Giết ngựa trắng kết nghĩa với Lê Lợi, vị anh hùng này làm gì trong đại họa giết công thần?

Tư Bối |

Nguyễn Tuấn Thiện (Lê Thiện) là thủ lĩnh của đội quân "Cốc Sơn" danh tiếng lừng lẫy tại Hà Tĩnh trong thời kỳ đấu tranh chống quân Minh, có nhiều công lao nhưng lại bị lãng quên.

Chàng nông dân nuôi chí lớn

Nguyễn Tuấn Thiện là một vị võ tướng và là khai quốc công thần dưới triều Lê Sơ. Ông sinh ra và lớn lên ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc, ông được vua ban họ Lê, nên người đời thường gọi là Lê Thiện.

Giết ngựa trắng kết nghĩa với Lê Lợi, vị anh hùng này làm gì trong đại họa giết công thần? - Ảnh 1.

Từ một người nông dân đứng lên bảo vệ xóm làng. Hình minh họa

Vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, làm nông nghiệp. Từ nhỏ, ông đã mồ côi cha, những công việc trong nhà cũng sớm phải gánh vác nên tỏ rõ là một người chín chắn, trưởng thành hơn cả.

Lớn lên trong cảnh đất nước bị xâm lăng, quê hương bị giặc thống trị. Nguyễn Tuấn Thiện đã sớm nuôi chí diệt thù, cứu dân, cứu nước.

Ông đã tự đứng dậy tập hợp một số bạn bè, người thân cùng chung chí hướng ở quê nhà, sớm chiều tập luyện võ nghệ, thành lập một đội quân với mục đích để bảo vệ xóm làng trước sự cướp phá của giặc Minh.

Đội quân Cốc Sơn do Nguyễn Tuấn Thiện làm thủ lĩnh đã làm chủ được toàn bộ Hương Sơn, gây được sức ảnh hưởng lớn ở Hà Tĩnh lúc bấy giờ.

Giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề kết nghĩa cùng Lê Lợi

Khi nghĩa quân do Lê Lợi đứng đầu tiến vào vùng đất Hương Sơn, Nguyễn Tuấn Thiện đã huy động nhân dân khắp vùng tham gia cùng với nghĩa quân của Lê Lợi.

Giết ngựa trắng kết nghĩa với Lê Lợi, vị anh hùng này làm gì trong đại họa giết công thần? - Ảnh 2.

Nghĩa quân Lam Sơn đến Hương Sơn

Sau đó, Nguyễn Tuấn Thiện cùng với Lê Lợi giết ngựa trắng, cắt tóc ăn thề kết nghĩa anh em dưới gốc cây thị ở xóm Nậy (xã Sơn Phúc), quyết cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược. Từ đó đội quân Cốc Sơn trở thành bộ phận của nghĩa quân Lam Sơn.

Cũng từ đó mà người dân địa phương về sau vẫn lưu truyền câu thơ nói về giai thoại lịch sử này:

" Cắt tóc, giết ngựa trắng

Dưới gốc thị thề nguyền

Nguyện đồng tâm đồng chí

Phá giặc xây cơ đồ"

Trải qua 10 năm chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Tuấn Thiện cùng các tướng lĩnh khác như: Đinh Liệt, Trịnh Khả, Lê Sát, Nguyễn Xí đã chỉ huy nhiều trận đánh ác liệt, ông được phong làm Đô tổng quản phó nguyên soái.

Với tài thao lược và lòng dũng cảm, Nguyễn Tuấn Thiện đã góp sức mình cùng với Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh Lam Sơn hoàn thành sứ mạng vẻ vang quét sạch quân thù đem lại nền độc lập cho đất nước.

Giết ngựa trắng kết nghĩa với Lê Lợi, vị anh hùng này làm gì trong đại họa giết công thần? - Ảnh 3.

Anh dũng trên chiến trường

Sau khi quân xâm lược nhà Minh được quét sạch ra khỏi đất nước, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Nguyễn Tuấn Thiện được liệt vào hàng khai quốc công thần và được phong làm Tĩnh nạn tuyên lực trung liệt minh nghĩa khai quốc công thần Đô tổng quản phó nguyên soái Trung lãng đại phu tá phụng thánh vệ Đại tướng quân (tước Đại trí tự) và được Vua ban quốc tính họ Lê.

Trong Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam tác giả Đinh Xuân Lâm,Trương Hữu Quýnh NXB Giáo Dục có viết: "....Hai người tổ chức lễ thề, kết làm anh em. Đội quân Cốc Sơn trở thành một bộ phận của nghĩa quân Lam Sơn, vùng Phúc Đậu thành đại bản doanh của Lê Lợi.

Giữa năm 1426, Nguyễn Tuấn Thiện chỉ huy một đạo quân ra Quảng Oai (Ba Vì- Hà Tây) góp phần quan trọng trong chiến thắng ở cầu Nhân Mục (tháng 10 năm 1426).

Tháng 11 năm 1426, ông lại cùng các tướng Đỗ Bí, Phạm Văn Xảo, bố trí quân chặn đánh Vương Thông trong chiến thắng Tốt Động- Chúc Động.

Sau chiến thắng này, Ông được Lê Lợi điều lên Bắc Đạo chặn địch. Đầu năm 1428, ông được xếp vào hàng công thần khai quốc. quản lĩnh vùng Lạng Sơn...".

Khi xảy ra đại họa nghi kị giết hại công thần, ông xin từ quan về quê ở ẩn. Khi mất, ông được nhân dân địa phương lập đền thờ.

Giết ngựa trắng kết nghĩa với Lê Lợi, vị anh hùng này làm gì trong đại họa giết công thần? - Ảnh 4.

Lê Thiện từ quan về ở ẩn

Chính sử lãng quên, nhân dân đời đời ghi nhớ

Dù là khai quốc công thần nhà Lê Sơ, có nhiều công lao to lớn trong việc giành lại độc lập dân tộc. Thế nhưng, tên tuổi của dũng tướng Lê Thiện lại hầu như vắng bóng trong các trang chính sử nước nhà.

Tuy tên tuổi của ông bị chính sử lãng quên, nhưng nhân dân vẫn mãi mãi nhớ đến công lao của vị tướng tài Lê Thiện trong việc giành lại độc lập cho dân tộc.

Trải qua 5 thế kỷ, Mộ ông vẫn được bảo vệ nguyên trạng trên Kim Quy Sơn, được con cháu trong họ và nhân dân địa phương gìn giữ, tôn tạo và hương khói thường niên.

Giết ngựa trắng kết nghĩa với Lê Lợi, vị anh hùng này làm gì trong đại họa giết công thần? - Ảnh 5.

Đền thờ và mộ Tướng Lê Thiện

Nguyễn Tuấn Thiện là người con ưu tú của dân tộc, tiêu biểu cho truyền thống yêu quê hương, đất nước, đoàn kết chống kẻ thù xâm lược đem lại thái bình cho Tổ quốc.

Lời bình:

Có thể nói Lê Thiện là một vị tướng không chỉ tài giỏi về mặt cầm quân trên chiến trường mà còn là một người khá nhạy bén với thời cuộc.

Ra đi từ một chàng nông dân áo vải bình dị và cuối đời cũng an nhàn chốn quê hương. Không bon chen với đời, không ham vinh hoa phú quý địa vị tiền tài, biết tiến lùi đúng lúc. Ấy mới đúng là bậc anh hùng đáng ngưỡng mộ.

Tài liệu tham khảo:

1. Kienthuc.net

2. Từ điển nhân vật Lịch sử Việt Nam tác giả Đinh Xuân Lâm,Trương Hữu Quýnh NXB Giáo Dục.

3. Báo điện tử Hà Tĩnh

4. Báo Vnexpress

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại