Sau khi thực hiện các bước theo quy trình, tập thể lãnh đạo và cán bộ chủ chốt PVN đã tín nhiệm rất cao giới thiệu ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng giám đốc PVN để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Bí thư đảng ủy phụ trách sản xuất kinh doanh, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc tập đoàn.
Tập thể lãnh đạo tập đoàn kỳ vọng ông Lê Ngọc Sơn sẽ tiếp nối những thành tựu của người tiền nhiệm để PVN không chỉ làm tốt vai trò như hiện tại mà còn vươn mình thành một tập đoàn kinh tế/công nghiệp năng lượng hàng đầu của đất nước, tiếp tục gánh vác sứ mệnh mở rộng thị trường và đầu tư sâu hơn vào lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo…
Ông Lê Ngọc Sơn chia sẻ đã được đào tạo và trưởng thành trong ngành dầu khí. Sau hơn 28 năm, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, ông bày tỏ cam kết nếu được tin tưởng và tín nhiệm sẽ phát huy, tiếp nối truyền thống "những người đi tìm lửa" vì lợi ích chung.
Được biết, ông Lê Ngọc Sơn (sinh năm 1972) quê Thanh Hóa, từng có nhiều năm công tác và đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại PVN. Ông có chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ mỏ, từng là Trưởng ban Khai thác Dầu khí PVN, Tổng giám đốc Công ty Điều hành dầu khí Phú Quốc.
Ông Sơn đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc tập đoàn từ năm 2021, được phân công phụ trách lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí.
Trước đó, vị trí Tổng giám đốc PVN do ông Lê Mạnh Hùng đảm nhiệm từ năm 2019 đến 31/12/2023.
Trước khi làm Phó Tổng giám PVN (từ 5/4/2021), ông Lê Ngọc Sơn từng làm Trưởng ban Khai thác Dầu khí PVN, sau đó gần 5 năm làm Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC).
Qua một nửa nhiệm kỳ Phó Tổng giám đốc Tập đoàn (lĩnh vực thượng nguồn/khâu đầu - E&P) do ông phụ trách đã có những chuyển biến tích cực về cả kế hoạch gia tăng sản lượng và phát triển mỏ mới. Hai năm qua, PVN cùng các đối tác đã triển khai một loạt đề án phát triển mỏ mới, mỏ tận thu ngoài khơi gồm: Sư Tử Trắng (giai đoạn 2), Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam, Lạc Đà Vàng, Đại Hùng (giai đoạn 3). Cạnh đó, cụm mỏ Nam Du - U Minh cũng đang được cập nhật, điều chỉnh lại FDP để trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn, năm qua, PVN đã có điều chỉnh, bổ sung trong đàm phán thương mại với các đối tác nước ngoài để trao thầu hạn chế EPCI cho các tổng thầu, làm cơ sở triển khai các dự án thành phần (gồm hệ thống đường ống vận chuyển khí ở trung nguồn và các nhà máy nhiệt điện khí ở hạ nguồn).
Công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng đạt tỷ lệ bù đắp sản lượng cao hơn 1/1 (năm 2023 đạt 13 triệu tấn quy dầu). Trong đó, có hai phát hiện dầu khí mới quan trọng tại lô 16-2 và tại lô PM3-CAA; đưa vào hoàn thành và khai thác sớm 4 mỏ/công trình dầu khí. Sản lượng khai thác dầu đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1% kế hoạch, riêng trong nước đạt 8,63 triệu tấn, giảm 3,9% so với năm 2022. PVN cho hay đây là mức suy giảm thấp nhất so với giai đoạn trước.
Cùng với đó, các chỉ tiêu về gia tăng trữ lượng, khai thác dầu khí hai năm qua luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch, làm nền cho các kỷ lục về doanh thu và nộp ngân sách nhà nước của PVN.