Trong một diễn đàn mới đây, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, trường bất động sản hiện nay đang ở thời điểm “lên chưa lên mà xuống cũng không xuống”, nhưng cơ hội chắc chắn nhiều hơn thách thức.
Ông Chung phân tích, cơ hội lớn nhất là Việt Nam đang hoàn thiện các quy hoạch và pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, cùng với đó, mối quan hệ Việt - Mỹ đã được nâng cấp.
Theo PGS.TS. Trần Kim Chung, thị trường bất động sản không thể khó khăn hơn nữa mà chỉ tốt lên, vì khó khăn lớn nhất đã đi qua. Tuy nhiên, tốt lên như thế nào phụ thuộc rất lớn vào tháng 11 tới đây, khi các luật quan trọng đối với lĩnh vực bất động sản như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi và thông qua.
Chung quan điểm với ông Chung, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã đi qua, thời điểm hiện tại là lúc thị trường bắt đầu ghi nhận các chuyển biến tích cực.
Đánh giá chung về thị trường địa ốc hiện tại, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị tường đang có tín hiệu tốt hơn. Như những lần dự báo trước, ông Đính kỳ vọng thị trường có chuyển biến khởi sắc kể từ cuối năm 2023, bước sang năm 2024.
Trong khi đó PGS.TS. Ngô Trí Long thẳng thắn cho rằng: “Kỳ vọng của nhà điều hành bao giờ cũng là nhanh chóng hồi phục thị trường nhưng để kỳ vọng thành hiện thực thì phụ thuộc rất lớn vào việc điều hành của Nhà nước như thế nào. Trong đó, có thể khắc phục được hai khó khăn lớn nhất là pháp lý và nguồn vốn hay không mới là điều quan trọng”.
Ông Long nhận định, khả năng hồi phục của thị trường bất động sản trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên là nền kinh tế thế giới. Thứ hai là diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước. Ngoài ra còn là việc điều hành chính sách, hoàn thiện chính sách liên quan đến thị trường bất động sản như thế nào.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nói về thị trường bất động sản, không thể nói chung chung và việc nhận định thị trường bất động sản phải theo từng phân khúc, bởi mỗi phân khúc sẽ có những chuyển biến khác nhau.
“Dự báo vẫn chỉ là dự báo. Có vai trò rất lớn đối với nền kinh tế nên bất cứ khó khăn nào của thị trường bất động sản đều ảnh hưởng đến nền kinh tế. Vì vậy, dự báo thị trường bất động sản phải đi vào dự báo từng phân khúc”, ông Long nói thêm. Còn ở góc độ cá nhân, vị chuyên gia này kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục thời điểm cuối quý IV/2023. Song theo ông Long, phải đến quý IV năm sau, thị trường có tín hiệu phục hồi rõ nét.
Còn GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, ông không dám trả lời về thời điểm phục hồi của thị trường địa ốc. Theo ông Võ, thời điểm này phụ thuộc lớn vào cải tiến pháp luật như thế nào. Còn nếu phục hồi nhưng vướng mắc của pháp luật chưa được giải quyết thì chu kỳ mới sẽ duy trì được bao lâu? Tôi cho rằng không được lâu dài. Và nếu thị trường lại đi xuống, tính ì của thị trường sẽ kéo dài, khi đó muốn kéo lên cũng sẽ rất khó.
Thế nên, ông Võ nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị. Bởi vì ách tắc lớn nhất của thị trường bất động sản nằm ở quy hoạch và pháp luật. Trong đó, Việt Nam chưa định hình quy hoạch trong phát triển thị trường bất động sản.