Theo hãng tin Bloomberg, các quỹ ngoại trên thị trường chứng khoán Philippines đã bán ròng 22 phiên liên tiếp trong bối cảnh những lo ngại về ảnh hưởng từ chiến dịch chống ma túy của ông Duterte cũng như những lời lăng mạ mà ông nhằm vào Mỹ và Liên hiệp quốc.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Philippines Amando Tetangco đã tìm cách trấn an các nhà đầu tư hoảng sợ vì những phát ngôn gây tranh cãi của ông Duterte.
Không chỉ đồng Peso của Philippines, mà đồng tiền của một loạt quốc gia đang phát triển khác như đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng Ringgit của Malaysia cùng mất giá trong phiên giao dịch ngày 26/9, khi giới đầu tư toàn cầu chờ đợi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Hillary của Đảng Dân chủ.
Ông Jeffrey Halley, chiến lược gia thị trường thuộc công ty Oanda Asia Pacific Pte ở Singapore, nhận định sự giảm giá của đồng Peso “chủ yếu do vấn đề chính trị, cụ thể là cuộc chiến chống ma túy đang diễn ra ở nước này và những dự định của Tổng thống Duterte có vẻ như tạo sự xa lánh đối với tất cả các đối tác thương mại chính”.
“Bất kỳ sự tăng giá nào của đồng Peso có thể sẽ không duy trì lâu, cho tới khi nào tình hình chính trị ở Philippines trở nên rõ ràng hơn.
Ngoài ra, cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ sắp diễn ra” nên các nhà đầu tư cũng thận trọng - ông Halley nói.
Bên cạnh đó, Bloomberg cho rằng các nhà đầu tư còn đang tỏ ra dè chừng với tài sản ở các thị trường mới nổi trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự kiến diễn ra trong tuần này.
Trong phiên sáng ngày 26/9, đồng Peso mất giá 0,5% so với đồng USD, còn 48,26 Peso đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2009.
Trong 3 tháng qua, đồng tiền này đã mất giá 2,7%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất ở khu vực châu Á.
Tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P đã cảnh báo về “những bất ổn gia tăng xung quanh tính ổn định, có thể đoán định, và đáng tin cậy” của chính quyền Tổng thống Duterte.
S&P nói rằng “sự ổn định và khả năng có thể đoán định trong việc hoạch định chính sách ở Philippines đã ít nhiều suy giảm”, thể hiện qua những tuyên bố gây tranh cãi về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của ông Duterte trong thời gian gần đây.
Cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte đã khiến 3.000 nghi phạm thiệt mạng kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống vào hôm 30/6.
Số lượng lớn nghi phạm bị cảnh sát giết không thông qua xét xử, và tình huống “bí ẩn” của nhiều vụ giết nghi phạm trong số này đã làm dấy lên những lời cảnh báo của các nhóm nhân quyền, Mỹ, và Liên hiệp quốc.
Những lời cảnh báo như vậy đã vấp phải sự thách thức của Duterte, dẫn tới những biến động trong các mối quan hệ ngoại giao của Philippines với các quốc gia và tổ chức này.
Ông Duterte đã khiến đồng minh lớn nhất của Philippines là Mỹ "đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác" với một loạt phát ngôn gây tranh cãi, từ "nguyền rủa" Tổng thống Mỹ Barack Obama cho tới kêu gọi lính đặc nhiệm Mỹ rút khỏi miền Nam Philippines.
Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành đối tượng mới nhất bị Duterte lăng mạ vì đã chỉ trích chiến dịch chống ma túy của Philippines.
Trong một bài phát biểu trước các binh sĩ ở thành phố Davao ngày 20/9, Duterte nói: “Tôi đã đọc bản lên án của EU chống lại tôi. Tôi muốn nói với họ rằng 'mẹ kiếp'”.
Ông thậm chí còn giơ "ngón tay thối" trong lúc đưa ra phát biểu này.