Theo thống kê của Bloomberg, năm 2019, tổng tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng thêm 1.200 tỷ USD. Năm nay, thế giới có thêm nhiều tỷ phú làm giàu từ mạng xã hội hay thậm chí có trường hợp làm giàu từ phế liệu.
Trong năm 2019, Kylie Jenner trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới sau khi công ty Kylie Cosmetics của cô ký hợp đồng hợp tác độc quyền với hãng làm đẹp Ulta Beauty Inc. Jenner hiện nắm 51% cổ phần tại công ty này, tương đương 600 triệu USD. Theo một báo cáo được dẫn bởi BBC, nữ tỷ phú 22 tuổi này có hơn 2,7 triệu người theo dõi trên Instagram và được trả tới 1,2 triệu USD cho một đăng tải trên mạng xã hội này. Theo đó, Jenner là người dùng Instagram được trả nhiều tiền nhất cho mỗi đăng tải.
Năm qua cũng chứng kiến nhiều tỷ phú nổi lên nhờ những ngành kinh doanh đặc biệt, như phế liệu. Willis Johnson, đến từ Oklahoma (Mỹ), là người sáng lập của công ty Copart Inc. với mạng lưới các bãi phế liệu lớn chuyên bán ôtô hư hỏng. Johnson hiện sở hữu tài sản 1,9 tỷ USD.
Theo Bloomberg Billionaires Index, năm 2019, tổng tài sản của 500 người giàu nhất thế giới tăng thêm 1.200 tỷ USD, lên 5.900 tỷ USD, tương đương mức tăng 25%.
Các nhà phân tích cho rằng điều này càng làm nóng lên tranh cãi về khoảng cách giàu nghèo. Tại Mỹ, nhóm 0,1% người giàu nhất hiện nắm giữ tỷ lệ tài sản trong xã hội lớn nhất kể từ năm 1929, khiến một số chính trị gia lên tiếng kêu gọi tái cơ cấu căn bản nền kinh tế.
Tỷ phú có tài sản tăng nhiều nhất là Bernard Arnault, ông chủ đế chế đồ hiệu LVMH của Pháp khi "kiếm" thêm 36,5 tỷ USD. Ông hiện là người giàu thứ 3 thế giới, theo thống kê của Bloomberg Billionaires Index và là một trong ba người trong "câu lạc bộ" tài sản trên 100 triệu USD.
172 tỷ phú Mỹ trong Bloomberg Billionaires Index "bỏ túi" 500 tỷ USD trong năm 2019, trong đó tài sản của Mark Zuckerberg, CEO của Facebook, tăng thêm 27,3 tỷ USD, còn người đồng sáng lập Microsoft Bill Gates "kiếm" thêm 22,7 tỷ USD.
Số lượng tỷ phú Trung Quốc trong danh sách này tiếp tục tăng, lên 54 người, cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. He Xiangjian, người sáng lập của hãng xuất khẩu điều hoà không khí lớn nhất Trung Quốc, có tài sản tăng tới 79% lên 23,3 tỷ USD.
Tài sản của các tỷ phú Nga tăng thêm 51 tỷ USD khi các tài sản tại thị trường mới nổi, từ ngoại tệ cho tới cổ phiếu và chứng khoán đều tăng trở lại sau khi sụt mạnh hồi đầu năm.
Trong năm qua, chỉ 52 người có tài sản giảm. Trong đó, tài sản của người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, giảm gần 9 tỷ USD do chia một phần tài sản cho vợ cũ MacKenzie Bezos sau ly hôn. Kết thúc phiên giao dịch chứng khoán cuối tuần trước, ông chủ Amazon vẫn tiếp tục là người giàu nhất thế giới với tài sản 116 tỷ USD.
Tài sản của "trùm truyền thông" Rupert Murdoch giảm khoảng 10 tỷ USD sau khi số tiền từ thương vụ Walt Disney Co. mua lại tài sản của Fox được chia cho 6 người con của ông - tất cả đều trở thành tỷ phú.
Tỷ phú Thomas Peterffy của công ty Interactive Brokers Group Inc. cũng mất 2,1 tỷ USD khi các nhà đầu tư quan ngại về sự cạnh tranh trong mảng môi giới.
Tài sản của người sáng lập WeWork, Adam Neumann, giảm mạnh, ít nhất là trên giấy tờ, khi startup chia sẻ văn phòng này phải rút kế hoạch niêm yết và định giá giảm từ 47 tỷ USD hồi đầu năm xuống chỉ còn 8 tỷ USD vào tháng 10. Nhờ "gói cứu trợ" từ SoftBank, Neumann hiện vẫn là tỷ phú.