Giới ca sĩ Việt kiếm tiền như thế nào

Hồng Hà |

Tại thị trường Việt Nam, các ca sĩ/rapper chưa thể kiếm ra tiền đủ lớn từ streams (các nền tảng nghe nhạc trực tuyến). Do đó, nguồn thu chính của họ đến từ quảng cáo và chạy show.

Hoạt động kiếm tiền của một ca sĩ trên thị trường Việt Nam, cơ bản đến từ nhạc, nhận các hợp đồng từ nhãn hàng và đi diễn. Trong đó, tiền nghệ sĩ kiếm ra từ nhạc không đáng kể. Việc kiếm được tiền từ các nhãn hàng chỉ đến với những ngôi sao hàng đầu. Còn với số đông nghệ sĩ, họ phụ thuộc vào chạy show để kiếm tiền ổn định.

Giới ca sĩ Việt kiếm tiền như thế nào - Ảnh 1.

Mono là ca sĩ chạy show nhiều bậc nhất trong một năm qua.

Một lượt xem trên YouTube kiếm được bao nhiêu tiền?

Với thị trường nhạc Việt, phần lớn ca sĩ xem YouTube là kênh quan trọng nhất để phát hành sản phẩm. Họ đầu tư mọi nguồn lực để sản xuất ra ca khúc, sau đó quay MV để phát trên YouTube. Bên cạnh đó, ca sĩ còn phát hành nhạc song song trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến nhưng sẽ tập trung quảng bá cho MV.

Các ca sĩ hàng đầu trên thế giới làm việc với quy trình ngược lại, là tập trung cho các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Họ xem YouTube chỉ là nền tảng phụ để phát hành MV.

Vì sao số đông ca sĩ tập trung vào YouTube? Đây là nền tảng miễn phí, thông dụng nhất với đa số người nghe nhạc. Với Spotify hay Apple Music, khán giả phải trả tiền hàng tháng. Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ phải sản xuất MV để thu hút nhãn hàng tài trợ và phục vụ cho kế hoạch truyền thông. Top trending của YouTube hiện được xem là thước đo rõ ràng nhất cho sức hút của một ca sĩ Việt.

“Làm nhạc trên YouTube kiếm tiền thế nào?”, Tiền Phong đặt câu hỏi cho một ca sĩ.

Người này trả lời: “Một MV hút một triệu views YouTube sẽ thu về khoảng 500 USD (hơn 10 triệu đồng). Với những Video có độ dài lớn hơn, tiền kiếm về nhiều hơn. Một MV chạm mốc 100 triệu views có thể giúp ca sĩ thu về 1 tỷ đồng”.

Với 2 nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn là Spotify và Apple Music, ca sĩ trên tiết lộ một lượt stream mang lại cho ca sĩ khoản tiền gấp 2-3 lần YouTube.

Một MV hút 100 triệu views trên YouTube là siêu hit của thị trường. Để với tới con số đó, đa phần nghệ sĩ phải đầu tư rất mạnh cho khâu sản xuất MV và quảng bá. Bên cạnh đó, các khoản ăn chia với đơn vị phát hành sẽ cắt đáng kể khoản thu của ca sĩ.

Ở thị trường Âu - Mỹ, những ca sĩ hạng khá trở lên có thể thu về bộn tiền từ iTunes, Apple Music, Spotify. Với thị trường Việt Nam, số đông khán giả chưa sẵn sàng chi tiền để nghe nhạc, do đó số lượng ca sĩ kiếm tiền tỷ trở lên từ nhạc số là rất thấp so với mặt bằng thị trường.

Giờ đây, bên cạnh YouTube, nền tảng miễn phí khác là TikTok phát nhạc và càng khiến giới ca sĩ bị ảnh hưởng trong việc kiếm từ thật sự bằng âm nhạc.

Giới ca sĩ Việt kiếm tiền như thế nào - Ảnh 3.

Hoàng Thùy Linh được nhiều nhãn hàng săn đón trong thời gian gần đây.

Cạnh tranh khốc liệt để “chạy show”

“Vậy nguồn thu chính của ca sĩ là gì”, Tiền Phong đặt câu hỏi này cho nhiều ca sĩ.

Tất cả đều có chung một câu trả lời: “Đó là chạy show”.

Một nhóm ít ca sĩ có thể kiếm tiền tỷ mỗi năm từ nhãn hàng, bằng các hoạt động như đại diện hình ảnh, quảng cáo và nhận tiền tài trợ sản xuất MV. Song, thu nhập lớn và ổn định của nhóm này chủ yếu từ chạy show. Với phần còn lại của thị trường, tất cả phải nỗ lực tạo ra ca khúc hit, đẩy mạnh tên tuổi để kiếm tiền thường xuyên từ đi diễn.

Những ca sĩ có tên tuổi ở các thị trường hàng đầu có thể tự tổ chức show và kiếm tiền. Riêng những giọng ca đình đám, họ kiếm về nguồn thu khổng lồ từ chuỗi Concert vòng quanh thế giới. Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam, số lượng ca sĩ tự tổ chức show và có tiền lời từ đây là rất ít.

Số đông ca sĩ Việt vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào chuyện được các đơn vị tổ chức show hoặc bầu show đặt lịch diễn. Trong đó, các đêm diễn được tài trợ bởi nhãn hàng đồ uống đang mang lại cát-xê cao nhất cho các ca sĩ. Bên cạnh đó, các chuỗi show ở Đà Lạt đã định hình tên tuổi và tạo cơ hội ổn định cho hàng chục ca sĩ ở dòng Ballad, Pop Ballad.

Nhìn chung, việc chạy show kiếm tiền của các ca sĩ Việt vẫn bị lệ thuộc vào nhãn hàng, liên tục biến động theo thị trường. Sự ổn định chỉ đến khi ca sĩ kiếm tiền bền vững từ việc tổ chức những đêm diễn của riêng mình. Thế nhưng, ngay lúc này, rất ít ca sĩ có lãi khi làm ra Concert, Live Show.

Từ diễn biến đó, hoạt động chạy show của ca sĩ chia rõ rệt ở 2 ranh giới. Một bên là nhóm ca sĩ đang hot, được bầu show săn đón, dẫn đến xuất hiện ở hầu hết những sân khấu “béo bở” nhất. Trong khi đó, nhóm ca sĩ còn lại, chỉ cần không tạo ra hit trong thời gian, hoặc không có hit sẽ bị bỏ lại.

Với nhóm ca sĩ trẻ, cơ hội để kiếm tiền ổn định từ chạy show gần như không có.

Giới ca sĩ Việt kiếm tiền như thế nào - Ảnh 4.

Các rapper trẻ nổi tiếng nhanh nhờ game show, nhưng sau đó chật vật.

Bán nhạc lấy tiền và "cạm bẫy" từ đối tác

Không thể đi diễn, không được nhãn hàng tìm tới và không kiếm tiền được từ nhạc, làm sao để nhóm ca sĩ trẻ, chưa nổi tiếng kiếm ra tiền để duy trì làm nghề?

Tiền Phong tìm đến một rapper trẻ để tìm câu trả lời về chuyện đó. Rapper này nói rằng mình là nghệ sĩ trẻ và chưa có hit, do đó không được nhãn hàng quan tâm và có rất ít cơ hội đi diễn. Nguồn tiền duy nhất rapper này có thể kiếm về là bán nhạc cho đơn vị phát hành nhạc số, nhận lại tiền Margin (tiền ứng trước).

Từ dòng tiền MG, nghệ sĩ có một khoản để đầu tư cho MV và quảng bá, thay vì chờ đợi tiền đổ về theo từng đợt đối soát của đơn vị phát hành nhạc số. Đổi lại, với cách làm này, nghệ sĩ sẽ bị đối tác cài các điều khoản bất lợi, như: Tỷ lệ chia doanh thu thấp hơn, bán quyền sở hữu nhạc dài hạn, có thể kéo dài đến 10 năm...

Chưa dừng lại ở đó, một số đơn vị phát hành sẽ lồng vào điều khoản được phép sản xuất phát sinh và toàn quyền phân phối, thu lại nguồn lợi. Cụ thể là các bên này sẽ yêu cầu nghệ sĩ cung cấp đầy đủ vocal (bản thu âm giọng hát) để sản xuất hàng loạt bản remix, đăng lên các nền tảng như TikTok, YouTube và thu tiền. Trong khi đó, nghệ sĩ chỉ nhận được tiền MG ban đầu và không được chia doanh thu phát sinh.

Không ít ca sĩ/rapper trẻ đang bị lợi dụng. Vì khoản tiền MG ban đầu, họ bỏ qua các điều khoản bất lợi hướng về mình, hoặc không đọc kỹ hợp đồng. Trong trường hợp ca khúc đó thành hit, nghệ sĩ sẽ bị mất một loạt quyền lợi vì đã trót ký hợp đồng và nhận tiền MG.

“Chúng tôi không có lựa chọn. Với nghệ sĩ trẻ, MG là nguồn tiền đến nhanh nhất trong âm nhạc để chúng tôi trang trải cuộc sống và đầu tư vào công việc. Vậy nên mọi người sẽ bỏ qua những bất lợi về lâu dài để lấy tiền trước. Mặt khác, các nghệ sĩ trẻ không có quản lý, ê-kíp chuyên nghiệp nên dễ dàng bị đối tác qua mặt”, rapper trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong chia sẻ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại