Giới chức Mỹ - Ukraine: Chiến dịch phản công Nga không đạt mục tiêu đề ra

Trung Hiếu |

Quan điểm chung trong các cuộc họp gần đây giữa quan chức Mỹ và Ukraine là chiến dịch phản công do Ukraine tiến hành nhằm vào Nga đã không đạt được các mục tiêu đề ra…

Đánh giá của Mỹ và Ukraine về hiệu quả chiến dịch phản công

Một loạt cuộc họp trong tháng qua giữa các quan chức Mỹ và các đại diện của Văn phòng Tổng thống Ukraine cũng như Bộ Quốc phòng Ukraine đã kết luận rằng chiến dịch phản công của Ukraine kéo dài nhiều tháng nhằm vào lực lượng Nga đã thất bại trong nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra và hiện nay rơi vào thế bế tắc, theo nguồn tin The Messenger.

Giới chức Mỹ - Ukraine: Chiến dịch phản công Nga không đạt mục tiêu đề ra - Ảnh 1.

Chiến hào Ukraine ở miền Đông. Lính Ukraine đang bắn về phía quân Nga. Ảnh: Nytimes.

Các quan chức quốc phòng và tình báo của Ukraine nói với The Messenger rằng các cuộc họp được tổ chức vào tháng 11 và 12/2023 đã làm nổi lên một loạt vấn đề về chính trị và quân sự có thể phá hoại nỗ lực tác chiến của Ukraine.

Ngoài nhịp độ chậm của cuộc phản công, các vấn đề nêu trên còn bao gồm sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa Tổng thống Ukraine Zelensky và Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Zaluzhny về xung đột Nga - Ukraine , cũng như các bước thụt lùi trong hoạt động tuyển quân và tích trữ đạn dược của Ukraine.

Giới chức Mỹ cho biết, các đại biểu dự họp nhất trí rằng các mục tiêu chính của cuộc phản công do Ukraine tiến hành (bắt đầu vào đầu tháng 6/2023) đã không đạt được và có ít cơ hội đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine.

Các mục tiêu được nêu ở đây là nỗ lực đẩy quân Nga ra khỏi các vùng đất ở Đông Donbass và việc tiến quân tới Biển Azov để cắt đứt cầu đất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Kể từ khi Nga phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine cách đây 2 năm, Ukraine đã tái chiếm hơn 54% lãnh thổ của họ nhưng cuộc phản công gần đây của Ukraine chỉ mang lại những kết quả rất nhỏ bé. Quân đội Nga đã củng cố vững chắc thế phòng ngự của họ bằng việc mở rộng bãi mìn và mạng lưới chiến hào được yểm trợ bằng pháo binh, không quân và xe cơ giới.

Các đại biểu Mỹ tại cuộc họp thậm chí còn đề xuất rằng với thành quả hạn chế mà Ukraine thu được thì Mỹ cần xem xét lại chính sách dài lâu của mình cho phép Ukaine xác định thế nào là chiến thắng trong xung đột với Nga.

Tình hình nội bộ Ukraine

Giới quốc phòng và tình báo Mỹ cho biết, các cuộc họp đã đề cập mối quan hệ căng thẳng giữa Tổng thống Zelensky và một số viên tướng Ukraine, bao gồm Tổng tư lệnh Valery Zaluzhny và nguy cơ các căng thẳng này có thể tác động tiêu cực lên cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Nhiều bài báo đã mô tả va chạm giữa hai ông Zelensky và Zaluzhny, nhiều khi đã được công khai hóa như trong trường hợp ông Zaluzhny trả lời phỏng vấn của tờ The Economist. Trong bài trả lời phỏng vấn, Tổng tư lênh Zaluzhny bày tỏ hoài nghi về việc một trong hai bên tham chiến có thể giành được chiến thắng.

Tướng Zaluzhny nói rằng “ít khả năng sẽ có đột phá sâu nào” và xung đột Ukraine có nguy cơ trở thành “cuộc chiến chiến hào tiêu hao”, với khả năng kéo dài nhiều năm.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst cho hay xích mích giữa hai ông Zaluzhny và Zelensky đã có từ đầu xung đột Nga - Ukraine nhưng mới gia tăng trong các tháng gần đây.

Văn phòng Tổng thống Ukraine đã lên tiếng chỉ trích Tổng tư lệnh Zaluzhny về nội dung cuộc phỏng vấn. Một trợ lý cấp cao của ông Zelensky cho rằng cuộc phỏng vấn của tướng Zaluzhny “tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương” và rằng các bình luận của viên tướng đã gây “hoảng sợ” trong các đồng minh phương Tây của Ukraine.

Bản thân Tổng thống Ukraine Zelensky cũng bác bỏ nhận định của Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Zaluzhny về xung đột với Nga. Ông Zelensky nói: “Thời gian đã trôi qua, người dân mệt mỏi. Điều này là có thể hiểu được. Nhưng đó không phải là thế bế tắc”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov bác bỏ thông tin về chia rẽ giữa Tổng thống và Tổng tư lệnh. Ông Umerov nói với tờ The Kyiv Post rằng không có mâu thuẫn nào giữa hai nhân vật này.

Diễn biến bên kia Đại dương

Những đánh giá ảm đạm nói trên xuất hiện vào thời điểm thực sự khó khăn cho Ukraine. Chính quyền Tổng thống Biden gây sức ép lên Quốc hội Mỹ cho phép viện trợ thêm hơn 60 tỷ USD cho Ukraine, với lập luận rằng nếu ngưng viện trợ thì Ukraine sẽ “khuỵu ngã trên chiến trường”.

Thế nhưng các đảng viên Cộng hòa và thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã ngăn Thượng viện Mỹ khởi động xem xét gói chi tiêu khẩn cấp. Phe Cộng hòa tuyên bố họ sẽ không bỏ phiếu cho phép cấp thêm tiền bạc. Họ đã kêu gọi Nhà Trắng và những người ủng hộ viện trợ cho Ukraine trước tiên hãy nêu rõ hành trình tới chiến thắng.

Trong khi đó, tờ Nhật báo Phố Wall của Mỹ đưa tin, NATO tin rằng nếu Ukraine cầm cự được đến cuối năm 2024 thì họ có thể lấy lại quyền chủ động trên chiến trường vào năm 2025.

Tờ báo Mỹ đề cập các vấn đề mà Ukraine đối mặt vào giai đoạn hiện nay như sự ủng hộ về kinh tế và quân sự từ phương Tây sụt giảm trong khi nội bộ Ukraine xuất hiện nhiều chia rẽ và nhuệ khí chiến đấu của Ukraine xuống thấp.

Tờ báo Mỹ cũng nêu việc Tổng thống Ukraine Zelensky chỉ thị xây dựng một mạng lưới rộng khắp các công sự để hỗ trợ binh lính nước này giữ vững trận địa, coi đây là một dấu hiệu cho thấy ban lãnh đạo Ukraine đã chuyển hướng chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại