Giới chức Mỹ nghi tên lửa Triều Tiên vỡ tung trên không

Ngọc Vân |

Một quan chức Mỹ ngày 3.12 cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất mà Triều Tiên phóng hôm 29.11 đã vỡ tung khi nó quay trở lại khí quyển trái đất.

Mặc dù giới chức Hàn Quốc tin rằng ICBM Hwasong-15 bay được 950km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, song một quan chức Mỹ nói với CNN "tên lửa Triều Tiên gặp trục trặc khi hồi quyển".

Một tên lửa đạn đạo liên lục địa có 3 giai đoạn bay. Giai đoạn tăng tốc diễn ra từ 3 đến 5 phút sau khi rời bệ phóng. Giai đoạn giữa bay khoảng 25 phút bay theo quỹ đạo đường elip trên tầng khí quyển của trái đất. Giai đoạn trở lại tầng khí quyển (hồi quyển) bắt đầu khi khoảng cách với bề mặt trái đất khoảng 100km, kéo dài khoảng 2 phút.

Giai đoạn hồi quyển được cho là cực kỳ quan trọng, bởi công nghệ hồi quyển giúp đầu đạn của tên lửa đạn đạo chịu được nhiệt độ và áp suất cực cao trong giai đoạn quay trở lại bầu khí quyển và ma sát với không khí. Nếu công nghệ hồi quyển không tốt, đầu đạn tên lửa có thể bị chệch hướng hoặc vỡ tan trong quá trình lao xuống đất.

Tuần trước, giới chức Hàn Quốc cho biết, mặc dù Hwasong-15 có tầm bắn bao trùm lục địa Mỹ, nhưng Triều Tiên vẫn cần phải chứng minh làm chủ được những công nghệ quan trọng như hồi quyển, nhằm mục tiêu giai đoạn cuối và tách đầu đạn.

Sau khi Triều Tiên công bố video và ảnh vụ thử Hwasong-15, các chuyên gia Mỹ tin rằng Triều Tiên đúng là có khả năng bắn đầu đạn hạt nhân đến bất cứ nơi nào ở Mỹ, nhưng ít nhất phải qua 2-3 lần thử nghiệm nữa.

Ông Yeo Suk-joo, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, phát biểu trước Quốc hội nước này rằng Triều Tiên thực sự cần làm chủ công nghệ hồi quyển tên lửa. Ông cho biết thêm, động cơ giai đoạn đầu của tên lửa gồm cụm hai động cơ của ICBM nhỏ hơn là Hwasong-14 mà Triều Tiên phóng thử hồi tháng 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại