua những thứ thật sự thiết yếu và thực sự cần thiết; những thứ có chất lượng tương xứng với giá tiền và sử dụng được trong một khoảng thời gian dài…Và đây chính là mấu chốt giải quyết vấn đề tiêu xài phung phí", Thuý Quỳnh kết thúc bài luận.
Trường Teen là một chương trình gameshow tranh biện dành cho các bạn học sinh yêu thích tranh biện và nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình về những vấn đề trong xã hội. Trong mỗi số, chương trình sẽ đề cập đến một chủ đề khác nhau, xoay quanh gia đình, trường học và cuộc sống.
Nhằm mục đích mở rộng và phát triển tranh biện tới học sinh và tạo môi trường cho các bạn tương tác về ý tưởng, có cơ hội nói lên tiếng nói của mình, nâng cao các kĩ năng mềm thiết yếu như tư duy phản biện, hùng biện, thuyết trình, cách lắng nghe và tương tác với con người, làm việc nhóm.…
Nhà báo Chu Minh Vũ, chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú Uyên và Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đóng vai trò cầm cân nảy mực, chấm điểm dựa trên các lập luận, sức thuyết phục, ví dụ rõ ràng và sắp xếp ý tưởng, ngôn từ khoa học.