Để chuẩn bị cho kì bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới, bang Pennsylvania đã cho nâng cấp hệ thống máy tính phục vụ công tác quan trọng này. Tuy vậy, theo một báo cáo mới đây của Associated Press (AP), dù 60% thiết bị tại đây đã được nâng cấp với tổng đầu tư lên tới 14-15 triệu USD nhưng vẫn còn rất nhiều máy tính sử dụng Windows 7. Điều đáng chú ý là hệ điều hành 10 năm tuổi này sẽ bị Microsoft “khai tử" vào ngày 14/1/2020.
Không chỉ riêng Pennsylvania, nhiều hệ thống phục vụ bầu cử của Mỹ cũng trong tình trạng tương tự. Cụ thể, có tới 10.000 khu vực bầu cử khắp nước Mỹ vẫn sử dụng Windows 7, thậm chí cả những hệ điều hành cũ hơn cho các máy tạo phiếu bầu, máy bỏ phiếu cũng như máy kiểm phiếu, thống kê. Kể cả ở những tiểu bang bản lề như Wisconsin, Florida, Iowa, Indiana, Arizona và North Carolina thì hệ thống này vẫn chưa được nâng cấp triệt để.
Microsoft sẽ ngừng hỗ trợ Windows 7 vào tháng 1 năm sau
Theo AP, hiện tại 3 công ty là Election Systems and Software LLC (ES&S), Dominion Voting Systems Inc và Hart InterCivic Inc đang quản lý tới 92% tổng số máy móc phục vụ công tác bầu cử ở Mỹ. Trong đó, chỉ có Dominion là đã kịp thời thay thế, nâng cấp hệ thống. Trên thực tế, thay đổi này đòi hỏi không chỉ tiền bạc mà còn rất nhiều thủ tục liên bang khác. Điều này dấy lên lo ngại rằng tới khi kì bầu cử sơ bộ diễn ra thì loạt máy móc chạy Windows 7 vẫn được sử dụng.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi hệ điều hành Windows 7 kết thúc vòng đời của mình?
Đó là lúc Microsoft sẽ chính thức ngừng hỗ trợ hệ điều hành này với những bản vá miễn phí, gồm các bản cập nhật bảo mật quan trọng để chống lại sự xâm nhập của tin tặc và các phần mềm độc hại. Thông thường, tới giai đoạn này, một hệ điều hành sẽ trở thành "con mồi" ngon để các tin tặc khai thác từ những lỗ hổng không được vá.
Nhưng phía Microsoft vẫn có thể cập nhật bảo mật cho Windows 7 tới năm 2023 nếu họ được trả phí. Chỉ có điều, phí duy trì dịch vụ này vô cùng đắt đỏ và tăng giá theo từng năm.
"Với hàng trăm, hàng nghìn thiết bị chạy Windows 7, các doanh nghiệp sẽ phải chi trả cho Microsoft một khoản phí khổng lồ", theo Techspot. Và việc thanh toán khoản phí này (nếu có) sẽ không biết do ai chịu trách nhiệm: Công ty cung cấp máy móc hay chính quyền?
Thêm một vấn đề nữa là những máy móc phục vụ bầu cử chắc chắn phải là hệ thống khép kín, nghĩa là không thiết bị nào liên quan trực tiếp tới quá trình ghi và kiểm phiếu được kết nối với Internet. Nhưng theo báo cáo hồi 2018 của New York Times, một số hệ thống được cung cấp kèm theo phần mềm điều khiển từ xa. Trên lý thuyết, chúng hoàn toàn có thể bị các tin tặc tiếp cận. ES&S cũng thừa nhận, đơn vị này đã bán các phần mềm dạng này cho "một số lượng nhỏ khách hàng" trong khoảng từ năm 2000-2006.
Nhiều đơn vị bầu cử sử dụng đường dây điện thoại cũng ẩn chứa nguy cơ bị tấn công cao
Chưa kể, nhiều đơn vị bầu cử hiện dùng điện thoại để báo cáo tình hình lên các văn phòng bầu cử quận. Họ cho rằng hình thức này rất an toàn vì không liên quan gì tới mạng Internet. Tuy vậy, tin tặc hoàn toàn có thể dùng công cụ bắt mã số IMSI (Stingray) hoặc những bộ định tuyến viễn thông bị lỗi để tấn công ngược lại hệ thống bầu cử làm sai lệch kết quả kiểm phiếu.
Hiện Pennsylvania, Michigan và Arizona đã tuyên bố sẽ đàm phán với nhà cung cấp để hoàn thiện hệ thống máy móc quan trọng này. Các tiểu bang khác từ chối bình luận về vấn đề trên.
Cuối cùng AP kết luận trong báo cáo: "Ủy ban Hỗ trợ bầu cử Hoa Kỳ là đơn vị kiểm tra những hệ thống máy móc phục vụ bầu cử đạt chuẩn. Nhưng cơ quan này không có thẩm quyền và việc tuân theo những quy chuẩn của ủy ban này chỉ mang tính tham khảo tại cấp Liên bang. Hơn nữa, cơ quan này không có hình thức nào để kiểm tra an ninh mạng cho các thiết bị nói trên".
Theo Gizmodo