Giới khoa học Pháp sửng sốt khi nhận ra cả quốc gia đang bị giun khổng lồ xâm chiếm

J.D |

Loài giun này hóa ra đã tồn tại ở Pháp cả chục năm nay, nhưng không ai biết cả.

Vào một ngày đẹp trời, Jean-Lou Justine nhận được tấm hình về một loài giun khổng lồ, có cái đầu dẹt như chiếc xẻng. Trong cuộc đời, nhà sinh học đã không ít lần được tiếp xúc với giun khổng lồ, nhưng lần này thì khác.

Ông kinh ngạc thực sự, vì nơi tìm thấy con giun này lại là một vườn rau tại Pháp.

"Loài giun này chưa bao giờ có ở Pháp" - vị giáo sư thuộc Bảo tàng lịch sử Tự nhiên Pháp cho biết.

Loài giun đầu búa này có thể dài tới 30cm, nhưng không phải là loài bản địa của Pháp. Nó vốn là loài giun săn mồi của châu Á, nơi có môi trường sống phù hợp hơn: nắng ấm, mưa nhiều, đất đai màu mỡ.

Giới khoa học Pháp sửng sốt khi nhận ra cả quốc gia đang bị giun khổng lồ xâm chiếm - Ảnh 1.

Loài giun đầu búa có thể dài tới 30cm

Người chụp bức ảnh là Pierre Gros - nhà tự nhiên học. Sau đó 2 tuần, Gros tiếp tục gửi cho Justine bức hình thứ 2, cũng là giun khổng lồ, nhưng là loài hoàn toàn khác.

Đến lần thứ 3, Justin đã nghĩ rằng đây chỉ là một trò đùa. "Anh chàng này mang giun về khi đi du lịch, rồi vờ như tìm thấy chúng trong vườn nhà." - ông chia sẻ. Chỉ có điều, Gros không đùa.

Sau đó, 2 người đã kết hợp và thực hiện một nghiên cứu về các loài giun khổng lồ kỳ lạ đang lẩn khuất trong các khu vườn nước Pháp. Theo những gì họ tìm hiểu được thì khoảng 2 thập kỷ gần đây, các loài giun dẹt bằng cách nào đó đã định cư được tại xứ này.

"Những loài vật lẩn trốn trong đất thường dễ bị bỏ qua. Đó là lý do chúng thường vô tình được vận chuyển đi khắp thế giới" - Archie Murchi, chuyên gia sinh học từ Anh Quốc nhận xét, dù không tham gia nghiên cứu.

"Chúng đang lan tỏa, và sẽ tiếp tục làm điều đó nhờ quá trình giao thương quốc tế."

Trước đó, giới sinh học đã nhận ra một số loài giun nhỏ cũng du nhập vào Pháp, và từng bước tấn công ốc sên escargot đặc sản của người dân nơi đây. Tuy nhiên chỉ sau nghiên cứu lần này, Justine mới nhận ra rằng cả quốc gia đang bị loài giun "đầu xẻng" khổng lồ kia xâm chiếm.

Ông cũng rút lại kết luận từ một nghiên cứu trước đó 5 năm, cho rằng lũ giun này chỉ là một số cá thể ngoại lai không đáng kể. "Đó là một sai lầm, thực sự" - ông thẳng thắn chia sẻ.

Quá trình nghiên cứu vất vả

Nhóm nghiên cứu của Justine sau đó đã kêu gọi mọi nguồn tư liệu trong quần chúng, nhằm cung cấp thêm hình ảnh về loài giun khổng lồ có cái đầu to dẹt. Hòm thư của nhóm nhanh chóng ngập lụt trong hàng ngàn bức hình với đủ các loài không chân, gồm cả đỉa, sâu bướm, ốc sên.

Sàng lọc một hồi, Justine nhận thấy cư dân Pháp cũng biết rằng có điều gì đó không ổn trong mấy khu vườn nhà từ nhiều năm nay. Chỉ là họ không biết bản thân đã tìm thấy thứ gì.

Như năm 1999, một gia đình đã quay lại được một con giun dài khủng khiếp. Họ giữ lại cuốn băng là vì sinh vật ấy quá kỳ lạ, còn Justine nhanh chóng đưa ra kết luận: chính là giun dẹt.

Hay năm 2013, một nhóm trẻ em mẫu giáo đã hét loạn lên, cho rằng rắn đang xâm chiếm vườn trẻ. Nhưng đó vẫn là giun dẹt. Tổng cộng, có 111 trường hợp trông thấy giun dẹt trong giai đoạn 1999 - 2017.

Giới khoa học Pháp sửng sốt khi nhận ra cả quốc gia đang bị giun khổng lồ xâm chiếm - Ảnh 3.

Hầu hết các trường hợp đều được tìm thấy tại miền Nam nước Pháp. Justine đặt giả thuyết rằng đó là những khu vực có mùa hè ẩm ướt, mùa đông không quá lạnh, đủ để chúng sống sót. Và chúng còn xuất hiện ở các vùng đảo trong lãnh thổ Pháp. 

Tại sao sự xâm lăng của giun dẹt lại trở nên nguy hiểm?

Giun dẹt - đặc biệt là giun đầu búa - vốn là loài săn mồi. Chúng "săn" bằng cách đào bới đất, sử dụng các chất độc hóa học làm tê liệt mồi - là giun đất bản địa, và rồi nuốt chửng chúng trong dịch tiêu hóa.

Giới khoa học Pháp sửng sốt khi nhận ra cả quốc gia đang bị giun khổng lồ xâm chiếm - Ảnh 4.

Giun dẹt ngoại lai sẽ săn giun bản địa.

Dù có vẻ không đáng kể, nhưng thực ra có giun dẹt gây tổn hại cho con người. Murchie đã từng nghiên cứu về sự xâm chiếm của giun dẹt New Zealand tại Ireland và Scotland, và kết quả cho thấy sản lượng nông nghiệp tại các vùng này đã giảm đi ít nhất 6%.

Ở thời điểm hiện tại, chưa rõ giun đầu búa có làm thay đổi đa dạng sinh học tại Pháp hay không, vì Justine chưa nghiên cứu đến hệ sinh thái trong đất. Thế nhưng, việc chúng là "loài săn mồi nguy hiểm" vẫn là thật, và chúng khiến giới khoa học thực sự phải lo lắng.

"Các loài giun dẹt ngoại lai thực sự có thể gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đất" - Murchie cho biết. "Các tác giả nghiên cứu lần này đã đúng khi cảnh báo về loài giun đầu búa này."

Và điều quan trọng nhất với Justine thì không phải là loài vật này to hay nguy hiểm cỡ nào, mà là chúng nó đến đây kiểu gì.

"Với một quốc gia phát triển, có rất nhiều nhà khoa học, cơ sở đào tạo ở khắp mọi nơi. Thế mà lũ giun này xuất hiện mà không ai phát hiện ra."

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại