"Giờ trong lớp thấy chướng mắt với cha mẹ cháu nào thì bầu luôn họ làm... trưởng Ban phụ huynh"

Thanh Hương |

Đó là chia sẻ nửa đùa nửa thật của một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Cứ vào đầu mỗi năm học, các vụ lùm xùm thu chi của Ban phụ huynh lại trở thành đề tài nóng, được các bậc cha mẹ bàn luận rôm rả. Năm học mới 2023 - 2024 mới bắt đầu hơn 1 tháng nhưng đã có đến vài vụ đấu tố thu chi, "ảo tưởng quyền lực" liên quan đến Ban phụ huynh. Đến mức, đã có những ý kiến cho rằng nên dẹp luôn Ban phụ huynh vì đây là "cánh tay nối dài" giúp nhà trường thu thêm các khoản sai quy định.

Ý kiến này được khá nhiều cha mẹ đồng tình nhưng song song đó, không ít phụ huynh lên tiếng phản đối, cho rằng ý kiến này phiến diện, ấu trĩ, không có lợi mà còn gây hại.

Không nằm trong Ban phụ huynh, chị Nga (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ quan điểm: "Không thể vì một số vụ việc "con sâu làm rầu nồi canh" mà quy kết Ban phụ huynh nào cũng xấu. Ở trường con mình, các bác trong Ban phụ huynh thực sự rất nhiệt tình, tốt bụng và luôn nghĩ đến các con".

Chị cho biết, mỗi lần lớp đi tham quan, dã ngoại, Ban phụ huynh đều dậy từ sớm, chuẩn bị nước lọc, đồ ăn vặt, thuốc chống say xe, túi bóng cho các con, rồi đi cùng để phụ cô giáo trông nom các con. Trưởng Ban phụ huynh lớp con chị tuy nhà xa nhưng rất nhiệt tình. Mỗi dịp lễ Tết đều dày công nghĩ ra những hoạt động "ngon - bổ - rẻ" cho cả lớp.

"Nói thật, nếu giờ bỏ Ban phụ huynh thì người thiệt nhất sẽ là các con, rồi đến phụ huynh và giáo viên. Giờ bất kể hoạt động gì, nếu không có 1 người hoặc 1 nhóm người đứng lên quán xuyến thì sẽ thành "ong vỡ tổ" mất" , chị Nga nói.

Giờ trong lớp thấy chướng mắt với cha mẹ cháu nào thì bầu luôn họ làm... trưởng Ban phụ huynh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khác với chị Nga, anh Kiên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng làm trưởng Ban phụ huynh một năm. Tuy nhiên trong năm học tiếp theo, khi được cô giáo chủ nhiệm nài nỉ làm tiếp, anh kiên quyết từ chối vì vừa bận rộn vừa mang tiếng!

"Trong buổi họp đầu năm, cô giáo lớp con mình có hỏi phụ huynh nào có thể đứng lên đảm nhiệm vị trí trưởng Ban phụ huynh thì ai cũng chối, cũng đùn nhau đây đẩy. Sau khi xung phong làm 1 năm mình mới hiểu vì sao ai cũng sợ. Vì đây là vị trí vô cùng "nguy hiểm", vừa không được đồng lương nào, vừa tốn thời gian, tiền bạc mà còn "nguy hại" đến danh dự", anh Kiên nhăn mặt kể lại trải nghiệm của mình.

Anh Kiên cho biết, không ít lần bản thân phải ứng tiền trước để tổ chức các hoạt động, sự kiện cho lớp vì nhiều phụ huynh đóng muộn. Nếu chờ phụ huynh đóng xong hết quỹ mới đi mua nguyên liệu chuẩn bị liên hoan, sự kiện cho các các con thì lại bị cập rập. Có những lần không chỉ ứng trước, anh Kiên còn phải bù thêm tiền vào vì muốn các con có sự kiện tươm tất, đáng nhớ hơn trong thời học sinh.

"Mỗi khi họp phụ huynh, mình và 2 bạn nữa trong Ban phải dậy sớm để đến trường kê lại bàn ghế, trang trí bảng, đặt chai nước ngay ngắn lên bàn, để một số tài liệu cần thiết cho buổi họp vào chỗ ngồi của từng phụ huynh trong lớp. Rồi sau khi họp xong thì lại là người cuối cùng ở lại dọn dẹp. Các buổi liên hoan lớp, liên hoan cuối năm, tổng kết, Ban phụ huynh cũng phải đến sớm nhất, về muộn nhất. Những công sức đó thì chẳng ai nhớ, nhưng cứ hễ đề xuất thu một khoản gì, dù hoàn toàn là vì các con thì cũng sẽ có những ý kiến nghi ngờ, cho là Ban phụ huynh chỉ giỏi vẽ vời", anh Kiên kể lại.

Ông bố này hài hước đùa rằng, giờ trong lớp thấy chướng mắt với cha mẹ cháu nào thì bầu luôn họ làm... trưởng Ban phụ huynh, để họ phải trải qua đủ loại khổ ải!

Dù vui vẻ nói đùa như vậy nhưng anh Kiên cũng công nhận rằng, ở nhiều lớp học, vẫn có những Ban phụ huynh lạm quyền, thu chi không đúng, gây bức xúc cho phụ huynh khác. Tuy nhiên, anh Kiên nhận định, điều cần làm là chấn chỉnh Ban phụ huynh, minh bạch các khoản thu chi chứ không thể bỏ luôn "tổ chức" này.

Đồng thời, anh Kiên cũng cho rằng, các cha mẹ cần có cái nhìn tích cực, hỗ trợ Ban phụ huynh làm tốt hơn các công việc của lớp, thay vì lúc nào cũng nghi ngờ, đặt điều tiếng xấu.

Ban phụ huynh, hay Ban đại diện cha mẹ học sinh là gì?

Theo Điều 2 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục.

Trong đó, không được tổ chức Ban đại diện cha mẹ học sinh theo hình thức liên trường và ở các cấp hành chính.

Mỗi lớp có một Ban đại diện cha mẹ học sinh gồm từ 3 đến 5 thành viên, trong đó có trưởng Ban và một phó trưởng Ban. Các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh.

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lấy từ đâu?

Theo khoản 1 Điều 10 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định như sau:

- Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

- Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.

Việc thu, chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Đặc biệt, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Ngoài ra, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học:

- Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

- Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh bao gồm:

+ Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;

+ Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

+ Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

+ Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

+ Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;

+ Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

+ Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

(Khoản 3, 4 Điều 10 Điều lệ ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại