Sáng 26/11, tại chung cư Goldmark City , 136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, người dân bàng hoàng phát hiện bé gái tên L. (12 tuổi) rơi từ tầng 39 của tòa nhà xuống đất. Khi cơ quan chức năng đến hiện trường, cháu bé đã tử vong.
L. được cho rằng đã nhảy lầu vì buồn chuyện gia đình. Cô bé không chịu được cú sốc bố mẹ ly hôn nên đã có quyết định dại dột bằng cách “trốn thoát” khỏi việc đối diện với ngày mai.
Bức thư của bé L. để lại đã được lưu truyền trên MXH khiến bao nhiêu người vừa đọc vừa nức nở, khiến các bậc cha mẹ mải miết chạy theo cảm xúc của chính mình bỗng giật mình nhìn lại.
Bức thư viết như sau:
"Gửi gia đình!
Mọi người - bố, mẹ, anh! Con nhớ... hồi chúng ta ở nhà cũ! Ngôi nhà đó không tiện nghi như bây giờ, nhưng nó có biết bao kỷ niệm con không thể quên!
Vì nhà chật bố mẹ phải ngủ chung, chứ không như nhà mới bố mẹ ngủ riêng ra, mẹ ngủ ở phòng, bố ngủ ở ghế. Trước đây, bố hay giúp mẹ việc nhà, giúp đỡ bọn con học hành, nhưng bây giờ thì không.
Bố dành thời gian ngoài kiếm tiền, ít khi quan tâm gia đình như trước. Con nhớ những kỳ nghỉ Tết và nghỉ hè, cả gia đình cùng đi chơi với nhau, con thấy rất vui!
Nhưng bây giờ, 3 mẹ con đi riêng, 3 bố con đi riêng, làm con cứ thấy thiếu điều gì đó! Giá mà bây giờ gia đình mình như vậy thì tốt quá, nhưng không, mọi thứ tan vỡ rồi!
Bố mẹ sẽ chia tay nhau, bọn con sẽ không còn gặp bố nữa! Bố ơi, con biết chuyện gì xảy ra. Vì nảy sinh bất đồng với mẹ, bố không thể tập trung làm việc, đem tiền về cho gia đình.
Con mong bố dành thời gian với gia đình, giúp đỡ mẹ việc nhà, thường xuyên hỏi han chuyện học hành của bọn con... Như vậy, mẹ mới tin tưởng bố và yêu thương bố nhiều hơn!
Còn mẹ, con biết mẹ rất rất vất vả vì nuôi 2 con. Nhưng mẹ vẫn cố yêu thương gia đình mình! Mẹ à, con mong mẹ yêu thương bố nhiều hơn, như vậy bố mới tập trung làm việc, mang nhiều tiền về cho gia đình! Còn anh Sơn, thật sự, em không hề ghét anh!
Anh thường mang lại tiếng cười cho em. Dù hơi đần nhưng em rất thích những bộ phim, câu chuyện, hình vẽ, sản phẩm... mà anh làm cho em! Em mong anh học tập chăm chỉ để không phụ lòng bố mẹ!
Nói chung, con yêu mọi người nhiều lắm”.
Cả bức thư không có 1 lời oán trách nào bố mẹ, cũng không nói đến việc mình sẽ ra đi theo cách đó. Nhưng chất chứa trong đó vẫn là ước mong bố mẹ sẽ hàn gắn dành thời gian và sự quan tâm đến nhau hơn.
Ảnh minh họa
Điều đặc biệt trong bức thư cô bé nói đến “nhà cũ”. Đó là ngôi nhà hạnh phúc cô bé đã được hưởng: “Ngôi nhà đó không tiện nghi như bây giờ, nhưng nó có biết bao kỷ niệm con không thể quên! Vì nhà chật bố mẹ phải ngủ chung, chứ không như nhà mới bố mẹ ngủ riêng ra, mẹ ngủ ở phòng, bố ngủ ở ghế. Trước đây, bố hay giúp mẹ việc nhà, giúp đỡ bọn con học hành, nhưng bây giờ thì không”.
Nhà cũ, trong mỗi chúng ta đều có 1 ngôi nhà cũ. Dù là nhà cũ nhưng lại là nơi hạnh phúc, là bao kỷ niệm. Ngôi nhà mới rộng hơn, tiện nghi hơn làm cho chúng ta rời xa nhau hơn chăng? Bố bận kiếm tiền, mẹ bận cáu bẳn vì không có ai giúp việc nhà và rồi bố mẹ rời xa nhau ra.
Khi cuộc chia ly xảy ra, bố mẹ là người quyết định đến với nhau và cũng là bố mẹ là người quyết định lìa xa. Có ai hỏi ý kiến con đâu. Cảm xúc là của cha mẹ nhưng bố mẹ đâu để ý rằng con là người cũng có cảm xúc.
Hạnh phúc là chiếc chăn hẹp, người này kéo thì người kia hở. 1 cuộc ly hôn cha mẹ không phải là người hạnh phúc, những đứa trẻ càng không cảm thấy hạnh phúc. Chúng ước lúc còn 1 gia đình yên vui, lúc nhận được cùng lúc sự quan tâm của cha mẹ, khi còn “ngôi nhà cũ” chật hẹp mà ấm êm ngày nào.
Với 1 đứa trẻ nó cũng nhận ra giải pháp thực sự đơn giản thôi: “Con mong bố dành thời gian với gia đình, giúp đỡ mẹ việc nhà, thường xuyên hỏi han chuyện học hành của bọn con... Như vậy, mẹ mới tin tưởng bố và yêu thương bố nhiều hơn!”. Mỗi người dẹp đi cái tôi một chút, đôi bên cùng nghĩ tốt về nhau, nghĩ cho 2 chữ gia đình, nghĩ đến cảm nhận kết quả cuộc tình của bố mẹ là các con, thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
Nhưng thế giới người lớn thì phức tạp, đôi mắt của con nhìn sự việc đơn giản hơn, nhưng thứ con cần chỉ là đủ cả bố cả mẹ, là sự yên vui trong “ngôi nhà cũ” thôi. Như thế có gì quá đáng không?
Ảnh minh họa
Cha mẹ luôn nói rằng: “Sau này lớn con sẽ hiểu” nhưng sao bố mẹ không nhìn bằng đôi mắt của chúng con sẽ thấy mọi chuyện giản đơn hơn, sẽ thấy chúng con cần cả bố mẹ biết nhường nào.
Con biết một bàn tay không làm nên tiếng vỗ. Thế giới của người lớn chỉ cần 1 người buông tay là sợi dây đứt rồi nên thật khó để bố mẹ nghe lời cầu xin này. Có lẽ vì thế cô bé đã tự tìm giải pháp cho chính mình, một giải pháp cực đau đớn cô bé đã quyết định và đau đớn cho người ở lại.
Cha mẹ nào đọc bức thư ấy cũng thấm thía rằng “ngày đẹp trời nhất là ngày mình còn nắm tay”, bởi nếu bàn tay còn nắm bàn tay thì sẽ chẳng có gì có thể chia lìa, sẽ chẳng có bức thư chia lìa dương thế đọc nhẹ tênh mà đầy đau đớn kia để lại.
Đúng là thế giới người lớn phức tạp hơn con trẻ tưởng, đúng là có những cuộc hôn nhân nên dừng lại. Nhưng ngay từ khi chưa có những " hố đen " của tuyệt vọng xuất hiện, hãy nuôi dưỡng một cuộc hôn nhân ngay từ khi bắt đầu. Lúc sóng gió hãy cùng nhau tìm giải pháp chứ không nghĩ tới việc buông tay thì ắt sẽ còn “ngôi nhà cũ” luôn luôn ở đó.
Để khi về già, chính chúng ta khi còn nhìn được bàn tay nhăn nheo của người ấy có thể mỉm cười rằng hạnh phúc này, đớn đau ấy chúng ta đều đã vượt qua được... cùng nhau. Để khi con lớn lên dù cuộc đời này có vùi dập con nhường nào thì “ngôi nhà cũ” vẫn như bức tường thành để con biết mình còn điểm tựa để bước tiếp chẳng ngại ngần.