Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) sáng lập nhằm kêu gọi mọi người thực hiện các hành động thiết thực bảo vệ môi trường thông qua việc tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ (từ 20h30 đến 21h30 giờ địa phương) vào ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm.
Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney, Úc năm 2007, Giờ Trái Đất trở thành một phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới.
Trong những năm đầu, Giờ Trái Đất tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng những năm gần đây, chương trình hướng sự chú ý của mọi người vào mất đa dạng sinh học và suy thoái tự nhiên.
Giờ Trái Đất nhấn mạnh vai trò của các cá nhân trong việc tạo ra những giải pháp nhằm giải quyết các thách thức môi trường cấp bách nhất hành tinh, kêu gọi sức mạnh tập thể của hàng triệu người trên Trái đất để cùng tạo ra một tương lai tích cực.
Năm 2009, Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam bởi WWF, với sự đồng hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chỉ với 6 tỉnh thành tham gia lần đầu tiên, Giờ Trái Đất hiện nay đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của toàn bộ 63 tỉnh thành và hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức.
Giờ Trái đất 2024 tại Việt Nam, WWF cùng với Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi công chúng cùng “ Giảm dấu chân carbon - Hướng tới Net Zero”.
Ban tổ chức kêu gọi tất cả mọi người dành một giờ cho Trái đất và làm những việc, dù là nhỏ nhất, để góp phần giảm dấu chân carbon như có thể đạp xe, lựa chọn mua các sản phẩm tiêu dùng thân thiện với môi trường, trồng thêm cây xanh, tham dự sự kiện Giờ Trái đất tại địa phương hay chỉ đơn giản là tắt các thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ.
Giờ Trái đất cũng kêu gọi các doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp tối ưu hoá hoạt động, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh các hoạt động trực tuyến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, nhiều sự kiện trực tiếp cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng hành động vì mục tiêu chung của Việt Nam.
Theo WWF, biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt. Đối với Việt Nam, việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Đại diện WWF cho rằng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay kinh tế carbon thấp là mục tiêu không hề dễ dàng. Trong bối cảnh đó, việc giảm dấu chân carbon đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hướng tới Net Zero. Giảm dấu chân carbon, đồng nghĩa với giảm phát thải, là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.