Tại hội thảo quốc tế thích ứng với già hóa dân số cách đây không lâu, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với trên 10 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Dự báo đến năm 2030, tỉ trọng người cao tuổi nước ta sẽ chiếm 17% và 20 năm sau sẽ là 25%.
Đáng lưu ý, tốc độ già hoá dân số của Việt Nam diễn ra quá nhanh. Trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, chậm chí hàng thế kỷ để chuyển sang giai đoạn dân số già (nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%) thì Việt Nam chỉ mất 20-22 năm...
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời kỳ dư lợi dân số này sẽ kéo dài khoảng 34 năm và kết thúc vào khoảng năm 2041. Ảnh: Bệnh viện Y học cổ truyền TW khám bệnh cho người cao tuổi
Già hóa dân số là đặc trưng của những nước thu nhập cao, không phải các nước thu nhập thấp. Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình nhưng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Nguyên nhân do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng trong khi tỉ suất sinh và tỉ suất chết giảm. Đây cũng là thách thức với hệ thống an sinh của Việt Nam, khi thống kê chỉ có 30% người cao tuổi được hưởng lương hưu, 70% không có trợ cấp gì, do vậy rất nhiều người già vẫn phải tự lao động kiếm sống.
Trong bối cảnh đó, theo số liệu khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố mới đây, hiện nay cả nước có gần 300 khu công nghiệp và khu chế xuất, thu hút hơn 2.800.000 lao động. Tuy nhiên các DN FDI đều ưu tiên lứa tuổi 15-18 hoặc có thể thấp hơn, nhưng không quá 35 tuổi.
Để không vi phạm pháp luật lao động, người sử dụng lao động thường tìm ra các lý do rất chính đáng, như DN không có nhu cầu, không có việc làm, chuyển địa điểm kinh doanh, thay đổi công nghệ sản xuất để chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Việc các DN FDI từ chối sử dụng lao động trên 35 tuổi đã và đang gây nên sự lãng phí nguồn lao động đồng thời làm gia tăng nguy cơ thất nghiệp của người lao động khi ở độ tuổi này. Bởi, những người trên 35 tuổi cơ hội tìm kiếm việc làm mới khi bị buộc cho thôi việc rất thấp.
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Đây là quy luật thay thế lao động cũ bằng lao động mới của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sử dụng lao động chi phí giá rẻ, sung sức hơn.
Đối tượng bị cho nghỉ việc ở tầm 37 - 38 tuổi sẽ xuất hiện nhiều hơn tại các KCN - KCX và sẽ là gánh nặng với thị trường lao động Việt Nam. Những người lao động tầm tuổi đó sẽ ở tình trạng bảo hiểm xã hội đóng ít, không có nhà ở, không có nghề, lương thấp không lo được cuộc sống”.
Nhân lực luôn là nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế- xã hội của mọi quốc gia, với thực trạng đang diễn ra, nếu không có giải pháp căn cơ trong việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thì những cảnh báo về nguy cơ “chưa giầu đã già” đối với Việt Nam sẽ không còn là viễn cảnh xa vời.