Giếng nước thần họ Vi nơi biên viễn

Nguyễn Duy Chiến |

Tôi đến Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đúng dịp chính thu tháng 9. Bên cạnh những nếp nhà thấp thoáng nét đơn sơ, cổ kính cùng biệt phủ của Tổng đốc Vi Văn Định trầm mặc với thời gian thì bao quanh khu dân cư yên bình là những rặng núi đồi nhiều lớp. Bản Chu nằm men theo con sông Kỳ Cùng lững thững nước chảy, hai bên bờ cây cối xanh non chạy dài theo sát biên giới Việt- Trung.

TP - Tôi đến Bản Chu, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đúng dịp chính thu tháng 9. Bên cạnh những nếp nhà thấp thoáng nét đơn sơ, cổ kính cùng biệt phủ của Tổng đốc Vi Văn Định trầm mặc với thời gian thì bao quanh khu dân cư yên bình là những rặng núi đồi nhiều lớp. Bản Chu nằm men theo con sông Kỳ Cùng lững thững nước chảy, hai bên bờ cây cối xanh non chạy dài theo sát biên giới Việt- Trung.

Mạch nguồn

Ông Hoàng Văn Báo, dân tộc Tày, năm nay bước sang tuổi 73 nhưng nom còn cường tráng, nhanh nhẹn. Bước chân chắc nịch, ông dẫn chúng tôi hướng về mé sông Kỳ Cùng, cách biệt phủ của Tổng đốc Vi Văn Định chừng hơn cây số. Trên đường đi, ông tranh thủ giới thiệu, thân phụ của ông đã từng lái xe riêng cho dòng họ Vi “danh gia vọng tộc”. Lâu nay, ông Báo được giao công việc trông coi khu lưu niệm, bảo vệ cổng, thành biệt phủ còn sót lại. Ông cũng là một trong số ít người nắm được những thông tin, bí ẩn về mảnh đất và con người nơi đây.

“Có thể nói, giếng cổ ở Bản Chu không chỉ là nguồn nước sạch của bản, đó còn là một không gian gắn kết mọi người qua những hoạt động thường nhật, một không gian lưu giữ những nếp quê giản dị có từ nhiều đời nay”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Huynh

Đứng trên một mỏm đất, ông Báo giới thiệu: Rẻo đất Bản Chu uốn lượn dọc theo dòng sông Kỳ Cùng mang dáng vẻ một con rồng lớn uy nghi. Ngoài câu chuyện về khu biệt phủ chôn vàng, châu báu, người dân địa phương còn truyền nhau về một cái giếng cổ tên là Bó Lìn (tiếng Tày dịch ra là “mạch nước”), do chính Tổng đốc Vi Văn Định cho đào và xây đắp.

Giếng nước thần họ Vi nơi biên viễn - Ảnh 2.

Bản Chu- “Bản phủ” dòng họ Vi nay vẫn còn lưu giữ nét cổ kính, uy nghiêm. Ảnh: Duy Chiến

“Nếu Bản Chu được gọi là mảnh đất hình rồng thì giếng nước Bó Lìn được đào ở đúng mắt rồng. Dù bây giờ, người dân đã biết khoan giếng lấy nước sạch và cái giếng cổ cũng không nhộn nhịp người lấy nước như xưa nhưng họ vẫn rất trân quý. Khi nhà có việc cưới xin, tang lễ hoặc bản làng hội hè thì mọi người đều đến giếng cổ để lấy nước xin phước lành và chữa bệnh”, ông Báo giới thiệu.

Theo ông Báo, giếng Bó Lìn được đào đúng vào mạch của hai con sông: Kỳ Cùng và sông Hát Kít từ mé Quảng Ninh xuống xuống tạo thành dòng chảy qua huyện Lộc Bình lên huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn rồi chảy về Trung Quốc. Đã hơn thế kỷ nay, cho dù có những năm hạn hán kinh niên, dòng sông cạn kiệt nhưng nước trong giếng lúc nào cũng đầy ắp.

“Sau này, con cháu thuộc dòng dõi nhà họ Vi ở khắp mọi nơi đã trở về quê cũ tìm lại cội nguồn gia tộc mình và không quên đến giếng Bó Lìn để thăm, ôn lại kỷ niệm xưa và mang đi những giọt nước ngọt lành, thiêng liêng”

Ông Hoàng Văn Báo, quản gia nhà lưu niệm họ Vi

“Vào đầu năm 1910, trong một đêm mùa hè oi bức, Tổng đốc Vi Văn Định bỗng nhiên buồn ngủ và đi nghỉ sớm. Sáng hôm sau, ông cho triệu tập dòng họ Vi và dân Bản Chu đến biệt phủ và kể lại, trong giấc mơ đêm qua đã gặp một linh vật màu vàng, dẫn ông đến bờ sông Kỳ Cùng rồi phun xuống một ánh hào quang màu trắng nom như dải lụa. Bên tai ông như còn văng vẳng câu nói “hãy tích nước, tích phúc cho dân”. Nói rồi, linh vật bay lên trời cao, đúng lúc trời bắt đầu tỏ rạng”, ông Báo xúc động kể lại.

Giếng nước thần họ Vi nơi biên viễn - Ảnh 4.

Giếng cổ Bó Lìn. Ảnh: Duy Chiến

Sau khi cho mời các thầy phong thủy về “bắt mạch”, tìm ra được nguồn nước quý ấy, Tổng đốc Vi Văn Định cùng bà con ngày đêm đào giếng rồi cho người xây quây thành tạo thành chiếc bể chứa vì nước giếng phun quá mạnh. Theo quan sát của chúng tôi: Thành giếng cao hơn 2m, được xây bằng gạch nung, mang dáng của một chiếc trống đồng, không có họa tiết cầu kỳ, chỉ có 2 vòng tròn đắp nổi tượng trưng cho những cái đai trống. Trải qua hơn thế kỷ, mạch nước của giếng Bó Lìn chưa bao giờ ngừng chảy nên bể lúc nào cũng đầy, người Bản Chu chỉ việc lấy thùng ra hứng nước từ cái vòi ở thành giếng chứ không phải dùng gàu để múc. Ngoài việc xây giếng, Tổng đốc Vi Văn Định còn sai người làm 42 bậc lên xuống giếng bằng đá cuội màu xám vững chắc.

Tôi thấy trên thành giếng vẫn có nét khắc rất rõ, ghi năm 1910, đánh dấu năm ông Tổng đốc cho xây thành giếng, cạnh bên ngôi chùa dòng họ Vi có gốc cây đa cổ thụ. Ông Hoàng Văn Báo nói, xưa kia dù giếng nước của nhà quan Tổng đốc, nhưng ông Vi Văn Định vẫn cho cả bản dùng chung. Chính vì vậy, ở Bản Chu, mọi người còn gọi thêm một cái tên thân thiết “giếng ông Định”.

Huyền thoại

Theo lời ông Báo, người dân Bản Chu tôn giếng này là “giếng thần”. Bởi, nằm nép sát bên con sông Kỳ Cùng, phù sa vẩn đục mà nước giếng vẫn trong vắt, ngọt lịm. Người dân nơi đây còn tin rằng, nước trong “giếng thần” chữa được bách bệnh. Họ truyền tai nhau về câu chuyện xảy ra cách đây chừng 5 thập kỷ. Một bà lão ở Bản Chu mắc bệnh trọng phải nằm bệnh viện, chữa trị hàng tháng trời mà bệnh tình không thuyên giảm. Nhớ làng, nhớ người thân và giếng nước Bó Lìn, cụ nằng nặc đòi con cháu mang cho ngụm nước ở giếng cổ quê hương để uống, trước khi về với tổ tiên. Không ngờ, chỉ vài ngày sau khi uống nước giếng, gương mặt cụ bỗng hồng hào, ăn uống đủ đầy và nhanh chóng được xuất viện vài ngày sau…

“Thực hư câu chuyện trên thế nào cũng chưa thể kết luận, thế nhưng, qua bao năm, nước giếng vẫn trong vắt, có mùi thơm kỳ lạ. Nước này nấu cơm rất ngon, hạt tạo mùi vị dẻo ngọt. Dùng nước giếng Bó Lìn đun pha trà thì thấy vị trà thơm, dư vị hấp dẫn, tỏa hương bay xa. Còn chị em gội đầu bằng nước giếng sẽ làm mái tóc mượt, dầy và đen lay láy”, ông Báo chia sẻ.

Ông Báo cho biết thêm, với sự tin tưởng, trân quý giếng nước cổ, nhiều người dân còn tìm đến Bó Lìn xin nước tinh khiết để tắm rửa cho những người già ốm yếu hay những người bệnh nguy kịch không thể qua khỏi. Người dân quan niệm rằng, nước từ giếng cổ thanh sạch, rửa sạch bụi trần để người xấu số trở về với tổ tiên. Đây là nét phong tục độc đáo của người dân Bản Chu xưa nay.

Lưu giữ nét xưa

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Huynh, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, dòng họ Vi có gốc ở Nghệ An. Sau khi có công đánh đuổi giặc Minh xâm lược, họ được triều đình ban đất đai và giao cho trọng trách trấn giữ biên cương nơi xứ Lạng. Tại đây, họ kết hôn với người dân tộc Tày và sinh ra các thế hệ con cháu họ Vi ở Lạng Sơn.

Tổng đốc Vi Văn Định (1878-1975) là đời thứ 13 kể từ khi cụ tổ lên xứ Lạng lập ấp. Ông thay cha đảm trách việc quan, trấn ải một vùng rộng lớn khu vực biên giới phía Bắc. Năm 1928, triều đình nhà Nguyễn điều ông về nhậm chức ở Thái Bình, thăng làm Tổng đốc. Sau đó ông tiếp tục làm Tổng đốc Hà Đông và được tấn phong Hiệp tá Đại học sĩ, hàm Thái tử Thiếu Bảo. Sau này ông đi theo cách mạng, là Ủy viên Trung ương Hội Liên Việt.

“Kể từ khi dòng họ Vi rời xứ Lạng về xuôi, các công trình kiến trúc, nhà cửa, nhất là biệt phủ Tổng đốc trải qua năm tháng, chiến tranh, giặc dã đã xuống cấp nghiêm trọng. Duy chỉ có giếng cổ Bó Lìn là còn khá nguyên vẹn”, ông Nguyễn Quang Huynh chia sẻ.

Theo ông Huynh, năm 2011, con cháu họ Vi cũng đã cho dựng lại gian nhà nhỏ ở chính biệt phủ Tổng đốc Vi Văn Định để lưu giữ lịch sử gia tộc. Mỗi khi có dịp về quê, họ đều không quên mang theo chai nước giếng Bó Lìn để ghi nhớ quê cha đất Tổ.

Xứ Lạng, cuối tháng 8/2022

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại